Đề xuất thu hẹp hình phạt tử hình, bổ sung hình phạt tù chung thân không xét giảm án
Sáng 20-5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XV, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi).
Trình bày tờ trình về dự án luật, Đại tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, dự thảo luật bổ sung hình phạt tù chung thân không xét giảm án là hình phạt chính; đồng thời bổ sung các nội dung có liên quan đến việc bổ sung hình phạt này. Bên cạnh đó, sửa đổi, bổ sung để thu hẹp hình phạt tử hình.
![]() |
Đại tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an trình bày tờ trình dự án luật. Ảnh: TRỌNG HẢI |
Trong đó, dự kiến bỏ hình phạt tử hình và thay thế bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án (vẫn bảo đảm cách ly người phạm tội ra khỏi đời sống xã hội) tại 8/18 tội danh (44,44%) có khung hình phạt tử hình ở Bộ luật Hình sự hiện hành.
Cụ thể: Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; tội gián điệp; tội phá hoại cơ sở vật chất-kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; tội vận chuyển trái phép chất ma túy; tội tham ô tài sản; tội nhận hối lộ; tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược.
Dự kiến bổ sung hình phạt tù chung thân không xét giảm án đối với 10/18 tội danh còn duy trì hình phạt tử hình. Sửa đổi một số quy định khác liên quan đến hình phạt tử hình: Bổ sung trường hợp không thi hành án tử hình đối với người mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối, người nhiễm HIV đã chuyển giai đoạn AIDS, cơ thể đang có nhiễm trùng cơ hội.
Nâng mức hình phạt tù, hình phạt tiền đối với một số tội danh để bảo đảm tính răn đe, nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, kịp thời bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, công dân, phù hợp với các quy định pháp luật quốc tế. Trong đó có tội phạm về môi trường, hàng giả, an toàn thực phẩm, tham nhũng, ma túy và bổ sung tội sử dụng trái phép chất ma túy.
![]() |
Quang cảnh phiên họp của Quốc hội sáng 20-5. Ảnh: TRỌNG HẢI |
Thẩm tra dự án luật, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự. Đối với dự kiến bỏ hình phạt tử hình tại một số tội danh, cơ quan chủ trì thẩm tra có hai loại ý kiến: Loại ý kiến thứ nhất tán thành việc bỏ hình phạt tử hình và thay thế bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án tại 8 tội danh có khung hình phạt tử hình như đề xuất của Chính phủ.
Loại ý kiến thứ hai tán thành chủ trương tiếp tục xem xét bỏ hình phạt tử hình ở các tội danh còn hình phạt này trong Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, việc xem xét bỏ hình phạt này ở tội danh nào trong lần sửa đổi, bổ sung này cần cân nhắc kỹ, tránh tác động tới hiệu quả răn đe, phòng ngừa và xử lý tội phạm. Đề nghị cân nhắc thận trọng việc bỏ hình phạt tử hình đối với tội tham ô, tội nhận hối lộ, tội vận chuyển trái phép chất ma túy. Đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tán thành với loại ý kiến thứ hai.
Về bổ sung hình phạt tù chung thân không xét giảm án là hình phạt chính, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội có hai loại ý kiến: Loại ý kiến thứ nhất tán thành việc bổ sung hình phạt tù chung thân không xét giảm án đối với 18 tội danh như quy định của dự thảo Luật. Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị rà soát tất cả các tội đặc biệt nghiêm trọng, trong đó có các tội có quy định hình phạt tử hình trước thời điểm năm 2015 để quy định bổ sung hình phạt tù chung thân không xét giảm án, bảo đảm tính đồng bộ trong chính sách hình sự. Đa số ý kiến của Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội tán thành loại ý kiến thứ nhất.
![]() |
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra dự án luật. |
Loại ý kiến thứ hai tán thành quan điểm của Chính phủ về yêu cầu kết hợp đồng bộ giữa việc tiếp tục bỏ hình phạt tử hình với việc bổ sung các biện pháp xử lý nghiêm khắc. Tuy nhiên, việc bổ sung hình phạt tù chung thân không xét giảm án như một hình phạt độc lập trong hệ thống hình phạt là không hợp lý, vì thực tế hình phạt mới này không khác biệt nhiều so với hình phạt tù chung thân; tạo ra sự thiếu nhất quán trong chính sách hình sự và làm giảm tính hiệu quả áp dụng hình phạt. Do đó, loại ý kiến này đề nghị không bổ sung hình phạt này, mà nên xem xét bổ sung quy định các trường hợp không xét giảm án đối với người bị kết án tù chung thân, tương tự như quy định của Luật Đặc xá về các trường hợp không được đề nghị đặc xá.
Về việc bổ sung tội sử dụng trái phép chất ma túy, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội có hai loại ý kiến: Loại ý kiến thứ nhất tán thành việc bổ sung tội danh này, vì hiện nay tình trạng người sử dụng trái phép chất ma túy có xu hướng tăng cao. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật, trong đó có những vụ án đặc biệt nghiêm trọng.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị không bổ sung tội danh này, vì đã từng được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 1999 và được bãi bỏ từ năm 2010 do người sử dụng chất ma túy được pháp luật coi là người bệnh. Việc xử lý người sử dụng ma túy ở Việt Nam chủ yếu bằng biện pháp xử phạt hành chính, kết hợp hỗ trợ điều trị cai nghiện; đồng thời việc không xử lý hình sự người sử dụng trái phép chất ma túy là phù hợp với chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước, không mâu thuẫn với các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Đa số ý kiến của Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội tán thành với loại ý kiến thứ hai.
Bên cạnh đó, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội cơ bản tán thành việc nâng mức hình phạt tù đối với một số tội phạm về môi trường, về ma túy và vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, kịp thời bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.
MẠNH HƯNG