Tiêu điểm
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thúc đẩy ngành lương thực thực phẩm phát triển

Ngành chế biến lương thực, thực phẩm (LTTP) là một trong bốn ngành công nghiệp trọng điểm ưu tiên phát triển của TP Hồ Chí Minh, chiếm 13,78% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp, đóng góp 13,69% giá trị gia tăng toàn ngành công nghiệp của thành phố.

Theo Hội Lương thực thực phẩm TP Hồ Chí Minh, trong 8 tháng năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành LTTP của thành phố tăng 26,87%. Trong đó, phân ngành chế biến thực phẩm tăng 11,9% (nhóm hàng chủ lực như chế biến, bảo quản thịt và các sản phẩm từ thịt tăng 15,4%; chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm thủy sản tăng 11%; sản xuất mì ống, mì sợi và các sản phẩm tương tự tăng 25%). Nhiều sản phẩm có chất lượng, thương hiệu uy tín của thành phố dần chiếm lĩnh thị trường trong nước, thay thế hàng nhập khẩu và đã xuất sang nhiều nước trên thế giới.

Người dân lựa chọn thực phẩm trong siêu thị tại TP Hồ Chí Minh. 

Tuy nhiên, cũng giống như nhiều ngành hàng khác, ngành chế biến LTTP của thành phố đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của dịch Covid-19, những căng thẳng địa chính trị trên thế giới... dẫn tới đứt gãy nguồn cung ứng nguyên liệu, hệ thống phân phối bị gián đoạn và nhân lực bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bên cạnh giá nguyên liệu sản xuất kể cả trong nước và nhập khẩu đều tăng cao, các mặt hàng có thế mạnh của thành phố đang bị cạnh tranh gay gắt ở cả trong và ngoài nước. Cùng với đó là các rào cản kỹ thuật của nhiều thị trường quốc tế ngày càng khắt khe là thách thức lớn đối với ngành LTTP thành phố.

Vì vậy, để ngành chế biến LTTP của thành phố tiếp tục phát triển, giữ vững vai trò là một ngành sản xuất chủ lực, UBND TP Hồ Chí Minh vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm ngành nghề chế biến LTTP giai đoạn 2022-2025. Theo đó, TP Hồ Chí Minh hỗ trợ phát triển nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng thành phố giai đoạn 2022-2025. Đồng thời, phát triển nguồn nhân lực cho ngành chế biến LTTP. Cụ thể, đào tạo tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm; cập nhật các quy định của pháp luật về quản lý an toàn thực phẩm; triển khai chương trình, kế hoạch hợp tác với các doanh nghiệp nhằm đào tạo nguồn nhân lực bậc cao cho ngành chế biến LTTP.

Mặt khác, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường. Trong đó, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước nhằm cung cấp thông tin và quảng bá các sản phẩm ngành chế biến LTTP, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của ngành đến các doanh nghiệp và nhà đầu tư. Hỗ trợ các doanh nghiệp của ngành tham gia khảo sát thị trường, các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước. Cùng với đó, triển khai các giải pháp về kích cầu đầu tư như: Triển khai các chính sách ưu đãi đầu tư, hỗ trợ sản xuất; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn...

Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP Hồ Chí Minh, những khó khăn và thách thức của ngành LTTP đang đối mặt, đòi hỏi các doanh nghiệp phải đổi mới sáng tạo, thay đổi công nghệ, chuyển đổi số, truy suất nguồn gốc sản phẩm, nâng cao năng suất lao động, nâng cao giá trị sản phẩm, đưa văn hóa bản địa vào sản phẩm để thích ứng với yêu cầu từ các thị trường xuất khẩu.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật