Sau festival, nông dân được gì?
Hai tỉnh Cà Mau và Hậu Giang vừa kết thúc chuỗi sự kiện Festival tôm và lúa gạo quốc tế. Đây không phải là lần đầu các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng tổ chức festival.
Chỉ nhìn lại thời gian ngắn, hàng loạt loại nông-thủy sản khắp miền Tây vào mùa lễ hội như: Bến Tre tổ chức Festival dừa năm 2019; tháng 4-2022, An Giang tổ chức Ngày hội mắm Châu Đốc; cuối năm 2022 đến lượt Đồng Tháp tổ chức Lễ hội cá tra còn Cà Mau thì Ngày hội cua; đầu năm 2023, Đồng Tháp tưng bừng tổ chức Lễ hội xoài và sắp tới là hoa kiểng...
Chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu. Ảnh tư liệu: TTXVN |
Song, nhiều người đặt vấn đề: Liệu sau các sự kiện, ngày hội, festival hay lễ hội quy mô hoành tráng thì giá trị, thương hiệu và cả doanh số mang về của sản phẩm có thực sự được nâng tầm như mong muốn? Người trực tiếp sản xuất hàng hóa nông sản được lợi gì? Trong khi đó, sau Lễ hội cua tổ chức hoành tráng và vinh danh Vua cua Cà Mau, người nuôi cua vẫn nhờ “ăn may” hoặc dùng kinh nghiệm để lựa mùa, chọn giá chứ chưa thể liên kết chuỗi sản phẩm cung-cầu bền vững. Đồng cảnh ngộ, cá tra và xoài sau Lễ hội xoài hay Lễ hội cá tra vẫn không thoát khỏi cảnh lận đận với thị trường. Rồi thì những lễ hội trái cây mang tầm khu vực cũng không thể là cứu cánh cho người làm vườn khắp các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL, minh chứng rõ nhất là giá sầu riêng vẫn nhảy múa và thảm cảnh éo le của cam sành.
Còn nhớ, cách nay 10 năm, tỉnh Đồng Tháp kiên quyết nói “không” với việc đăng cai tổ chức Festival lúa gạo Việt Nam lần thứ III vào cuối tháng 2-2013. Lý do đưa ra là tỉnh khó vận động doanh nghiệp đóng góp đủ kinh phí tổ chức festival, trong khi sự kiện này "ngốn" khoảng 20 tỷ đồng và không sử dụng ngân sách nhà nước. Khi đó, dư luận bày tỏ sự đồng tình với quyết định đúng đắn, sáng suốt của UBND tỉnh Đồng Tháp. Trước đó, tỉnh Tiền Giang vào cuối năm 2012 đăng cai tổ chức Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL (MDEC). Tỉnh phải bỏ công suốt một năm ròng rã mà không vận động được doanh nghiệp ủng hộ đủ 8 tỷ đồng để tổ chức, do đó buộc phải "mượn" tiền ngân sách để thực hiện.
Nhắc lại sự kiện khoảng 10 năm trước và những lễ hội kích cầu còn nóng hổi trên truyền thông chẳng phải để cho rằng các địa phương không được tổ chức festival; cũng không phủ nhận hoàn toàn tính hiệu quả của sự kiện. Nhưng nói như đồng chí Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại buổi làm việc của Thủ tướng với tỉnh Cà Mau trước thềm Festival tôm Cà Mau 2023: “Tỉnh Cà Mau đang tổ chức Festival tôm, nhưng sau sự kiện thì những năm sau tỉnh sẽ làm gì với con tôm? Đây là vấn đề tỉnh cần chuẩn bị từ bây giờ”.
Có lẽ người đứng đầu ngành nông nghiệp cũng thấy rõ những vấn đề mà “ngành trụ đỡ” của kinh tế cả nước đang gặp phải. Nhất là mới đây, báo cáo kinh tế thường niên của ĐBSCL vừa được công bố cho thấy, lại thêm một năm bức tranh kinh tế của vùng ĐBSCL mang nhiều gam màu tối.
Trong khuôn khổ Festival tôm và lúa gạo quốc tế-hai ngành hàng xuất khẩu chủ lực của ĐBSCL, nhiều hội nghị, hội thảo được tổ chức, thu hút đông đảo người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư và đặc biệt là các chuyên gia kinh tế đến hiến kế để giúp nâng cao giá trị ngành hàng.
Kỳ vọng rằng, sau hai sự kiện mang quy mô lớn này, những gợi ý, hiến kế và các cam kết, biên bản ghi nhớ sẽ được thực hiện; người nuôi tôm và trồng lúa rũ bỏ được mối lo mà trước đó người làm vườn cũng như chủ nhân của các sản vật được vinh danh vấp phải.