A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Trợ lực cho phụ nữ vùng khó khăn thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Cùng với công tác tuyên truyền, vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm, việc triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” trên địa bàn huyện Cư Kuin đã góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao vị trí, vai trò của phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Truyền thông thay đổi nhận thức

Buôn Knir là buôn đặc biệt khó khăn của xã Ea Tiêu. Toàn buôn có 189 hộ với trên 800 khẩu, đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ chiếm trên 99%. Đời sống khó khăn, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống là vòng tròn luẩn quẩn đeo bám nhiều gia đình trong buôn khiến việc học hành của con em không được chú trọng.

Khi triển khai Dự án 8 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đoạn 2021 - 2030, năm 2023 buôn Knir là một trong bốn buôn đặc biệt khó khăn của huyện Cư Kuin đã được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện khảo sát, thành lập và ra mắt mô hình Tổ truyền thông cộng đồng buôn. Tổ có 10 thành viên gồm đại diện ban tự quản, Mặt trận, các tổ chức, đoàn thể và hội viên phụ nữ của buôn. Sau khi được thành lập, thành viên Tổ truyền thông cộng đồng buôn Knir đã được Hội LHPN huyện tập huấn kiến thức, kỹ năng về bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân và Gia đình, các chính sách hỗ trợ cho phụ nữ dân tộc thiểu số…

Tổ truyền thông cộng đồng buôn Knir, xã Ea Tiêu (huyện Cư Kuin) tuyên truyền cho người dân trong buôn về cách làm trong phát triển kinh tế.

Anh Nguyễn Duy, Trưởng buôn, Tổ trưởng Tổ truyền thông cộng đồng buôn Knir cho biết: Trong tổ có 5 thành viên là nam giới, sự tham gia của nam giới cũng đã tác động tích cực đến suy nghĩ, hành động không chỉ của riêng phụ nữ mà cả nam giới khác trong cộng đồng.

Tuy mới chỉ hoạt động một thời gian ngắn nhưng tổ được trang bị loa, cấp phát tài liệu và đã phối hợp tổ chức được 3 buổi tuyên truyền, vận động tại buôn nhằm nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, bảo vệ trẻ em, thay đổi định kiến về giới tính.

Phụ nữ trong buôn đã cởi mở và nhiệt tình tham gia giao lưu văn hóa, văn nghệ, mạnh dạn vay vốn phát triển kinh tế, tập trung xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, tham gia công tác xã hội. Nhận thức của phụ nữ và cả nam giới trong buôn ngày càng nâng cao, tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống và những hủ tục lạc hậu dần được xóa bỏ.

Giúp phụ nữ khẳng định mình

Không chỉ tại buôn Knir, để thu hẹp khoảng cách, xóa bỏ định kiến về giới, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thời gian qua, Hội LHPN huyện Cư Kuin đã triển khai nhiều phong trào, hoạt động thiết thực. Phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Đắk Lắk thời đại mới”, “Gia đình 5 có, 3 sạch”, “Gia đình an toàn - xanh - sạch - đẹp - bản sắc” và Cuộc vận động “Thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế của gia đình phụ nữ dân tộc thiểu số” đã lan tỏa đến các cơ sở hội.

Hội LHPN huyện còn phối hợp tổ chức các hội thi: “Tìm hiểu kiến thức pháp luật về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình”, “Gia đình hạnh phúc”, truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới, chăm sóc sức khỏe sinh sản, an toàn giao thông, phòng, chống tai nạn đuối nước, kiến thức an ninh mạng, biện pháp phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em… nhằm nâng cao nhận thức cho phụ nữ và trẻ em.

Cán bộ Hội LHPN xã Ea Tiêu (huyện Cư Kuin) khảo sát việc sử dụng vốn vay của gia đình chị H'Ôn Niê.

Để nâng cao quyền năng kinh tế và vai trò của chị em trong gia đình, Hội LHPN huyện phối hợp triển khai các chính sách tín dụng, hỗ trợ cho hội viên, phụ nữ vay vốn phát triển kinh tế. Năm 2023, huyện hội đã hỗ trợ 22 chị vay 1 tỷ đồng vốn khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, tổ chức Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp và diễn đàn kết nối sản phẩm, tín chấp cho hội viên vay vốn ưu đãi với tổng dư nợ 96,781 tỷ đồng, huy động quỹ tiết kiệm trên 7,76 tỷ đồng cho 492 lượt chị vay xoay vòng. Từ sự trợ lực này, nhiều chị đã vực dậy kinh tế gia đình.

Đơn cử như trường hợp của chị H’Ôn Niê ở buôn Knir đã được tổ tiết kiệm và vay vốn xét duyệt, đề xuất vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn của Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư chăm sóc 1,1 ha cà phê. Gia đình chị còn mở dịch vụ xay xát gạo, quán buôn bán nhỏ và chăn nuôi bò nên kinh tế gia đình ngày càng phát triển, chăm lo cho con cái học hành. 

Chủ tịch Hội LHPN huyện Cư Kuin Bùi Thị Lộc cho biết: Qua công tác tuyên truyền và tổ chức các phong trào hoạt động thiết thực, nhận thức về bình đẳng giới trong cộng đồng ngày càng nâng cao. Phụ nữ trên địa bàn huyện đã nỗ lực phấn đấu vươn lên khẳng định mình. Trong năm 2023, đã có 11 chị được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng; nhiều chị được giới thiệu quy hoạch vào các vị trí, chức danh; 12 chị được tham gia các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ nữ; 81 hộ phụ nữ nghèo, cận nghèo được trợ giúp thoát nghèo.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết