A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

“Khát vọng đỏ” khắc họa hình tượng bộ đội Cụ Hồ thời bình

Vở nhạc kịch “Khát vọng đỏ” vừa được công diễn đã khắc họa chân thực hình tượng bộ đội Cụ Hồ một cách chân thực, gần gũi, với lý tưởng sống, sự hy sinh và khát vọng cống hiến, phụng sự Nhân dân, phụng sự Tổ quốc.

“Khát vọng đỏ” do Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội phối hợp với Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam thực hiện.

Đây là điểm nhấn trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024) và 80 năm Ngày truyền thống Tổng cục Chính trị (22/12/1944 - 22/12/2024).

“Khát vọng đỏ” khắc họa hình tượng người lính Cụ Hồ thời bình
Một cảnh trong vở nhạc kịch

“Khát vọng đỏ” dựa trên kịch bản văn học của tác giả Nguyễn Đăng Chương, vốn là một kịch bản về đề tài xã hội, với nhiều xung đột, mâu thuẫn. Tuy nhiên, khi chuyển thể sang loại hình nhạc kịch, Trung tá Phạm Thị Vân Anh đã tập trung xây dựng hình tượng người lính trong thời bình một cách gần gũi, chân thực.

Vở nhạc kịch không chỉ kể về lý tưởng của người lính mà còn là câu chuyện về sự đấu tranh nội tâm giữa nghĩa vụ và cuộc sống cá nhân.

Thông qua câu chuyện của gia đình nhân vật Thiếu tướng, GS. TS Hoàng An, nguyên Phó Giám đốc Học viện Quân y, vở nhạc kịch dẫn dắt người xem về đời sống của gia đình người lính trong xã hội hiện đại đầy biến động; từ đó, phản ánh những vấn đề bức thiết đang đặt ra với những trí thức đang công tác trong quân đội.

Đó là lý tưởng sống, quan niệm về sự cống hiến, sự hưởng thụ vật chất, nhu cầu tình cảm, sự gắn kết vợ chồng, ý thức về trách nhiệm xã hội của người lính.

“Khát vọng đỏ” khắc họa hình tượng người lính Cụ Hồ thời bình
“Khát vọng đỏ” do Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, trường Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội phối hợp với Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam thực hiện

Vở nhạc kịch được ê kíp sáng tạo dàn dựng mang hơi thở của dòng nhạc kịch Broadway đương đại, sử dụng phong cách âm nhạc đa dạng (ballad, pop, rock), với sự tham gia của 60 nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công của Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội và Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam.

Những tình huống kịch đầy cao trào cảm xúc và kịch tính từng bước gỡ nút thắt bất đồng về tư tưởng giữa các thế hệ, cá nhân trong một gia đình cũng như trong xã hội; đồng thời truyền cảm hứng, cổ vũ mọi người tôn trọng và gìn giữ những giá trị truyền thống, hướng tới lý tưởng cao đẹp, hoài bão lớn cùng khát vọng cống hiến, sáng lên tinh thần dấn thân vì sự bình yên của Tổ quốc, vì ấm no, hạnh phúc cho nhân dân của người lính Cụ Hồ giữa thời bình.

“Khát vọng đỏ” khắc họa hình tượng người lính Cụ Hồ thời bình
Nữ ca sĩ trẻ Nguyên Hương trong vai cô bác sĩ Thùy Linh

“Thông qua vở nhạc kịch này, chúng tôi mong muốn xây dựng hình ảnh người lính Bộ đội Cụ Hồ đầy trách nhiệm “lớp cha trước, lớp con sau, cùng là đồng chí chung câu quân hành”. “Khát vọng đỏ” - khát vọng phụng sự Tổ quốc, phụng sự Nhân dân được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, ở mỗi thế hệ đều được nâng lên một tầng bậc khác nhau để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới”, Trung tá Phạm Thị Vân Anh nói.

Đây cũng là lần đầu tiên các nghệ sĩ của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam tham gia dàn dựng, biểu diễn một đề tài rất cập nhật về người lính thời hiện đại.

“Khát vọng đỏ” khắc họa hình tượng người lính Cụ Hồ thời bình

Theo nhạc sĩ Đỗ Bảo, phương pháp dàn dựng vở nhạc kịch “Khát vọng đỏ” chính là sự pha trộn âm nhạc cổ điển và âm nhạc đương đại, âm nhạc dân gian Việt Nam. Tham gia biểu diễn là các nghệ sĩ opera hàng đầu, với cách hát linh hoạt, được mở rộng tối đa, hoàn toàn bám theo cảm xúc để thể hiện, sao cho câu chuyện được chuyển tải hấp dẫn nhất.

Đây thực sự là một vở nhạc kịch nổi bật trong giai đoạn hiện nay, một vở nhạc kịch hiếm có của quân đội, nếu không muốn nói là của Việt Nam những thập kỷ gần đây.

Qua từng màn diễn, từng câu hát, những giá trị cao đẹp của người lính Cụ Hồ đã được khắc họa rõ nét, chạm đến trái tim người xem. Người lính hôm nay không chỉ mang trong mình tinh thần dũng cảm, kiên trung của các thế hệ cha anh, mà còn là biểu tượng của trí tuệ, sáng tạo và khát vọng vươn lên trong một thời đại đầy biến động.

“Khát vọng đỏ” khắc họa hình tượng người lính Cụ Hồ thời bình
Dàn solist của nhạc kịch “Khát vọng đỏ”: NSUT Huy Đức (thiếu tướng Hoàng An), Giọng ca Opera hàng đầu của nhà hát Vũ kịch Việt Nam - Ngô Hương Diệp (Diệu Hoa), ca sĩ Trường Lâm (Nhật Dương), Hữu Thắng (Hoàng Giang), Hoàng Sơn (Hoàng Sơn) và cô bác sĩ quân y Thùy Linh - Nguyên Hương

Không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật, “Khát vọng đỏ” còn là lời tri ân sâu sắc dành cho những người lính đã và đang cống hiến thầm lặng vì một Việt Nam hoà bình, phát triển.

Vở nhạc kịch "Khát vọng đỏ" quy tụ dàn diễn viên tên tuổi trong quân đội như Trịnh Phương, Lê Xuân Hảo, Trần Bích Ngọc, Ngô Đức, Nguyên Hương, Hoàng Sơn, Hữu Thắng cùng sự tham gia của các nghệ sĩ opera hàng đầu Việt Nam như Đào Tố Loan, NSƯT Huy Đức, Ngô Hương Diệp, Trường Lâm; chỉ huy dàn nhạc - nhạc trưởng Đồng Quang Vinh.

Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật