A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ý nghĩa khuyến nông trong lễ hội Tịch điền Đọi Sơn

Năm nào cũng vậy, cứ vào ngày 5 đến ngày 7 tháng Giêng, lễ hội Tịch điền lại được tổ chức tại xã Đọi Sơn, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Đây là một lễ hội mang ý nghĩa khuyến nông đã được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2017.

Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn được tổ chức thường niên, với đầy đủ các nghi lễ và hoạt động hội truyền thống.

Phần lễ bắt đầu với lễ rước linh vị Vua Lê Đại Hành, xuất phát từ chùa Đọi. Khi xuống đến chân núi, đoàn rước này sẽ nhập cùng đoàn rước kiệu Thành hoàng và Tổ nghề trống về đàn tế trên sân Tịch điền.

Sau lễ rước kiệu với đầy đủ màu sắc, là màn trống khai hội sôi nổi, rộn rã của các cô, các chị làng nghề trống Đọi Tam. 

Lễ hội Tịch điền tại xã Đọi Sơn, thị xã Duy Tiên, Hà Nam. 

Nghệ nhân Phạm Chí Khang, Chủ tịch Hiệp hội sản xuất và kinh doanh trống Đọi Tam cho biết: “Cụ Tổ nghề trống là Nguyễn Tiến Năng. Mùa xuân năm 987, được tin vua Lê Đại Hành về cày tịch điền ở Đọi Sơn, hai anh em cụ Nguyễn Tiến Năng và Nguyễn Đức Bản đã làm một chiếc trống to để dâng vua. Nhà vua đánh 3 hồi 9 tiếng, tiếng trống rền vang như tiếng sấm, nên đời sau suy tôn cụ là Trạng Sấm.

Hiện nay, lăng Trạng Sấm được thờ ngay chân núi Đọi. Đình làng còn giữ được 3 chiếc kiệu cổ. Hằng năm, vào ngày mùng 5 tháng Giêng, là ngày khai hội Tịch điền, UBND tỉnh, huyện, xã về đây làm lễ Cáo Yết, xin phép Thần hoàng mở hội và sáng mùng 7 rước kiệu từ Đình Đọi Tam đến nơi tổ chức Lễ hội Tịch điền.”  

Tương truyền, đây chính là khu ruộng xưa kia vua Lê Đại Hành đã đi những sá cày đầu tiên cho nhân dân vào vụ mới.

Đó là vào mùa xuân năm 987, trong lễ hội xuống đồng đầu năm, vua Lê Đại Hành đã về vùng đất núi Đọi sông Châu, đích thân cầm cày khuyến khích người dân trồng lúa, chăm lo nông nghiệp.

Lễ hội Tịch điền bắt đầu từ đó, được coi như một ngày Quốc lễ và lưu truyền đến ngày hôm nay như một lễ hội xuống đồng lớn nhất vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Với ý nghĩa nhân văn sâu sắc khuyến khích người dân sản xuất và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, lễ hội Tịch điền thể hiện rõ nét truyền thống dĩ nông vi bản. 

Lễ Tịch điền diễn ra vào mùa xuân với ý nghĩa khuyến nông. 

PGS, TS Bùi Xuân Đính, Viện Dân tộc học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho biết: “Dĩ nông vi bản nghĩa là lấy nghề nông làm gốc. Cha ông ta từ xưa sống ở vùng trung du và châu thổ Bắc Bộ, trong điều kiện lập nước cách đây hàng nghìn năm, khả năng phát triển công thương rất thấp, nên ông cha ta đã chọn nông nghiệp làm cơ sở kinh tế chính.

Từ đó, trải qua hàng nghìn năm, nông nghiệp vẫn tồn tại với cách làm không thay đổi từ thời ông cha ngày xưa. Nông nghiệp vẫn là gốc của kinh tế nước nhà, gốc để phát triển đất nước, gốc để ổn định xã hội. Nền nông nghiệp của chúng ta được thực hiện trong điều kiện lao động thủ công, hàng nghìn năm vẫn là con trâu đi trước cái cày theo sau, kỹ thuật cơ bắp và sức lao động của con người là chính, chứ không có máy móc.

Tư duy sản xuất của bà con là tư duy kinh nghiệm, không phải tư duy khoa học, không phải tư duy công nghệ, và đặc biệt, nền nông nghiệp đó phụ thuộc rất nhiều vào thiên nhiên, nên các cụ ta đã tổng kết là ‘Ơn trời mưa nắng phải thì’, trời cho thì năm đó sung túc, trời không cho thì sẽ mất mùa hoặc không được mùa. Tuy rằng năm được, năm mất, nhưng ông cha ta vẫn duy trì như vậy, và nhà nước phong kiến các triều đại khác nhau cũng vẫn xác định nông nghiệp là cơ sở hàng đầu và khuyến khích nhân dân sản xuất, phát triển nông nghiệp.

Do đó, lễ Tịch điền có nhà vua đích thân xuống ruộng đi những đường cày đầu tiên, mang ý nghĩa nhắc nhở, khuyến khích nhân dân cần duy trì nông nghiệp, cần chăm chỉ hơn nữa, không thể bỏ phí đất hoang, không thể bỏ phí thời gian theo tư tưởng ‘tháng Giêng là tháng ăn chơi’. Cho nên, lễ Tịch điền hầu như đều diễn ra vào đầu mùa xuân.”

Vào nghi lễ chính thức, một vị bô lão đọc văn trình. Tiếp đến là lễ dâng hương lên đàn tế Thần Nông linh vị Vua Lê và các vị phúc thần. Sau đó, một vị bô lão (đã thực hiện nghi lễ nhập linh khí quân vương) đóng vai nhà vua bước xuống, đi 3 sá cày đầu tiên mở hội Tịch điền, rồi đến các vị lãnh đạo, đại biểu và các bô lão khác đi những sá cày tiếp theo, để mở đầu cho một năm sản xuất mới.

Theo sau là đoàn gieo hạt giống bao gồm đỗ xanh, lạc và thóc. Một điều quan trọng được bà con hết sức lưu ý, đó là lựa chọn con trâu đi cày trong buổi lễ. Ông Nguyễn Trung Đắc (thôn Đọi Tín, xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên, Hà Nam) cho biết: “Tiêu chí chọn trâu là phải chọn những con hiền lành, ngoan, không quậy phá để đi vào cày, vì những con trâu đi đầu tiên là quan trọng nhất!”

Những sá cày đầu tiên mở đầu mùa vụ mới. 

Đã từng có giai đoạn lễ hội Tịch điền bị mai một, cho đến năm 2009, lễ hội này mới được khôi phục lại.

Theo PGS, TS Bùi Xuân Đính: “Trong xã hội hiện đại, nông nghiệp không còn giữ vai trò chủ đạo như xưa, tỷ trọng nông nghiệp ở nhiều làng quê rất nhỏ, nhiều cư dân không sống với nông nghiệp nữa, nhưng trong tiềm thức của người nông dân hiện nay vẫn tiếp nối được tâm tư, tinh thần của cha ông là phải giữ lấy nghề nông, vì nghề nông tạo ra cơ sở lương thực cho tất cả các tầng lớp, yếu tố thóc gạo giữ vị trí rất quan trọng.

Lễ Tịch điền được khởi dựng lại chính là những nhà nghiên cứu văn hóa, nhà quản lý văn hóa và chính quyền muốn gửi thông điệp rằng, nông nghiệp là gốc của cha ông ta, đất nước ta từ hàng nghìn đời nay, chúng ta phải giữ lấy! Một thông điệp lớn nữa gửi đến các bạn trẻ hôm nay, đó là nông nghiệp ngày nay đã có nhiều điều kiện phát triển nhờ khoa học kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, chúng ta cũng đã khắc phục được những vấn đề do thời tiết, để từ đó nông nghiệp không còn phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên như xưa nữa. Nông nghiệp của chúng ta giờ đây là nông nghiệp bền vững.”

Kể từ khi khôi phục lại, những năm qua, thị xã Duy Tiên luôn duy trì, tổ chức lễ hội Tịch điền với quy mô lớn, trang trọng, đúng nghi thức truyền thống, mang đậm dấu ấn của một làng quê Bắc Bộ.

Bài, ảnh: THÙY LINH


Tags: lễ hội
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật