A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

“Khu rừng của những chiếc nón", thông điệp nhân văn về bình đẳng giới

Chiếc nón bạn muốn đội là gì? Những chiếc nón đầu bếp, nấu những món ăn ngon nhất quả đất, chiếc nón lá, làm việc trên cánh đồng lúa hay chiếc nón cảnh sát, bảo vệ người dân lương thiện… Dù là chiếc nón nào nó đều chứa đựng một phần trái tim người đội.

Quan trọng hơn, bạn hãy tự quyết định chiếc nón muốn đội trên đầu. Đó là thông điệp cô gái trẻ Võ Lê Yến Trân muốn gửi đến các bạn gái, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái vùng dân tộc thiểu số thông qua câu chuyện “Khu rừng của những chiếc nón”.

“Khu rừng của những chiếc nón
Lễ tổng kết cuộc thi sản xuất sản phẩm truyền thông trên nền tảng số về nâng cao nhận thức bình đẳng giới tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi “Rẻo cao hạnh phúc”

Tự tin lựa chọn

Tác phẩm này đã đoạt giải Nhì cuộc thi thiết kế sản phẩm truyền thông trên nền tảng số về nâng cao nhận thức bình đẳng giới tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi - “Rẻo cao hạnh phúc” do Trung ương Đoàn phối hợp với Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức.

Yến Trân hiện đang là sinh viên trường Đại học Drexel (bang Pennsylvania, Hoà Kỳ). Cô gái trẻ cho biết: “Mình ấp ủ viết một quyển sách về cuộc đời của mẹ từ trước khi mẹ qua đời. Do dự mãi đến giờ được 2 năm rồi mới hoàn thiện. Một quyển sách dành cho mẹ, dành cho mình và cho tất cả các bạn nữ trên đời”.

“Khu rừng của những chiếc nón
Yến Trân giao lưu trực tuyến với các bạn trẻ

Trong câu chuyện, Trân đã vào vai người mẹ của mình với tên gọi Thanh Dung để chia sẻ về chính cuộc đời của mẹ, một người phụ nữ bình thường: “Tôi không phải một diễn viên, một ca sĩ, một nhà chính trị gia, một phi hành gia mà ai cũng biết. Tôi lại càng không phải một người có thể dẫn dắt trái đất xinh đẹp này. Tôi là một cô gái, một người phụ nữ và một người mẹ”.

Thanh Dung từng nếm trải thất bại ở tuổi 18 khi trượt kỳ thi đại học, phải đối diện với định kiến “Con gái con lứa học cao làm gì, mai sau chỉ cần lấy chồng là xong”. Tuy nhiên, cô gái đã mạnh mẽ vượt qua, tự quyết định chiếc nón bản thân muốn đội, tiếp tục học tập để vào ngôi trường mơ ước.

Mỗi chiếc nón có hình dạng, màu sắc khác nhau. Đó là chiếc nón của người đầu bếp, người nông dân hay công an, bác sĩ… Tuy nhiên, nguyên liệu chung để tạo nên chúng chính là: Vẻ đẹp, kiến thức và sự kiên cường. “Bất kỳ loại nón nào, bất kể to hay nhỏ, trang trọng hay đơn thuần chúng đều chứa một phần của trái tim và một mảnh của ký ức”. Điều quan trọng bạn có đủ mạnh mẽ để quyết định chiếc nón bạn muốn đội". Đó là thông điệp Yến Trân muốn gửi gắm đến cộng đồng.

“Khu rừng của những chiếc nón
Câu chuyện “Khu rừng của những chiếc nón” của Yến Trân mang đến nhiều thông điệp nhân văn

Lời dặn của mẹ trở thanh nguồn động lực cho Yến Trân vươn lên. Hiện ngoài học tập, theo đuổi ước mơ, cô gái trẻ còn có nhiều hoạt động đóng góp cho xã hội. Năm 2024, Yến Trân đã hoàn thành dự án “Phòng tin học Thanh Dung” dành tặng trẻ em dân tộc thiểu số ở Lạng Sơn. Cô gái trẻ mong muốn đây sẽ là điểm khởi đầu cho các em ở vùng cao được học cách sử dụng máy tính, tiếp cận tri thức và hiện thực hóa ước mơ.

Mang đến cơ hội phát triển

Cùng với “Khu rừng của những chiếc nón”, cuộc thi thiết kế sản phẩm truyền thông trên nền tảng số về nâng cao nhận thức bình đẳng giới tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi - “Rẻo cao hạnh phúc” nhận được hơn 1,6 triệu tác phẩm dự thi khác.

Các vị đại biểu
Các vị đại biểu trao phần thưởng cho tác giả đoạt giải Nhất

Theo Bí thư Trung ương Ngô Văn Cương, cuộc thi là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”.

Hơn 1,6 triệu tác phẩm dự thi gửi về Ban Tổ chức đều được đầu tư công phu, kỹ lưỡng với nhiều hình thức đa dạng, sáng tạo như: infographic, poster, tranh cổ động… Các tác phẩm đã tuyên truyền, lan tỏa thông điệp tích cực về cuộc sống bình đẳng, an toàn, hạnh phúc, không có bạo lực và phân biệt nam nữ; nói không với tảo hôn, định kiến giới, khuôn mẫu giới... qua đó góp phần kêu gọi xóa bỏ hủ tục, định kiến, xây dựng cộng đồng văn minh, gia đình hạnh phúc.

“Khu rừng của những chiếc nón
Bạn trẻ tham quan triển lãm các tác phẩm

"Sau cuộc thi, các tác phẩm xuất sắc sẽ được chia sẻ rộng rãi trên báo chí của Đoàn, trang tin điện tử, mạng xã hội. Đây sẽ là những sản phẩm truyền thông rất có giá trị để tuyên truyền rộng rãi trong các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là trong đoàn viên, thanh niên, góp phần nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cho thanh thiếu nhi vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi", Bí thư Trung ương Đoàn Ngô Văn Cương chia sẻ

Bí thư Trung ương Đoàn Ngô Văn Cương mong muốn, mỗi bạn đoàn viên, thanh niên, với sức trẻ cùng sự nhiệt huyết, sáng tạo, sẽ là những tuyên truyền viên tích cực, tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ dần các tập tục có hại trong đời sống. Các bạn trẻ sẽ lan tỏa thông điệp tích cực về cuộc sống bình đẳng, an toàn, hạnh phúc, không có bạo lực và phân biệt nam, nữ, nói không với tảo hôn, định kiến giới, khuôn mẫu giới, qua đó góp phần thay đổi nhận thức, hành vi, xây dựng cộng đồng văn minh, gia đình hạnh phúc, xã hội tiến bộ, bình đẳng và phát triển bền vững.

Ngày 13/11, Trung ương Đoàn và Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp tổ chức Lễ tổng kết cuộc thi sản xuất sản phẩm truyền thông trên nền tảng số về nâng cao nhận thức bình đẳng giới tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi “Rẻo cao hạnh phúc”.

Tại chương trình, Ban Tổ chức trao 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba, 4 giải Khuyến khích và 1 giải bình chọn. Trong đó, giải Nhất thuộc về tác giả Nguyễn Thị Thảo, Trưởng Ban Hành chính - Trị sự, Tạp chí điện tử Kinh doanh và Phát triển, Hà Nội với tác phẩm tác phẩm “Bình đẳng giới - Phép nhiệm màu cho đại ngàn yêu thương”.

2 giải Nhì: thuộc về tác giả Võ Lê Yến Trân, sinh viên trường Đại học Drexel, bang Pennsylvania, Hoà Kỳ, với tác phẩm “Khu rừng của những chiếc nón” và Nguyễn Ngọc Linh Phương, giáo viên trường THCS Lê Quang Định - Biên Hoà, Đồng Nai với tác phẩm “Bình đẳng giới”.

 

 

 
Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật