A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chính trường Israel chia rẽ vì kế hoạch cải cách tư pháp

Cuộc họp của Ủy ban Hiến pháp, Luật pháp và Tư pháp thuộc Quốc hội Israel (Knesset) ngày 13-2 đã rơi vào hỗn loạn, sau khi các nghị sĩ phe đối lập công kích kế hoạch cải tổ ngành tư pháp do chính quyền Thủ tướng Benjamin Netanyahu đề xuất, trong bối cảnh hàng chục nghìn người biểu tình tập trung phản đối ngay bên ngoài tòa nhà Quốc hội.

Liên minh cầm quyền của ông Netanyahu đang tìm kiếm một cuộc đại tu toàn diện đối với hệ thống tư pháp của Israel kể từ khi thành lập. Trong đó, đề xuất cải cách quan trọng nhất là cho phép đa số hẹp trong Knesset lật ngược các phán quyết của Tòa án Tối cao Israel. Ngoài ra, kế hoạch còn hướng đến thay đổi cách lựa chọn thẩm phán và loại bỏ các cố vấn pháp lý độc lập của các bộ trong chính phủ. Nói cách khác, kế hoạch cải cách tư pháp-một khi được thông qua-sẽ trao cho chính quyền của Thủ tướng Benjamin Netanyahu quyền kiểm soát nhiều hơn đối với việc bổ nhiệm các thẩm phán, qua đó làm suy yếu khả năng của Tòa án Tối cao Israel trong việc bãi bỏ luật hoặc phán quyết chống lại cơ quan hành pháp. Theo The Times of Israel, đề xuất cải cách này đã thổi bùng cơn giận dữ của công chúng và gây ra các cuộc biểu tình trên khắp Israel trong nhiều tuần qua.

Trước tình hình đó, Tổng thống Isaac Herzog đã lên tiếng cảnh báo, rằng Israel đang “trên bờ vực sụp đổ về hiến pháp và xã hội” và có thể phải đối mặt với “một vụ va chạm dữ dội”. Ông Herzog kêu gọi tạm dừng quy trình lập pháp để cả hai bên có thể xích lại gần nhau và thực hiện các cải cách dựa trên sự đồng thuận.

Người biểu tình Israel phản đối kế hoạch cải cách tư pháp bên ngoài tòa nhà quốc hội ở Jerusalem, ngày 13-2. Ảnh: AP 

Tuy nhiên, lời kêu gọi của Tổng thống Isaac Herzog dường như không được bất cứ phe phái nào lắng nghe. Cảnh tượng hỗn loạn đã xảy ra khi các nghị sĩ đối lập đưa ra những ý kiến trái ngược với đề xuất cải cách tư pháp trong cuộc họp ở Knesset. Tình hình trở nên mất kiểm soát sau khi một số nghị sĩ quốc hội nhảy qua mặt bàn, la hét phản đối các nghị sĩ thuộc liên minh cầm quyền, trước khi bị lực lượng an ninh đưa ra khỏi phòng họp.

Thủ tướng Benjamin Netanyahu nói rằng những cải tổ này là cần thiết để khôi phục sự cân bằng trong hệ thống và hạn chế các thẩm phán vượt quá quyền hạn khi can thiệp vào lĩnh vực chính trị: “Tôi kêu gọi những người đứng đầu phe đối lập hãy dừng lại! Đừng cố tình kéo đất nước vào tình trạng hỗn loạn... Người dân Israel muốn có một cuộc thảo luận thực chất và cuối cùng là sự thống nhất”, Reuters dẫn tuyên bố của ông Netanyahu.

Trên thực tế, kế hoạch cải tổ tư pháp của chính quyền Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã bộc lộ sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội Israel. Những người phản đối cho rằng sự cải tổ này sẽ làm tê liệt tính độc lập của nền tư pháp, thúc đẩy tham nhũng, hạn chế các quyền của thiểu số và tước đi quyền lực của Tòa án Tối cao Israel. Một trong những người kịch liệt phản đối là Tổng chưởng lý Israel Gali Baharav-Miara, bởi theo bà, kế hoạch này tước bớt quyền lực của tòa án và trao cho chính phủ “quyền lực vô hạn”, thật chẳng khác gì một “cuộc tấn công không kiểm soát vào hệ thống tư pháp”.

Trong khi đó, chính quyền Thủ tướng Benjamin Netanyahu lại cho rằng, cải cách tư pháp là cần thiết để hợp lý hóa quản trị và điều chỉnh sự mất cân bằng quyền lực giữa các cơ quan hành pháp và tư pháp Israel, trong bối cảnh chính quyền cáo buộc các tòa án nước này đã được trao quá nhiều quyền lực.

Kết quả một cuộc thăm dò hôm 12-2 công bố trên Đài truyền hình Kan của Israel cho thấy, chỉ 28% người dân Israel ủng hộ cải tổ tư pháp, so với 50% phản đối.

Theo truyền thông địa phương, các cuộc biểu tình được cho là sẽ tiếp tục lan rộng khi nhiều doanh nghiệp Israel cho phép nhân viên tham gia các cuộc đình công trên toàn quốc, bởi họ tin rằng những cải tổ này có nguy cơ làm suy yếu các thể chế dân sự là nền tảng cho sự thịnh vượng kinh tế của Israel. 

Lãnh đạo phe đối lập, cựu Thủ tướng Yair Lapid cảnh báo: “Nếu kế hoạch cải tổ được thông qua, nền kinh tế Israel sẽ bị thiệt hại nghiêm trọng, các công ty thành công nhất sẽ rời khỏi đây, cơ sở quốc phòng sẽ bị tổn hại, các binh sĩ Israel sẽ gặp rủi ro pháp lý, liên minh với Mỹ sẽ chấm dứt”. Còn lãnh đạo Đảng Thống nhất Quốc gia, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Benny Gantz thì nêu bật mối đe dọa an ninh khi cho rằng Israel đang ở trong “chảo lửa” nhưng liên minh cầm quyền thì lại tập trung nỗ lực vào việc “chia rẽ người dân và phá hủy nền dân chủ”.

Bế tắc trên chính trường Israel diễn ra đúng vào thời điểm gia tăng căng thẳng ở khu vực Bờ Tây sau các cuộc đụng độ tấn công giữa người Israel và người Palestine, khiến nhiều người thiệt mạng ở cả hai phía, gây áp lực lên liên minh cầm quyền của Thủ tướng Benjamin Netanyahu.


Tags: Israel
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết