Chuyến thăm định hướng chiến lược cho quan hệ Việt - Trung
Trả lời phỏng vấn Báo Quân đội nhân dân, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba cho rằng, chuyến thăm chính thức Trung Quốc vừa qua của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đưa ra định hướng chiến lược cho sự phát triển quan hệ giữa hai nước trong thời đại mới.
Phóng viên (PV): Đại sứ đánh giá như thế nào về việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên thăm chính thức Trung Quốc ngay sau thành công của Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc và đồng chí Tập Cận Bình tái đắc cử Tổng Bí thư?
Đại sứ Hùng Ba: Chuyến thăm Trung Quốc vừa qua của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là chuyến thăm quan trọng khi sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của hai nước bước vào giai đoạn then chốt, kế thừa quá khứ và mở ra tương lai. Trung Quốc đã hoàn thành xây dựng toàn diện xã hội khá giả, thực hiện mục tiêu phấn đấu 100 năm lần thứ nhất và bước vào hành trình mới, xây dựng toàn diện một nước xã hội chủ nghĩa hiện đại. Trong khi đó, Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng thành công tốt đẹp và Việt Nam đang hướng đến hai mục tiêu 100 năm thành lập Đảng và thành lập nước.
Việc phía Trung Quốc đón tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm ngay sau thành công của Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc thể hiện tầm quan trọng đặc biệt của quan hệ giữa hai Đảng, hai nước. Hai nhà lãnh đạo cao nhất của hai Đảng gặp lại nhau sau 5 năm duy trì trao đổi chiến lược cấp cao, điều này có ý nghĩa quan trọng đối với chỉ đạo phát triển sau này của quan hệ hai Đảng, hai nước, cũng như quy hoạch hợp tác trong tương lai; đồng thời chắc chắn sẽ thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung-Việt thời đại mới thích ứng với yêu cầu của tình hình mới, đạt được những phát triển mới và vươn lên tầm cao mới trong thời đại mới.
Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba. Ảnh do Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam cung cấp. |
PV: Chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thành công tốt đẹp và đạt nhiều kết quả quan trọng. Theo Đại sứ, đâu là những điểm nổi bật nhất của chuyến thăm?
Đại sứ Hùng Ba: Trong thời gian chuyến thăm, xuất phát từ đại cục phát triển quan hệ Trung-Việt và diễn biến phức tạp của tình hình quốc tế, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã tăng cường trao đổi chiến lược, thông báo cho nhau về tình hình gần đây và những thành quả quan trọng trong phát triển sự nghiệp của mỗi Đảng, mỗi nước; khẳng định ủng hộ nhau vững bước đi lên con đường xã hội chủ nghĩa, thực hiện mục tiêu phát triển đất nước trung và dài hạn mà hai Đảng đã xác định.
Hai bên nhấn mạnh, hai nước Trung-Việt vững bước đi lên con đường xã hội chủ nghĩa sẽ góp phần quan trọng cho hòa bình và sự nghiệp tiến bộ của nhân loại, chỉ rõ tầm ảnh hưởng của quan hệ Trung-Việt vượt xa khuôn khổ song phương, có ý nghĩa quan trọng với thế giới. Hai bên đã ra Tuyên bố chung bao gồm 13 nội dung quan trọng, ký kết 13 văn kiện hợp tác trên các lĩnh vực gồm kênh đảng, kinh tế-thương mại, bảo vệ môi trường, văn hóa và du lịch, tư pháp, hải quan, địa phương... có chất lượng rất cao, thể hiện đầy đủ sự phát triển trình độ cao của quan hệ Trung-Việt.
Trung Quốc coi trọng cao độ chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đón tiếp với nghi thức cao nhất, đưa ra hàng loạt sắp xếp lễ tân đặc biệt. Chuyến thăm vừa qua của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là chuyến thăm của nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên mà Trung Quốc tiếp đón sau Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đồng thời là chuyến thăm chính thức của nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên mà Trung Quốc tiếp đón trong gần 3 năm qua kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Đó cũng là lần đầu tiên sau gần 3 năm Quảng trường Thiên An Môn ở thủ đô Bắc Kinh vang lên tiếng đại bác nghi lễ, tổ chức lễ đón và duyệt đội danh dự. Ngoài buổi hội đàm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình còn mời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự tiệc trà thân mật-điều rất hiếm gặp trong các buổi tiếp đón các nhà lãnh đạo nước ngoài.
Điểm sáng lớn nhất trong chuyến thăm là việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã trao Huân chương Hữu nghị nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tặng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Huân chương này có ý nghĩa vô cùng lớn, chỉ dành trao tặng những nhân sĩ đức cao vọng trọng và có đóng góp quan trọng cho việc thúc đẩy, phát triển quan hệ hữu nghị giữa Trung Quốc với các quốc gia khác cũng như với sự nghiệp tiến bộ của nhân loại. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình cho biết, việc trao tặng huân chương này thể hiện tình cảm tốt đẹp của Đảng Cộng sản Trung Quốc và nhân dân Trung Quốc đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và nhân dân Việt Nam. Phía Trung Quốc tin chắc rằng, dưới sự định hướng chiến lược của các nhà lãnh đạo cao nhất hai Đảng, quan hệ Trung-Việt sẽ luôn luôn giữ đúng phương hướng và không ngừng đạt được những bước phát triển mới.
PV: Trong chuyến thăm, lãnh đạo hai nước đã nhất trí thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc phát triển lâu dài, lành mạnh, ổn định trong thời đại mới. Theo Đại sứ, những lĩnh vực nào mà hai bên có thể tập trung khai thác và đẩy mạnh nhằm đóng góp cho mục tiêu này?
Đại sứ Hùng Ba: Trong cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo cao nhất hai Đảng và trong Tuyên bố chung, hai bên đã đưa ra thiết kế tầng đỉnh và định hướng chiến lược cho sự phát triển của quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung-Việt trong thời đại mới. Thời gian tới, Trung Quốc sẵn sàng cùng Việt Nam tăng cường phối hợp trong một số phương diện sau để thực hiện tốt nhận thức chung của lãnh đạo hai Đảng và thành quả chính trị quan trọng của chuyến thăm lần này.
Một là nắm vững định hướng chính trị. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình chỉ rõ, đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và quan hệ Trung-Việt, kiên trì định hướng chính trị đúng đắn là ưu tiên hàng đầu. Trung Quốc sẵn sàng cùng Việt Nam tiếp tục kiên trì vai trò định hướng chính trị của giao lưu cấp cao, kịp thời trao đổi ý kiến về các vấn đề quan trọng của quan hệ song phương. Duy trì vận hành hiệu quả các cơ chế giao lưu hợp tác như kênh đảng, ngoại giao, quân đội và cảnh sát, cơ quan lập pháp, tổ chức chính hiệp, chính quyền địa phương, đặc biệt là các tỉnh giáp biên giới; tiếp tục tăng cường giao lưu và học hỏi lẫn nhau kinh nghiệm quản lý đất nước; kiên định ủng hộ chương trình nghị sự chính trị quan trọng của nhau; không ngừng làm sâu sắc hơn việc giao lưu và học hỏi kinh nghiệm quản lý đất nước, cùng tăng cường sâu sắc nhận thức đối với quy luật cầm quyền của Đảng Cộng sản, quy luật xây dựng chủ nghĩa xã hội và quy luật phát triển xã hội của nhân loại, chung tay bảo vệ lợi ích chiến lược chung.
Thứ hai là thắt chặt quan hệ kinh tế, đẩy nhanh kết nối chiến lược phát triển và thúc đẩy kết nối xây dựng cơ sở hạ tầng của hai nước, cùng xây dựng hệ thống chuỗi sản xuất và chuỗi cung ứng ổn định, an toàn hơn. Trung Quốc đã bước vào giai đoạn phát triển mới, đang dốc sức xây dựng bố cục phát triển mới “lấy tuần hoàn lớn trong nước làm chủ thể, tuần hoàn kép trong nước và quốc tế thúc đẩy lẫn nhau”. Việt Nam đang thực hiện nghị quyết của Đại hội XIII Đảng Cộng sản Việt Nam, coi thúc đẩy công nghiệp hóa là chiến lược phát triển đất nước, nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi và nâng cấp ngành nghề. Trung Quốc sẵn sàng tăng cường hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực phát triển xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, kinh tế số... và ủng hộ Việt Nam thực hiện quá trình chuyển đổi, nâng cấp, không ngừng xây dựng điểm tăng trưởng mới trong hợp tác đầu tư kinh tế-thương mại song phương.
Thứ ba là phát huy tình hữu nghị truyền thống. Trong đó, tiếp tục đề cao vai trò quan trọng của nhân dân hai nước trong giao lưu hữu nghị, hướng đến tương lai; kiên trì, bền bỉ, tận dụng tốt tài nguyên đỏ quý báu trong lịch sử giao lưu gần trăm năm giữa hai Đảng, kế thừa và phát huy tình hữu nghị truyền thống “vừa là đồng chí, vừa là anh em” do các nhà lãnh đạo tiền bối của hai nước dày công vun đắp; tăng cường giao lưu hữu nghị giữa nhân dân hai nước và thúc đẩy thế hệ trẻ hai nước biết nhau, hiểu nhau, gần gũi với nhau; làm sâu sắc hợp tác trong các lĩnh vực văn hóa, du lịch, báo chí, tuyên truyền... để xây dựng bầu không khí dư luận tốt đẹp; không ngừng củng cố vững chắc nền tảng ý dân và nền tảng xã hội trong quan hệ hai nước.
PV: Trân trọng cảm ơn Đại sứ!