A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lê Quốc Phong- người gắn bó với nông dân

Sau ngày 30-4-1975, đất nước ta hoàn toàn giải phóng, non sông liền một dải, những cán bộ, chiến sĩ trong đội hình “đội quân công tác, đội quân chiến đấu” lại cùng nhau chung sức, chung lòng với công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế. Trong công cuộc ấy đã xuất hiện những người cựu chiến binh làm kinh tế giỏi. Họ đã góp phần giải quyết công ăn việc làm cho hàng triệu người trên cả nước.

Trong phạm vi bài viết này, xin nêu một tấm gương điển hình, đó là thương binh, doanh nhân Lê Quốc Phong, người con của quê hương Gio Linh, Quảng Trị.

Sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong đội hình quân tình nguyện sang Campuchia giúp bạn đánh đuổi quân Pol Pot, Lê Quốc Phong chuyển về công tác tại Công ty Phân bón miền Nam. Nhận thấy mình thiếu kiến thức về chuyên môn này nên anh đã vừa làm, vừa đi học thêm cả chuyên môn và ngoại ngữ. Từ một Trưởng phòng Tổ chức của Công ty Phân bón Miền Nam, năm 1989, anh được phân công về phụ trách Xí nghiệp Phân bón Bình Điền II, vốn là một cơ sở kinh doanh phân bón tư nhân nhỏ lẻ được thành lập vào năm 1973. Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam năm 1975, người chủ đã hiến tặng cơ sở này lại cho Nhà nước. Từ đó, qua 5 đời giám đốc thay nhau tiếp quản, vận hành mà cơ ngơi vẫn còn quá thô sơ và lạc hậu đến mức có nguy cơ đứng bên bờ vực phá sản. Đội ngũ lao động vẻn vẹn chỉ còn 50 người, hầu hết là không có chuyên môn, kỹ thuật; máy móc thiết bị quá lạc hậu, lại thiếu vốn, trong lúc tồn kho 1.000 tấn phân bón mà không bán được nên công nhân cũng không được trả lương.

 Thương binh, doanh nhân Lê Quốc Phong trao đổi với các nhà khoa học tại thực địa. 

Sau nhiều đêm trăn trở, Lê Quốc Phong đã tìm ra hướng giải quyết vấn đề. Anh trực tiếp đi khắp các tỉnh từ Tây Nam Bộ đến miền Bắc, tiếp cận với bà con nông dân để chào hàng. Kết quả, chỉ sau 65 ngày, toàn bộ số hàng tồn kho đã bán hết veo.

Giải phóng được hàng tồn kho, việc đầu tiên Lê Quốc Phong thực hiện là trả lương cho công nhân. Anh tâm niệm, muốn làm gì thì cũng phải bắt đầu từ việc chăm lo cho người lao động. Sau đó, anh đã có một loạt quyết sách để xây dựng lại nhà máy. Bắt đầu bằng việc nhờ những đồng đội từng một thời chia ngọt sẻ bùi trên các chiến trường hỗ trợ vốn để sửa sang, tu sửa lại máy móc. Tiếp theo là việc tranh thủ chất xám của một số nhà khoa học chuyên về ngành phân bón, tuyển thêm công nhân lành nghề, mở rộng sản xuất với tiêu chí nâng cao chất lượng sản phẩm… Lê Quốc Phong luôn giữ thói quen thường xuyên gặp gỡ bà con nông dân để tìm hiểu nhu cầu của thị trường. Từ đó, anh cùng các nhà khoa học nghiên cứu, sản xuất ra những sản phẩm thị trường có nhu cầu cao. Vì thế, phân bón Bình Điền sản xuất ra bao nhiêu bán hết bấy nhiêu, không có hàng tồn trong kho.

Thương binh, doanh nhân Lê Quốc Phong gắn bó với nông dân.

Đầu ra được bảo đảm, phát triển sản xuất, Lê Quốc Phong cùng tập thể Ban lãnh đạo xây dựng chính sách lao động, tiền lương hợp lý, kịp thời động viên khích lệ người lao động gắn bó với công việc, với nhà máy. Luôn nhận được sự quan tâm, từ cán bộ các cấp đến lực lượng trực tiếp sản xuất đều yên tâm gửi trọn niềm tin vào giám đốc Lê Quốc Phong.

Tất cả những nỗ lực của Lê Quốc Phong và tập thể Ban lãnh đạo đã biến Nhà máy sản xuất phân bón Bình Điền 2 từ một nhà máy nhỏ bé, lạc hậu trở thành Công ty Phân bón Bình Điền (năm 2003) và sau 8 năm thành Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền với thương hiệu “Đầu trâu” nổi tiếng, “phủ sóng” khắp thị trường trong nước và xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới. Không chỉ thế, Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền còn mở rộng quy mô, có tới 4 đơn vị thành viên hoạt động trong lĩnh vực sản xuất - kinh doanh phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Đó là Công ty cổ phần Bình Điền Lâm Đồng, Công ty cổ phần Bình Điền MeKong, Công ty cổ phần Bình Điền Quảng Trị, Công ty CP Bình Điền Ninh Bình trải dài từ Nam ra Bắc và 1 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực thể dục thể thao là Công ty TNHH một thành viên Thể thao Bình Điền Long An.

Doanh nhân Lê Quốc Phong. 

Thành công trên con đường kinh doanh, Lê Quốc Phong không quên những đồng đội xưa. Anh lặn lội đi tìm đồng đội cũ và thân nhân những đồng đội đã hy sinh. Hoàn cảnh nào khó khăn đều được anh hỗ trợ xây nhà, giúp đỡ giải quyết các vấn đề trong cuộc sống. Không những thế, chăm lo cho thế hệ trẻ, Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền đã phối hợp với Báo Tuổi trẻ tổ chức chương trình tiếp sức đến trường cho những tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn cả nước và thành lập câu lạc bộ “Nghĩa tình Quảng Trị” nhằm giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.

Năm 2017, Lê Quốc Phong nghỉ hưu theo chế độ. Thế nhưng, anh vẫn không một ngày nghỉ ngơi. Anh luôn trăn trở về tình trạng lạm dụng phân bón vô cơ tại Việt Nam về lâu dài sẽ khiến cho đất bị thoái hoá, bạc màu. Từ nỗi trăn trở đó, anh quyết định thành lập Công ty cổ phần sản xuất và kinh doanh Phân bón Bình Điền II, với thương hiệu “2Phong” cung cấp cho thị trường các sản phẩm phân bón kết hợp giữa vô cơ và hữu cơ, chứa hoạt chất hữu cơ thế hệ mới. Ưu điểm của các loại phân bón “2Phong” là làm đất tơi xốp, giúp cây trồng hấp thụ chất dinh dưỡng hiệu quả, để từ đó cho năng suất và chất lượng vượt trội.

Nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam ngày một phát triển là nhờ những người như Lê Quốc Phong, người cả đời gắn bó với nông dân, thấu hiểu những khó khăn vất vả, một nắng hai sương của bà con, đồng thời cũng luôn tâm niệm phải để lại cho thế hệ mai sau những gì tốt đẹp nhất chứ không phải những thửa ruộng bạc màu, môi trường bị tàn phá.


Tags: nông dân
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết