Đề xuất bổ sung thẩm quyền của Quốc hội trong xem xét kết quả giám sát
Sáng 29-11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Phát biểu điều hành phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, dự án luật đã được Quốc hội thảo luận tại tổ trong phiên họp chiều 22-11 với 96 lượt ý kiến tham gia.
Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Ảnh: TRỌNG HẢI |
Trên cơ sở các báo cáo, tờ trình và kết quả tổng hợp ý kiến thảo luận tại tổ của các vị đại biểu Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Quốc hội cho ý kiến với 9 nội dung lớn, trong đó có đề xuất bổ sung thẩm quyền của Quốc hội trong việc xem xét kết quả giám sát.
Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, dự thảo luật nêu 2 phương án để đại biểu Quốc hội cho ý kiến về vấn đề này. Phương án 1 là căn cứ kết quả giám sát, Quốc hội yêu cầu Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành văn bản giải thích Hiến pháp, pháp luật, pháp lệnh. Phương án 2 là giữ như quy định hiện hành.
Thảo luận về nội dung này, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) thống nhất với ý kiến của Ủy ban Pháp luật là không sửa đổi quy định hiện hành.
Phạm Văn Hòa (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) phát biểu. Ảnh: TRỌNG HẢI |
“Hiện, việc giải thích Hiến pháp là rất cụ thể, rõ ràng và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng quy định rõ là giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội tự mình hoặc theo đề xuất của Chủ tịch nước, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tòa án, Viện kiểm sát, Kiểm toán, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan trung ương nếu thấy cần thiết thì đề xuất Quốc hội xem xét để giải thích Hiến pháp và pháp luật. Việc này Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định rất rành mạch, cụ thể, rõ ràng về trách nhiệm, quyền hạn của Thường vụ, cho nên tôi nghĩ rằng việc sửa đổi nội dung này như vậy đề nghị cần xem lại. Tôi thống nhất là thực hiện theo phương án 2”, đại biểu Phạm Văn Hòa nói.
Tương tự, đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình) đề nghị chọn phương án 2 là giữ nguyên như quy định của khoản 1 Điều 21 luật hiện hành.
Tuy nhiên, đại biểu Trần Khánh Thu đề xuất xem xét thêm việc giám sát văn bản quy phạm pháp luật. Đây là nội dung giám sát hết sức quan trọng, giúp xem văn bản được ban hành có đúng thẩm quyền không, ban hành có kịp thời hay không, nội dung có đúng, có rõ để thực hiện hay không…
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: TRỌNG HẢI |
“Trong các kỳ họp Quốc hội, chúng ta đều được nghe báo cáo việc thực hiện ban hành văn bản quy phạm pháp luật, những luật ban hành đến vài năm chưa có đầy đủ các hướng dẫn cũng như các quy định và các văn bản hướng dẫn bên dưới. Trong các kỳ giám sát của các đoàn đại biểu Quốc hội thì hầu hết các bộ, ngành, cơ quan có những tồn tại, vướng mắc đều nêu là do vướng mắc của các chính sách”, đại biểu Trần Khánh Thu nói.
Cũng theo đại biểu Trần Khánh Thu, trong giai đoạn vừa qua, các Ủy ban của Quốc hội đã thực hiện khá tốt việc giám sát văn bản quy phạm pháp luật với chứng minh về số lượng các văn bản chậm ban hành giảm đi qua các kỳ báo cáo.
Thời gian tới, các đoàn đại biểu Quốc hội của các địa phương sẽ thực hiện giám sát việc này ở tại các địa phương. “Đây là một đổi mới tư duy xây dựng luật pháp và đòi hỏi công tác giám sát phải tăng cường giám sát các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành của người có thẩm quyền từ khi dự thảo, không phải thực hiện xong mới giám sát. Nội dung này là một trong những nội dung khá mới, tuy nhiên trong dự thảo luật tôi thấy đề cập đến vẫn còn khá hạn chế, đề nghị Ban soạn thảo xem xét để bổ sung, cập nhật thêm”, đại biểu Trần Khánh Thu đánh giá.
Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình) nhất trí giữ nguyên quy định hiện hành. Đại biểu nêu quan điểm, việc giải thích luật đã được quy định tại Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
“Việc giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh phải xuất phát từ thực tiễn thi hành luật khi thấy có nội dung chưa rõ và còn những cách hiểu khác nhau cần được giải thích, làm rõ để áp dụng cho thống nhất. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng đã quy định rất cụ thể về thẩm quyền, nguyên tắc, trình tự, thủ tục giải thích Hiến pháp, pháp luật”, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga nói.
CHIẾN THẮNG