Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dự Hội nghị trực tuyến về ứng phó với mối đe dọa từ ma túy tổng hợp
Hội nghị trực tuyến cấp Bộ trưởng về ứng phó với mối đe dọa từ ma tuý tổng hợp đã được tổ chức theo sáng kiến của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken với sự tham dự của đại diện 70 nước và lãnh đạo một số tổ chức quốc tế liên quan vào ngày 7-7. Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã có bài phát biểu quan trọng tại Phiên toàn thể.
Tại Hội nghị, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken khẳng định ma tuý là vấn đề đe dọa tính mạng, tương lai của hàng triệu người dân Hoa Kỳ; chống ma túy là ưu tiên cao của chính quyền Tổng thống Joe Biden với nhiều biện pháp mạnh mẽ, trong đó có Chiến lược Kiểm soát ma túy mới được ban hành. Dù vậy, ma túy luôn là một thách thức nghiêm trọng với an ninh, y tế toàn cầu mà không một quốc gia nào có thể tự mình giải quyết.
Nhân dịp này, Hoa Kỳ đề xuất thành lập một Liên minh Toàn cầu ứng phó với mối đe dọa từ ma túy tổng hợp. Hoa Kỳ sẽ trao đổi với các nước tham gia Liên minh về các ưu tiên, biện pháp cụ thể trong công tác này. Các đối tác cũng có thể tham gia các nhóm làm việc để tìm các giải pháp mới, tăng cường nỗ lực quốc gia để phòng chống ma tuý tổng hợp. Ngoại trưởng Blinken cũng đề cao vai trò của các doanh nghiệp, các bệnh viện, ngành dược phẩm, các cộng đồng địa phương và các đoàn thể xã hội trong công tác này.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chia sẻ các quan ngại chung của cộng đồng quốc tế về mối đe dọa từ ma tuý tổng hợp, nhấn mạnh yêu cầu đẩy mạnh hợp tác quốc tế trên tinh thần tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và không can thiệp vào công việc nội bộ với các biện pháp tổng thể và cách tiếp cận toàn diện, xử lý các vấn đề liên quan đến cung và cầu của ma tuý. Đồng thời, Bộ trưởng nhấn mạnh các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế cần hỗ trợ thực hiện tốt ba Công ước cơ bản về ma tuý và giúp tăng cường hơn nữa vai trò của Ủy ban Kiểm soát Ma túy của Liên hợp quốc (CND).
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. Ảnh: TTXVN. |
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị quốc tế cần quan tâm tăng cường hỗ trợ cho các nước đang phát triển về chia sẻ thông tin, nâng cao năng lực, nguồn lực, công nghệ, và cho rằng để giải quyết vấn đề ma tuý một cách bền vững thì cần tăng cường các biện pháp xoá đói, giảm nghèo, nâng cao giáo dục và tạo việc làm, nhất là cho thanh niên. Bộ trưởng cũng chia sẻ các nỗ lực của Việt Nam và ASEAN nhằm phấn đấu vì một môi trường không ma tuý, khẳng định ủng hộ các nỗ lực quốc tế nhằm tạo thêm động lực, huy động thêm nguồn lực cho đấu tranh phòng, chống ma tuý ở cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế.
Các Bộ trưởng, đại biểu của các nước và các tổ chức quốc tế tham dự Hội nghị bày tỏ quan ngại sâu sắc về các hoạt động tội phạm sản xuất, vận chuyển và buôn bán ma túy và ảnh hưởng tiêu cực của các hoạt chất ma túy đối với sức khỏe cộng đồng, an ninh xã hội. Nhiều ý kiến chỉ rõ mối quan hệ giữa tội phạm sản xuất, buôn bán trái phép ma túy tổng hợp với các nguy cơ an ninh khác như rửa tiền, tài trợ khủng bố, mua bán vũ khí và xung đột vũ trang tại một số khu vực trên thế giới. Đồng thời, các thách thức mà vấn đề ma túy tổng hợp đặt ra với phát triển bền vững như xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm giáo dục, việc làm cũng được quan tâm. Các phát biểu tại Hội nghị cũng xác định thanh niên, thế hệ trẻ là nhóm dễ bị ảnh hưởng nhất từ tệ nạn ma túy tổng hợp trong xã hội, cần có sự quan tâm đặc biệt để hướng đến lối sống lành mạnh.
Các đại biểu khẳng định sẽ phối hợp hành động ở cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế trong phòng, chống ma túy, dựa trên cách tiếp cận toàn diện, tổng thể, cân bằng trên cơ sở khoa học và thông tin minh bạch; cân đối hợp lý giữa các chiến lược giảm cung, giảm cầu và các chương trình đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật, chia sẻ thông tin. Các nước cũng đề cao vai trò và khả năng hỗ trợ kỹ thuật, kinh nghiệm chuyên gia của các cơ chế kiểm soát ma túy quốc tế hiện có như Ủy ban Kiểm soát ma túy Liên hợp quốc (CND), Văn phòng Liên hợp quốc về chống ma túy và tội phạm (UNODC), Ủy ban kiểm soát ma túy quốc tế (INCB).
Đây là Hội nghị lần đầu tiên được tổ chức theo sáng kiến của Ngoại trưởng Hoa Kỳ để thúc đẩy thảo luận, chia sẻ thông tin và thúc đẩy hợp tác, phối hợp hành động ứng phó với hiểm họa từ ma túy tổng hợp hiện đang nổi lên phức tạp ở nhiều khu vực trên thế giới. Tham dự hội nghị có lãnh đạo của hơn 70 nước, trong đó có 4 Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng, 40 Bộ trưởng Ngoại giao và lãnh đạo các tổ chức quốc tế lớn như Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (INTERPOL), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Hải quan thế giới (WCO), Văn phòng Liên hợp quốc về chống ma túy và tội phạm (UNODC).
Hội nghị được tổ chức trong bối cảnh tình hình tệ nạn ma túy trên thế giới diễn biến ngày càng phức tạp; nhất là với việc sản xuất, mua bán, vận chuyển và sử dụng các loại ma túy tổng hợp, các chất hướng thần ở nhiều nơi diễn ra nghiêm trọng. Trong đó, châu Á, Đông Nam Á tiếp tục là thị trường ma túy tổng hợp và chất hướng thần mới lớn hàng đầu thế giới, với hai khu vực được cho là nằm trong số trung tâm sản xuất ma túy lớn của thế giới là “Trăng lưỡi liềm vàng” (nằm giữa Afghanistan, Iran, Pakistan) và “Tam giác vàng” (nằm giữa Myanmar, Lào, Thái Lan).
Tại Việt Nam, tỷ lệ sử dụng ma túy tổng hợp chiếm khoảng 70-80% trong số người nghiện ma tuý. Tình trạng sử dụng trái phép ma túy tổng hợp đã ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm sinh lý người nghiện, dẫn đến rối loạn tâm thần, mất kiểm soát hành vi gây ra các vụ án mạng, cố ý gây thương tích, tai nạn giao thông, gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng và mất an ninh trật tự, bức xúc trong xã hội ở nhiều địa phương.
Việt Nam luôn dành ưu tiên cao cho công tác phòng, chống tội phạm ma túy với những biện pháp tích cực của quốc gia, đi đôi với hợp tác quốc tế và khu vực; triển khai nhiều chủ trương, giải pháp huy động các cấp, các ngành và toàn dân tham gia phòng ngừa và đấu tranh quyết liệt với các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, từng bước kiềm chế và làm giảm tội phạm, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Việt Nam luôn hợp tác tích cực với các cơ quan phòng chống ma túy của các nước và các tổ chức của Liên hợp quốc, trong đó có Ủy ban Kiểm soát Ma túy Liên hợp quốc (CND) và Cơ quan phòng, chống tội phạm và ma túy Liên hợp quốc (UNODC).