A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đối thoại với thanh niên

Việc đối thoại với thanh niên ở một số địa phương, cơ quan còn mang tính chất hình thức, không ít thanh niên chưa mạnh dạn bày tỏ những tâm tư, nguyện vọng chính đáng...

Chị Bo Bo Thị Mai Lan, người dân tộc Raglai, ở xã Sơn Hiệp - một xã nghèo của huyện miền núi Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa vừa được doanh nghiệp trên địa bàn hỗ trợ vật phẩm lao động và một khoản tiền với tổng giá trị 3 triệu đồng. Số tiền, giá trị vật phẩm tuy không lớn nhưng rất ý nghĩa để chăm sóc vườn sầu riêng hơn 1.000mcủa gia đình.

Để sự hỗ trợ thiết thực đến tận tay thanh niên gặp khó khăn, Huyện đoàn Khánh Sơn đã tham mưu cho lãnh đạo địa phương tổ chức đối thoại với thanh niên và thông qua quá trình công tác, nắm thực tế hoàn cảnh của thanh niên, từ đó có những biện pháp chia sẻ, động viên kịp thời. Không chỉ chị Mai Lan mà rất nhiều thanh niên gặp khó khăn được giúp sức, hỗ trợ kinh phí khởi nghiệp, lập nghiệp và phát triển kinh tế.

 Chị Bo Bo Thị Mai Lan (thứ hai từ phải sang) được hỗ trợ dụng cụ và kinh phí vào ngày 13-3 để phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: DUY HIỂN

Chỉ tính riêng năm 2021, Tỉnh đoàn Khánh Hòa và tổ chức đoàn các cấp đã kêu gọi, huy động các nguồn lực xã hội, doanh nghiệp đầu tư hỗ trợ vốn vay cho đoàn viên, thanh niên hơn 229 tỷ đồng, cùng 14 dự án khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên, bước đầu đạt kết quả khả quan.

Những ngày qua, các địa phương, tổ chức đoàn trên cả nước diễn ra nhiều hoạt động ý nghĩa. Trong đó, việc đối thoại giữa người đứng đầu cơ quan, tổ chức thu hút được đông đảo thanh niên tham gia. Có thể thấy, việc đối thoại không chỉ diễn ra trong Tháng Thanh niên mà thông qua sinh hoạt các tổ chức, đoàn thể, nhiều kiến nghị của thanh niên được truyền tải đến lãnh đạo các cấp để có hướng giải quyết.

Như chúng ta biết, Chính phủ đã có Nghị định số 13/2021/NĐ-CP ngày 1-3-2021 “Quy định về việc đối thoại với thanh niên; cơ chế, chính sách và biện pháp thực hiện chính sách đối với thanh niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi”. Trong đó nêu rõ: Thủ tướng Chính phủ, chủ tịch UBND các cấp tổ chức đối thoại với thanh niên vào tháng 3 hằng năm. Trường hợp không thể tổ chức trong tháng 3 thì tổ chức đối thoại vào thời gian phù hợp, nhưng phải bảo đảm ít nhất 1 năm một lần.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc đối thoại với thanh niên ở một số địa phương, cơ quan còn mang tính chất hình thức, không ít thanh niên chưa mạnh dạn bày tỏ những tâm tư, nguyện vọng chính đáng. Sau đối thoại, các ý kiến chậm được giải quyết, đã nảy sinh tâm lý ngại va chạm, ngại đề xuất, kiến nghị...

Để hoạt động đối thoại trở thành cơ hội cho thanh niên thẳng thắn bày tỏ tâm tư, nguyện vọng chính đáng với lãnh đạo các cấp, biến những ý tưởng thành hành động thực tiễn, rất cần sự vào cuộc của cấp ủy, cơ quan, tổ chức chính trị-xã hội. Nội dung, chương trình đối thoại đặt ra phải thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế và nguyện vọng của đa số thanh niên.

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của thanh niên trên tinh thần cởi mở, tôn trọng và chia sẻ những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Bên cạnh đó, thanh niên được phát biểu, trao đổi phải có sự chuẩn bị chu đáo về ý tưởng, những băn khoăn, vướng mắc cần giải quyết trước mắt cũng như lâu dài. Các kiến nghị trong và sau đối thoại cần được kết luận rõ ràng hoặc có lộ trình cụ thể về thời gian giải đáp, phản hồi.

Do việc đối thoại với thanh niên của Thủ tướng Chính phủ, chủ tịch UBND các cấp được tổ chức 1 năm một lần, vì vậy ở cấp cơ sở cần nắm bắt những tâm tư, tình cảm, đề xuất mới của thanh niên thông qua giao ban, hội họp, kiểm tra thực tế để có hướng giải quyết. Có như vậy mới tạo cho họ sự cởi mở, chân thành đề xuất nhiều ý tưởng, sáng kiến thiết thực, phù hợp...


Tác giả: HOÀNG MINH ÁNH
Tags: qdnd
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết