A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Di Linh chú trọng phát triển nuôi trồng thủy sản

Tận dụng lợi thế từ mặt nước hồ thủy điện, các ao, hồ nhỏ lẻ, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Di Linh đã phát triển nuôi trồng thủy sản nhằm mở ra hướng phát triển kinh tế mới; qua đó, góp phần quan trọng trong việc cải thiện nguồn thu nhập, ổn định đời sống cho người dân địa phương.

 
 
Nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Di Linh có thu nhập ổn định nhờ nuôi cá trong lồng, bè
Nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Di Linh có thu nhập ổn định nhờ nuôi cá trong lồng, bè
 
Là một trong 23 hộ nuôi cá lồng, bè với số lượng lớn tại xã Tân Nghĩa, ông Nguyễn Văn Tiến (60 tuổi, xã Tân Nghĩa) cho hay: Từ năm 2013, ông bắt đầu chuyển từ cà phê qua nuôi cá trên lồng bè. Hợp đồng với Thủy điện Đồng Nai 2, ông cùng gia đình đầu tư 30 ô lồng, bè nuôi cá trắm cỏ, diêu hồng, rô phi với tổng diện tích 900 m2.
 
Theo ông Tiến, nuôi cá lồng trong hồ không tốn nhiều công chăm sóc, tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên nhưng lại có hiệu quả kinh tế cao hơn so với cách nuôi truyền thống. “Lứa đầu tiên, do chưa nắm được kĩ thuật nên gần 100% cá giống mua từ Đồng Nai về bị chết. Thử nghiệm nhiều lần, rồi chịu khó đi một số ao cá lồng, bè của bạn bè trên địa bàn nên dần mình làm chủ được kỹ thuật nuôi, chăm sóc tương đối ổn định. Lồng của tôi bây giờ chủ yếu là thả nuôi hai loại chính gồm cá diêu hồng và cá trắm cỏ” - ông Tiến chia sẻ.
 
Ông Dương Xuân Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Nghĩa cho biết: “Hiện tại, trên lòng hồ Thủy điện Đồng Nai 2 đang có 23 hộ nuôi cá, với quy mô hơn 120 lồng, bè. Các loài cá được nuôi chủ yếu ở đây là rô phi, chép, trắm cỏ, diêu hồng. Ngoài ra, một số hộ dân còn nuôi thử nghiệm cá lăng, cá hô... Việc phát triển nghề nuôi cá lồng, bè trên lòng hồ thủy điện giúp địa phương đa dạng hóa các mô hình kinh tế, giải quyết vấn đề sinh kế của một số hộ dân xã Tân Nghĩa, giúp tăng thu nhập đáng kể cho người dân”. 
 
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Nghĩa cho rằng hiện nay, mô hình nuôi cá vẫn còn ở giai đoạn thăm dò, thử nghiệm. Chỉ những hộ dân có kinh nghiệm trong lĩnh vực nuôi cá mới trụ lại với nghề. “Tân Nghĩa cũng chưa tính đến việc khuyến khích người dân mở rộng mô hình này. Bởi cá thương phẩm đầu ra chưa ổn định, còn gặp khó khăn. Phần lớn cá hiện nay chủ yếu được bán lẻ tại các chợ, nhà hàng trên địa bàn huyện Di Linh và huyện Bảo Lâm, chưa có công ty hay doanh nghiệp nào đứng ra bao tiêu sản phẩm. Trong khi đó, những loại cá mới nuôi ở đây như cá lăng, cá hô... lại gặp tình trạng khan hiếm thức ăn. Bởi chúng chỉ ăn những thức ăn tươi trong khi ở Tân Nghĩa chưa có nguồn thức ăn này cho cá. Vì vậy, địa phương đang có định hướng thành lập tổ hợp tác để người dân có thể kết hợp tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm” - ông Tiến thông tin.
 
Theo Phòng Nông nghiệp huyện Di Linh, những năm qua, người dân trên địa bàn huyện Di Linh đã khai thác lợi thế mặt nước ao, hồ, khe suối để phát triển nuôi trồng thủy sản, góp phần làm tăng giá trị sản xuất nông nghiệp cũng như chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn tại địa phương, tập trung chủ yếu ở xã Bảo Thuận, Tân Nghĩa và rải rác ở một số ao hồ nhỏ lẻ của hộ gia đình tại một số xã.
 
Từ năm 2015 đến nay, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện được giữ ổn định với 135 ha trên 900 hộ nuôi trồng với các giống cá nuôi chủ yếu là: trắm, chép, rô phi, mè... Trên địa bàn huyện có 1 chi nhánh của Tổng Công ty Cổ phần Thủy sản Việt Nam nuôi cá tầm tại hồ KaLa, xã Bảo Thuận với 196 lồng, thể tích 19.600 m3, và 30 hộ nuôi thủy sản lồng, bè với số lồng hiện có 40 lồng, thể tích 10.888 m3, sản lượng bình quân khoảng 1.792 tấn cá/năm, tăng 21 lồng và sản lượng tăng bình quân 300 tấn so năm 2015. Tuy nhiên, qua rà soát, phần lớn các hộ đang nuôi trồng theo tính chất thử nghiệm, tự cung tự cấp trong gia đình, chưa mang tính chất hàng hóa. Bên cạnh đó, địa phương cũng chưa thành lập được tổ hợp tác hay hợp tác xã để người dân yên tâm mở rộng nuôi. Từ việc chưa thành lập được các tổ, hợp tác dẫn đến thị trường tiêu thụ, đầu ra cho sản lượng cá không ổn định. 
 
“Để giúp người dân có thêm thu nhập từ chăn nuôi thủy sản, hàng năm, các địa phương trong huyện phối hợp với các ngành chuyên môn mở lớp tập huấn chuyển giao phương pháp lựa chọn giống, kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho đàn cá. Cũng trong thời gian tới, nhằm tạo tính đột phá, chúng tôi đang tiến hành đề xuất chính sách, chủ trương hỗ trợ người dân cũng như thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã để tạo đầu ra và xây dựng được thương hiệu riêng nhằm tạo tính đột phá trong vấn đề này. Trọng tâm là phấn đấu mục tiêu trong 5 năm tiếp theo ngành Nông - Lâm - Thủy tăng từ 5 - 5,5%”, ông Đặng Văn Khá - Phó Phòng Nông nghiệp huyện Di Linh thông tin.
 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết