A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bình Dương: Thúc đẩy triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31

Việc thực hiện Nghị định số 31/2022/NĐ-CP (Nghị định số 31) ngày 20-5-2022 của Chính phủ tại Bình Dương đang được triển khai tích cực, tạo điều kiện để doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, để công tác này mang lại hiệu quả thiết thực, đang còn những vướng mắc cần các ngành, các cấp tháo gỡ kịp thời.

Theo Nghị định số 31, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được hỗ trợ 2%/năm lãi suất khi vay vốn tại các ngân hàng thương mại. Tổng quy mô nguồn vốn hỗ trợ lên tới 40.000 tỷ đồng. Đối tượng được hỗ trợ là các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong các ngành hàng không, vận tải kho bãi, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, giáo dục và đào tạo, nông-lâm-thủy sản, công nghiệp chế biến-chế tạo, xuất bản phần mềm, lập trình vi tính và hoạt động liên quan, dịch vụ thông tin, doanh nghiệp thực hiện dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân…

Từ khi triển khai đến nay, kết quả cho vay hỗ trợ lãi suất của các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Bình Dương đạt được một số kết quả bước đầu. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bình Dương, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã ban hành các quy trình, quy định nội bộ triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất đến các đối tượng khách hàng, tổ chức các buổi đào tạo, tập huấn các đơn vị kinh doanh tuyên truyền đến khách hàng chính sách, điều kiện hỗ trợ khách hàng theo Nghị định số 31.

Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Hưng Hải Thịnh, huyện Phú Giáo. Ảnh: NGỌC THANH

Tính ngày 30-9, tổng dư nợ hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31 trên địa bàn tỉnh Bình Dương là hơn 455 tỷ đồng, doanh số cho vay hỗ trợ lãi suất lũy kế từ đầu chương trình là hơn 473 tỷ đồng. Lĩnh vực cho vay tập trung chủ yếu ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, vận tải kho bãi... Đối tượng được hỗ trợ lãi suất chủ yếu là doanh nghiệp.

Theo ông Võ Đình Phong, Giám đốc Ngân hàng Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bình Dương, công tác tuyên truyền tiếp cận, mức độ tiếp cận vẫn còn chậm và chưa đa dạng trong hình thức tuyên truyền, việc tiếp cận của đa số các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn vẫn còn đơn lẻ, chưa tổ chức các hội nghị kết nối giữa ngân hàng và khách hàng nhằm tăng cường thông tin đối thoại để chia sẻ những khó khăn, vướng mắc. Bên cạnh đó, việc tổ hội nghị kết nối giữa ngân hàng và khách hàng chỉ được thực hiện giữa các chi nhánh ngân hàng thương mại Nhà nước đối với khách hàng; công tác truyền thông đối với một số tổ chức tín dụng vẫn chưa đầy đủ.

Đại diện các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đều cho rằng, một trong những vướng mắc lớn gây khó khăn trong quá trình triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất là tiêu chí “có khả năng phục hồi theo đánh giá của ngân hàng thương mại”. Quy định này dẫn đến việc đánh giá nội bộ giữa các ngân hàng thương mại có sự khác biệt, có khách hàng vay vốn tại nhiều ngân hàng và có thể được xác định đáp ứng tiêu chí có khả năng phục hồi tại ngân hàng này nhưng không đáp ứng tiêu chí đánh giá tại ngân hàng khác.

Theo ông Phạm Quang Huy, Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) chi nhánh tỉnh Bình Dương cho rằng, việc xác định mục đích sử dụng vốn để được hỗ trợ lãi suất cũng là vấn đề khó khăn khi thực hiện chính sách, nhất là trong trường hợp khách hàng kinh doanh đa ngành nghề. Các doanh nghiệp kinh doanh đa ngành nghề như: Sản xuất, gia công, thương mại thường khó tách bạch được chi phí dùng riêng cho mục đích nào nên gây khó khăn cho cán bộ tín dụng trong quá trình kiểm tra sau cho vay. doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đa ngành nghề khó xác định được ngành nghề được hỗ trợ lãi suất; đối tượng hộ kinh doanh phải đăng ký kinh doanh được được hỗ trợ lãi suất; thu thập chứng từ trong hộ kinh doanh đặc thù;

Về phía khách hàng doanh nghiệp cũng băn khoăn khi một số hoạt động kinh doanh gặp khó khăn nhưng không đáp ứng điều kiện hỗ trợ lãi suất như xăng dầu, lúa gạo, sắt thép, vật liệu xây dựng, bất động sản... Theo Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương, theo điều kiện để hỗ trợ lãi suất thì doanh nghiệp bị suy giảm hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm 2020, 2021 và có khả năng phục hồi trong năm 2022, 2023 thuộc đối tượng được hỗ trợ. Tuy nhiên, đa số doanh nghiệp ngành gỗ hoạt động ổn định và tăng trưởng nhẹ trong năm 2020, 2021. Riêng năm 2022 có suy giảm nghiêm trọng, bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong các ngành xuất khẩu. Vì vậy doanh nghiệp ngành gỗ khó đáp ứng điều kiện được hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31. Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có văn bản hướng dẫn cụ thể hơn để các ngân hàng thương mại linh hoạt tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp ngành gỗ nói riêng và các ngành sản xuất khác nói chung được nhận gói hỗ trợ để phục hồi sản xuất.

Hội nghị kết nối ngân hàng-doanh nghiệp tại Bình Dương thúc đẩy triển khai Nghị định số 31. Ảnh: VĂN BÌNH

Còn bà Phan Lê Diễm Trang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh Bình Dương kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu cơ chế đặc thù và tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại được chủ động xem xét cho các doanh nghiệp được cơ cấu nợ, gia hạn nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì được dòng vốn đảm bảo hoạt động vượt qua thời kỳ khó khăn và không làm tăng thêm nợ xấu của ngân hàng. Như vậy, khi vượt qua khủng hoảng cả doanh nghiệp và ngân hàng đều có chỉ số hiệu quả tốt.

Tại hội nghị kết nối ngân hàng-doanh nghiệp mới đây, ông Nguyễn Văn Dành, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho rằng, để đẩy nhanh triển khai chương trình hỗ trợ, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Bình Dương chi nhánh tỉnh Bình Dương tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát và nắm bắt nhu cầu hỗ trợ của khách hàng thuộc đối tượng, ngành, lĩnh vực được hỗ trợ, thông báo hướng dẫn khách hàng về hồ sơ, thủ tục theo quy định. Đồng thời, phối hợp với các ngành chức năng tăng cường truyền thông, thông tin, đối thoại trực tiếp để giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hiểu rõ cách thức tiếp cận chính sách hỗ trợ, qua đó nắm bắt kịp thời những khó khăn, vướng mắc để chủ động xử lý theo thẩm quyền và kịp thời phản ánh với các sở ngành, UBND tỉnh và Ngân hàng Nhà nước nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay phục hồi sản xuất kinh doanh.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết