|
Vườn rau sạch 4.0 |
Có thể nói, kinh tế số là thời đại của kết nối trí thông minh. Theo đó, kinh tế số không chỉ là máy móc và công nghệ mà còn là kết nối con người dựa vào công nghệ. Công nghệ ở đây được hiểu là tri thức và sự sáng tạo để tạo ra những đột phá trong việc tạo ra của cải và phát triển xã hội.
TS. Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh thông tin: Lâm Đồng nhiều nhiệm kỳ qua đã tập trung ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, được Trung ương đánh giá là tỉnh đứng đầu cả nước về ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Hiện nay, địa phương tiếp tục phát triển nông nghiệp thông minh - ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp. Thông qua chuyển đổi số góp phần nâng cao năng suất nông nghiệp, hướng đến phát triển nông nghiệp đa chức năng - phát triển nông nghiệp thông minh gắn với du lịch để tạo ra mô hình du lịch canh nông. Hiện nay Lâm Đồng là tỉnh đứng đầu cả nước về các mô hình du lịch canh nông thông qua quản trị, ứng dụng giải pháp công nghệ thông tin, tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để quản lý toàn diện, nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp gấp 3 lần so với nông nghiệp thông thường. Từ năm 2017 đến nay, tỉnh thực hiện rất nhiều ý tưởng trong canh tác, ứng dụng chuyển đổi số chiếm 48% - đây là xu hướng tiếp cận, trong đó trên 70% là thanh niên trẻ thực hiện ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp. Đây cũng là cơ hội tốt để các ý tưởng sáng tạo và chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất, môi trường… sẽ tiếp tục thực hiện thời gian tới.
Cuộc khủng hoảng kinh tế do COVID-19 gây ra những tổn thất nghiêm trọng về người và của. Các quốc gia trên thế giới đều đã và đang có những giải pháp, chính sách để phục hồi kinh tế mặc dù dịch bệnh COVID-19 còn đang tiếp tục hoành hành. Các gói kích thích kinh tế liên tục được đưa ra để phục hồi tăng trưởng và khắc phục tác động tiêu cực của dịch bệnh.
Theo nhóm nghiên cứu - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phân tích: Lợi ích của phát triển kinh tế số giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Phát triển kinh tế số có mối quan hệ tỷ lệ thuận với tăng trưởng kinh tế. Kinh tế số được coi là một động lực mới trong phát triển kinh tế vì nó mở ra các lĩnh vực mới. Sự thay đổi kể từ khi Internet ra đời cho đến cách mạng công nghiệp 4.0 đã thay đổi cách thức hoạt động và tương tác của loài người. Các hình thức kinh doanh mới như: Thương mại điện tử, kinh tế chia sẻ, giao dịch điện tử… hay các công nghệ số mới như: trí thông minh nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Bigdata), IoT, email, điện toán đám mây… đã tạo ra các cơ hội kinh doanh mới và thị trường mới. Những kỳ lân công nghệ như Google, Apple, Samsung, Facebook, Microsoft, Amazon, eBay, Alibaba, Uber, Grab, Tesla… xuất hiện ngày càng nhiều và đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu.
|
Hồng treo gió |
Chia sẻ câu chuyện liên quan đến chuyển đổi số, đại biểu Quốc hội, Tiến sĩ Trịnh Thị Tú Anh - Trường Đại học Đà Lạt cho rằng: cần ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; quản lý, giám sát truy xuất nguồn gốc, xác định mã số vùng trồng, chuỗi cung ứng sản phẩm nhằm minh bạch thông tin trong sản xuất, tạo niềm tin cho người tiêu dùng cũng là một sự cam kết về chất lượng sản phẩm. Đơn cử câu chuyện thương hiệu Gạo ST25 của Việt Nam đã bị 3 công ty của Hoa Kỳ và 2 công ty của Úc đăng ký độc quyền thương hiệu của nước sở tại, gây tổn thất lớn cho ngành xuất khẩu gạo của Việt Nam nói chung và thương hiệu Gạo ST25 ngon nhất thế giới năm 2019 nói riêng. Cùng với việc ký Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA), trong đó EU bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam. Đây là cơ hội cho nông sản tỉnh Lâm Đồng nhanh chóng hoàn thiện thủ tục đăng ký chỉ dẫn địa lý đối với các nông sản có thế mạnh của địa phương nhằm đưa nông sản địa phương ra thị trường thế giới, nâng cao giá trị của sản phẩm.
Theo đó, vừa qua, Trường Đại học Đà Lạt phối hợp với huyện Lạc Dương trong việc triển khai dự án nghiên cứu về chuyển đổi số trong nông nghiệp tại huyện Lạc Dương. Trong đó, dự án chú trọng việc xây dựng cơ sở dữ liệu lớn (Bigdata) trong nông nghiệp bao gồm: Điều kiện tự nhiên, diện tích và thời điểm canh tác, loại cây trồng, kỹ thuật canh tác, các chính sách nông nghiệp liên quan… nhằm dự đoán được sản lượng nông sản theo thời gian tương đối chính xác; Dự đoán được tình hình dịch bệnh; Hỗ trợ người nông dân trong quản lý dịch bệnh, tư vấn kỹ thuật trồng trọt, tư vấn đối tượng cây trồng; Hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ nông sản ngắn ngày. Sau khi kết quả của dự án được nghiệm thu và đưa vào triển khai thực hiện, sẽ giúp cho nông dân giảm thiểu sự lãng phí nhân công, nguyên vật liệu, tài nguyên đất đai, nước; giảm thiểu rủi ro đầu tư, hạn chế sự bất ổn giá cả vì khủng hoảng thừa sản phẩm, thị trường. Đặc biệt, đối với các nhà quản lý sẽ nắm chính xác thông tin, định hướng chiến lược phát triển; còn các nhà khoa học sẽ có số liệu chính xác phục vụ nghiên cứu; riêng các doanh nghiệp kinh doanh nông sản sẽ chủ động trong kế hoạch thu mua, tiêu thụ, chế biến…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S tâm huyết cho rằng: Với thành quả rõ nét trong 5 năm qua, để Lâm Đồng tiếp tục phát triển chuyển đổi số trong nông nghiệp thông minh trong giai đoạn tới, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng để các thành phần kinh tế và doanh nghiệp, người dân thấy được hiệu quả từ chuyển đổi số, đặc biệt giảm chi phí lao động, tăng hiệu quả kinh tế rõ rệt. Qua đó, góp phần thích ứng với biến đổi khí hậu và dịch bệnh, thiên tai, nhất là ảnh hưởng của dịch COVID-19 diễn biến khó lường, phức tạp. Tiếp tục đẩy mạnh đề án khởi nghiệp sáng tạo sẽ tạo động lực cho thế hệ trẻ tiếp tục nghiên cứu và để hình thành nhiều dự án trong nông nghiệp, chuyển đổi số trong nông nghiệp và không chỉ dừng lại ở cấp tỉnh mà phải nâng tầm lên cấp quốc gia, cấp quốc tế. Chính vì thế, các cấp ủy đảng cần coi đây là nhiệm vụ chính trị để tập trung chỉ đạo sơ kết, tổng kết, đánh giá về việc ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp, một ngành có lợi thế chủ lực của tỉnh Lâm Đồng để chỉ đạo định hướng phát triển nông nghiệp thông minh, ứng dụng chuyển đổi số thành công, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững.