A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cần làm rõ hơn việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với trò chơi điện tử trực tuyến

Ngày 30-3, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức Hội thảo "Doanh nghiệp dịch vụ trò chơi điện tử trực tuyến đóng góp ý kiến về đề nghị xây dựng dự án luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)", với sự tham gia thảo luận và đóng góp ý kiến của các bộ, ngành liên quan, các doanh nghiệp game, hiệp hội cùng nhiều chuyên gia đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau.

Tại hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký VCCI nhận định trong xã hội hiện có nhiều quan điểm khác nhau về game online. Trong đó vẫn có những định kiến, cũng như các lo ngại tác động tiêu vực với game online: Mất thời gian, ảnh hưởng đến trẻ em, ít vận động… Tuy nhiên, nhiều game online hiện nay đang được xây dựng theo hướng vừa chơi vừa học. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng chơi game giúp trẻ em phát triển trí tưởng tượng tư duy, khả năng phản xạ… Do vậy cần có đánh giá nhiều chiều, tác động nhiều mặt khi quyết định đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với game online.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI phát biểu tại hội thảo.

Liên quan đến đề xuất đánh thuế trong dự thảo luật, ông Đậu Anh Tuấn cho biết qua tìm hiểu thì chưa có quốc gia nào đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với game online. Các nước có đánh thuế với thu nhập của người chơi có được từ game online như: Mua bán tài sản ảo, chơi game có thưởng phát sinh thu nhập…

Quang cảnh hội thảo. 

Theo ông Lã Xuân Thắng, Giám đốc phát hành trò chơi trực tuyến của VNG cho biết, ngành game tại Việt Nam đang chịu nhiều định kiến xã hội. Cũng giống như phim ảnh, nghệ thuật, trò chơi trực tuyến cũng là một phần của ngành công nghiệp giải trí, sáng tạo nội dung. Ở các quốc gia như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Pháp và nhiều nước khác, trò chơi trực tuyến không chỉ được thừa nhận như là một ngành kinh tế quan trọng, mà còn được xác định là mũi nhọn đề xuất khẩu văn hóa ra thế giới. Vì vậy những quốc gia này có rất nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển ngành công nghiệp trò chơi trực tuyến. Gần đây, một số quốc gia khác như: Singapore, Các tiểu vương quốc Arab thống Nhất UAE, Jordan,... cũng đã có nhiều sáng kiến, nhiều chính sách thu hút các tập đoàn, các công ty game đến đặt trụ sở và hoạt động.

"Họ không muốn chậm chân trong ngành công nghiệp được dự đoán sẽ chạm mốc doanh thu 200 tỷ USD vào năm 2024 - 2025 và nhiều khả năng sẽ tăng trưởng mạnh hơn nữa trong thời gian tiếp theo", ông Lã Xuân Thắng nêu rõ.

Nhưng ở Việt Nam, trong suốt nhiều năm qua, xã hội và cộng đồng vẫn dành cho game cái nhìn không thật sự thiện cảm, cho rằng trò chơi trực tuyến chứa các nội dung không lành mạnh, bạo lực, ảnh hưởng lệch lạc, tiêu cực tới giới trẻ, không được khuyến khích phát triển như các ngành giải trí – sáng tạo nội dung số khác.

Hội thảo nhận được nhiều chia sẻ từ chuyên gia, nhà quản lý, các doanh nghiệp. 

Đại diện VNG nhấn mạnh tại Việt Nam, game là một ngành kinh doanh có điều kiện. Tất cả các game muốn phát hành chính thống đều phải được thẩm định nội dung bởi cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, cụ thể ở đây là Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông. Bên cạnh việc phải đảm bảo các yêu cầu về yếu tố nội dung, trò chơi trực tuyến khi đưa ra thị trường luôn có sự phân loại độ tuổi rất rõ ràng và khuyến cáo người dùng trước khi sử dụng.

"Hầu hết những nội dung không lành mạnh, lệch chuẩn đều đến từ các game được phát hành trái phép trên lãnh thổ Việt Nam. Liên quan đến quan điểm ngành game có lợi nhuận cao nêu trong dự thảo luật, về tỷ suất lợi nhuận chỉ đạt khoảng 3-5% trong doanh thu. Đây là mức tỷ suất lợi nhuận trung bình, nếu không muốn nói là thấp so với nhiều ngành nghề", ông Lã Xuân Thắng nhấn mạnh.

Góp ý thêm về đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với game online, ông Nguyễn Xuân Cường, Chủ tịch Hội thể thao điện tử giải trí Việt Nam cho rằng các doanh nghiệp phát triển game triển khai tại Việt Nam phải tuân thủ nhiều thủ tục hành chính, giấy phép, nghĩa vụ nộp thuế. Tuy nhiên, hiện chúng ta chưa có nhiều biện pháp hữu hiệu để quản lý các dịch vụ xuyên biên giới. Các doanh nghiệp trong nước đang chịu nhiều thiệt thòi so với các dịch vụ xuyên biên giới.

Về doanh thu của ngành game ở Việt Nam khoảng 780 triệu USD nhưng chỉ có 22% trong số này chịu sự quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước bao gồm: Quản lý về nội dung và quản lý thuế. 78% doanh thu còn lại đang thuộc về các doanh nghiệp không có trụ sở ở Việt Nam. Khi không có trụ sở ở Việt Nam, các doanh nghiệp sẽ không có bất cứ nghĩa vụ nào với Chính phủ Việt Nam kể cả kiểm soát nội dung lẫn nghĩa vụ thuế", ông Lã Xuân Thắng chia sẻ tại hội thảo.

Dẫn thống kê của Data.ai, ông Thắng cho biết trong số 10 tựa game có số lượng người chơi lớn nhất tại Việt Nam thì có hơn một nửa số này được cung cấp bởi nhà phát hành có trụ sở nước ngoài, tức là không phát sinh bất cứ nghĩa vụ nào, bao gồm thuế, với Việt Nam chúng ta.

"Số liệu từ Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, hiện có hơn 220 doanh nghiệp kinh doanh game được cấp phép kinh doanh tại Việt Nam, nhưng số còn thực sự hoạt động, cung cấp game ra thị trường chỉ còn 30 đơn vị. Còn lại là gần như không còn hoạt động vì không thể cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài", ông Thắng dẫn chứng.

Đại diện VNG cho biết trong trường hợp bị áp thêm thuế tiêu thụ đặc biệt thì những game do các công ty trong nước cung cấp sẽ bị đội giá lên cao. Người chơi sẽ chuyển sang chơi game do các công ty có trụ sở ở nước ngoài cung cấp vì có giá rẻ hơn hẳn.

"Việc này dẫn đến hai hệ lụy. Thứ nhất là không đạt được mục đích khi áp thuế là hạn chế người chơi game. Thứ hai là doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp trong nước, hoạt động phù hợp với pháp luật Việt Nam sẽ bị giảm mạnh, không thể đóng góp cho nền kinh tế số và ngành công nghiệp phần mềm của Việt Nam như kỳ vọng của Chính phủ", ông Thắng nêu quan điểm.

Ngoài ra có thể dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp Việt sẽ chuyển hướng thành lập công ty tại các quốc gia khác để phát triển và phát hành game, nhằm hưởng các chính sách hỗ trợ, tài trợ, khuyến khích, đặc biệt là về thuế cho doanh nghiệp game. Khi đó thì ngân sách Nhà nước cũng bị thất thu thuế.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu phát biểu tại hội thảo.

Góp ý về tại hội thảo, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng dự thảo luật cần làm rõ hơn có nên can thiệp bằng việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với game online. Cần làm rõ thông qua các bằng chứng khoa học, bằng chứng thực tế mối nguy hoại của game online với người chơi. Không nên đánh đồng tất cả game online đều nguy hại. Khi cần thiết mới nên đánh thuế, nếu không thì nên sử dụng các biện pháp hành chính. Trong trường hợp áp thuế, cần làm rõ hiệu quả của việc thu thuế cũng như giảm tác hại của game với người chơi.

"Mục tiêu của việc hạn chế nghiện game là cần thiết nhưng ngoài biện pháp thuế ra còn biện pháp nào tốt hơn, rẻ hơn, ít tác động hơn, cũng như thúc đẩy ngành game phát triển nào không?", ông Phan Đức Hiếu đặt vấn đề và nhấn mạnh có thể điều chỉnh hành vi tiêu dùng thông qua việc kiểm soát nội dung. Bên cạnh đó cũng cần có giải pháp tăng thu thuế với những đối tượng cung cấp dịch vụ xuyên biên giới.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực phát biểu tại hội thảo.

Tại hội thảo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực đề nghị đánh giá kỹ hơn về thực trạng hoạt động của ngành, lĩnh vực này; đánh giá mức độ tác động kỹ hơn, lý do vì sao chúng ta áp dụng mức thuế này? sớm có một báo cáo đầy đủ hơn nữa, chính xác hơn về ngành này. Tổ chức thêm hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo bộ, ngành để làm rõ hơn việc đánh thuế và tính khả thi của việc đánh thuê tiêu thụ đặc biệt này.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết