A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi vẫn phổ biến

Tổ chức Thú y thế giới (OIE) cảnh báo, kháng thuốc là một trong những mối đe dọa đối với sức khỏe bởi nguy cơ lây lan các loại dịch bệnh động vật nguy hiểm sang người là rất cao. Việc sử dụng sai và lạm dụng thuốc kháng sinh là nguyên nhân dẫn đến sự phát triển, biến chủng của nhiều vi sinh vật kháng thuốc.

Nhiều năm qua, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (trước đây), nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường nước ta luôn quan tâm, ban hành chính sách phòng, chống kháng thuốc trong hoạt động chăn nuôi như: Quyết định số 1121/QĐ-TTg ngày 25-9-2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về phòng, chống kháng thuốc tại Việt Nam giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trước đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã phê duyệt Đề án phòng, chống kháng thuốc giai đoạn 2021-2025.

Mô hình nuôi gà trong chuồng kín tại xã Lam Điền, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội. 

Dù vậy, công tác quản lý việc sử dụng kháng sinh trong hoạt động chăn nuôi ở nước ta chưa thực sự hiệu quả, còn gặp nhiều khó khăn. Ngay cả đối với những đàn gia súc, gia cầm và thủy sản không bị mắc bệnh thì người dân vẫn có thói quen sử dụng kháng sinh với mục đích phòng bệnh và kích thích tăng trưởng. Số liệu của Viện Nghiên cứu Chăn nuôi quốc tế (ILRI) công bố mới đây cho thấy, người chăn nuôi nước ta đã sử dụng hơn 1.000 tấn kháng sinh trong chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Trong đó, khoảng 55% người dân sử dụng kháng sinh khi vật nuôi có các triệu chứng hoặc biểu hiện bất thường; 25% sử dụng kháng sinh điều trị cho vật nuôi khi thay đổi thời tiết. Bà Nguyễn Thị Hồng, một hộ chăn nuôi gia cầm ở xã Lam Điền, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội cho biết: “Việc chăn nuôi của gia đình chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, trong đó, kháng sinh được coi là một thành phần đưa vào thức ăn với mục đích tăng sức đề kháng. Chẳng hạn, trước đây, 1 tháng tôi dùng định kỳ 2 lần thì bây giờ giảm xuống 1 tháng hoặc tháng rưỡi dùng 1 lần. Nếu không sử dụng kháng sinh, tôi sợ đàn gia cầm dễ mắc bệnh khi thời tiết thay đổi”.

Theo ông Đặng Xuân Sinh, chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu sức khỏe và phát triển bền vững, hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ ở nước ta còn chiếm tỷ lệ lớn nên sẽ rất khó để quản lý việc sử dụng kháng sinh. Trong khi đó, nhận thức của người chăn nuôi về các quy định liên quan đến việc cấm sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi vẫn còn nhiều hạn chế. Dễ thấy nhất là người dân còn chưa hiểu và nắm rõ những kháng sinh nào đang bị cấm. Còn ông Phan Quang Minh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết: “Trong bối cảnh dịch bệnh động vật diễn biến phức tạp như hiện nay, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học là một yêu cầu bắt buộc. Đây được coi là một trong những giải pháp lâu dài để ngành chăn nuôi, thú y quản lý chặt chẽ, tiến tới chấm dứt tình trạng sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi”.

Bài và ảnh: HỮU HƯNG


Tags: kháng sinh
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật