Chủ tịch nước Lương Cường gặp mặt các đại biểu Hội Khuyến học tiêu biểu toàn quốc
Sáng 10-7, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Lương Cường đã gặp mặt các đại biểu là lãnh đạo Hội Khuyến học tiêu biểu toàn quốc.
Dự buổi gặp mặt có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Lê Minh Hoan, Phó chủ tịch Quốc hội; Lê Khánh Hải, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Cùng dự có nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và 150 đại biểu là lãnh đạo Hội Khuyến học tiêu biểu toàn quốc về công tác khuyến học.
![]() |
Chủ tịch nước Lương Cường và các đại biểu Hội Khuyến học tiêu biểu toàn quốc. |
Báo cáo tại buổi gặp mặt, nguyên Phó chủ tịch nước, GS, TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nêu rõ, Hội Khuyến học Việt Nam được thành lập ngày 2-10-1996 với 3 chức năng chính là: Khuyến khích và thúc đẩy phong trào học tập thường xuyên trong nhân dân; hỗ trợ hoạt động dạy và học trong hệ thống giáo dục quốc dân; làm nòng cốt, gắn kết, phối hợp với các lực lượng xã hội chung tay xây dựng xã hội học tập.
Trong thời gian qua, Hội Khuyến học Việt Nam đã triển khai các cấp hội thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Tính đến ngày 31-12-2024, cả nước có gần 27 triệu hội viên khuyến học. Tổ chức khuyến học cơ sở đến cấp xã, phường; cấp chi hội đến các nhà trường, thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố. Tổ chức Hội trong lực lượng vũ trang, các cơ quan, đơn vị doanh nghiệp, các trường phổ thông, đại học, cao đẳng có bước phát triển mạnh mẽ. 5 mô hình học tập: Gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị và công dân học tập tại các địa phương đều được phát huy mạnh mẽ và đạt nhiều kết quả tích cực.
Hội Khuyến học Việt Nam đã thực hiện tốt nhiệm vụ làm nòng cốt trong việc liên kết, phối hợp các lực lượng tham gia công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, tạo sự gắn kết, chia sẻ và thúc đẩy các hoạt động ở các bộ, ngành, địa phương và toàn dân. Trong nhiều năm qua, công tác huy động xã hội hóa cho hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đã được các địa phương triển khai và đạt được nhiều kết quả tốt. Quỹ khuyến học của gia đình, dòng họ phát triển mạnh.
Mỗi năm, các cấp Hội vận động được hàng chục tỷ đồng trao học bổng tặng học sinh giỏi đạt giải trong kỳ thi quốc gia và quốc tế, học sinh khó khăn vươn lên trong học tập, người lớn tự học thành tài, tạo không khí phấn khởi, động viên người lớn và trẻ em thi đua học tập suốt đời.
![]() |
Chủ tịch nước Lương Cường và các đại biểu Hội Khuyến học tiêu biểu toàn quốc. |
Tại buổi gặp mặt, đại diện các đại biểu đã phát biểu, kiến nghị, đề xuất với các cơ quan chức năng một số vấn đề về tổ chức, chính sách, biện pháp cụ thể tạo điều kiện cho phong trào học tập phát triển.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, phát biểu tại buổi gặp mặt, Chủ tịch nước Lương Cường ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những kết quả rất đáng tự hào mà Hội Khuyến học Việt Nam đã đạt được cho sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, Hội Khuyến học Việt Nam là một tổ chức xã hội được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ, lấy khuyến học, khuyến tài làm mục đích và tôn chỉ hoạt động, coi xây dựng xã hội học tập là nhiệm vụ trọng tâm. Qua gần 30 năm xây dựng và trưởng thành, với những hoạt động, sáng kiến mang bản sắc riêng rất độc đáo, thông qua các phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập mà Hội khởi xướng, duy trì đã có sức sống và sự lan tỏa cao, trở thành một động lực đóng góp tích cực cho sự phát triển đất nước dựa trên nền tảng tri thức và sáng tạo.
![]() |
Chủ tịch nước Lương Cường phát biểu tại buổi gặp mặt. |
Chủ tịch nước khẳng định, Hội Khuyến học Việt Nam đã làm tốt công tác tham mưu, tư vấn với Đảng, Nhà nước, đưa hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trở thành một nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị. Nổi bật là đã triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; đã tổ chức thành công việc xây dựng 5 mô hình học tập và triển khai phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời” giai đoạn 2023-2030.
Việc thực hiện thành công các mô hình học tập đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cùng với đó, Hội rất quan tâm đến công tác thông tin, truyền thông nhằm tuyên truyền những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về khuyến học, về những tấm gương học tập tiêu biểu, những cách làm khuyến học hay… đã có sức lan tỏa, truyền cảm hứng học tập đến mọi tầng lớp nhân dân.
![]() |
Nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam phát biểu tại buổi gặp mặt. |
Chủ tịch nước đánh giá cao công tác phát triển tổ chức Hội và hội viên. Tổ chức Hội đã phủ kín 100% xã, phường trong cả nước. Đến nay, tổ chức khuyến học đã phát triển ở hầu hết các cơ quan Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang, các trường đại học, cao đẳng… tạo thành mạng lưới rộng khắp, giúp cho phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ngày càng phát triển.
Nhiều hình thức xây dựng và phát triển Quỹ khuyến học đạt được kết quả quan trọng. Từ nguồn huy động 100% xã hội hóa, Quỹ khuyến học các cấp đã trao học bổng tặng hàng triệu lượt tấm gương tiêu biểu có thành tích học tập xuất sắc. Quỹ khuyến học của các gia đình, dòng họ cũng phát triển, mang đậm ý nghĩa, tôn vinh truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, học bổng mang tên lời dạy của Bác Hồ “Học không bao giờ cùng” được các cấp hội trao vào dịp sinh nhật Bác hằng năm đã có sức lan tỏa sâu rộng, khuyến khích mọi người hăng say học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ, để làm việc tốt hơn, sống tốt hơn theo gương Bác Hồ vĩ đại.
![]() |
Các đại biểu Hội Khuyến học tiêu biểu toàn quốc dự buổi gặp mặt. |
Chủ tịch nước vui mừng nhận thấy, đội ngũ những người làm công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong cả nước phát triển mạnh và hoạt động ngày càng hiệu quả, đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét trong công cuộc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài của đất nước, góp phần tích cực, hiệu quả thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong tình hình mới.
Chủ tịch nước nêu rõ, trong suốt 80 năm qua, từ khi giành được chính quyền (tháng 8-1945), Đảng, Nhà nước ta và Bác Hồ kính yêu luôn đặc biệt coi trọng nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài - Giáo dục đào tạo là “quốc sách hàng đầu”, là chủ trương nhất quán và xuyên suốt trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Bác Hồ kính yêu là một tấm gương vĩ đại về tinh thần học tập không ngừng nghỉ, là biểu tượng tiêu biểu của tri thức sâu rộng. Lúc sinh thời, Người luôn đặc biệt chú trọng nâng cao dân trí, dân chủ, dân sinh. Bác coi chống giặc dốt cũng khẩn thiết như chống giặc ngoại xâm và giặc đói. Một triết lý vô cùng sâu sắc của Bác đó là: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”.
![]() |
Chủ tịch nước Lương Cường và các đại biểu Hội Khuyến học tiêu biểu toàn quốc tại buổi gặp mặt. |
Chủ tịch nước đề nghị mọi người trong cả nước, không kể tuổi tác, địa vị xã hội, hãy luôn coi học tập là quyền lợi, là trách nhiệm và nghĩa vụ của mình. Khi mới giành được chính quyền, tỷ lệ người dân không biết chữ rất cao, Đảng ta và Bác Hồ đã phát động phong trào “Bình dân học vụ”, người biết chữ dạy người không biết chữ, để mọi người đều biết đọc, biết viết. Ngày nay, để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, Đảng, Nhà nước ta và đồng chí Tổng bí thư Tô Lâm phát động phong trào “Bình dân học vụ số”, yêu cầu mọi người phải học thường xuyên, học suốt đời, không chỉ học chữ, mà phải học để nắm vững khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số,... học nghề, học để làm người, học để làm việc, học để chung sống và cùng phát triển ở cộng đồng, góp phần giữ gìn, phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam ngàn năm văn hiến và anh hùng.
Chủ tịch nước đề nghị các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương cần tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, nhận thức rõ việc xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời không chỉ là nhiệm vụ của các cấp Hội Khuyến học mà là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và của toàn dân ta. Việc xây dựng Việt Nam thành quốc gia học tập, trong đó mỗi người dân đều có cơ hội được học tập và được khuyến khích học tập suốt đời không chỉ là mục tiêu nhân văn, mà còn là yêu cầu quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển nhân tài và củng cố nội lực dân tộc. Đây là một thách thức lớn, nhưng cũng là sứ mệnh cao cả mà đội ngũ những người làm công tác khuyến học - khuyến tài đang đảm đương trên tuyến đầu.
Tin, ảnh: NGUYỄN TUẤN - NAM ANH