Tiêu điểm
Thứ tư, 23/07/2025 - 00:19
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hà Nội: Công tác, xây dựng cải tạo chợ chưa theo kịp kế hoạch Thành phố

TP. Hà Nội đặt mục tiêu giai đoạn 2021-2025 xây mới, cải tạo 310 chợ, nhưng đến nay tiến độ vẫn chưa đáp ứng yêu cầu.

Tỷ lệ thanh toán không tiền mặt hộ kinh doanh trong chợ đạt 96 – 100% 

Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, hiện nay, trên địa bàn Thành phố có 457 chợ; 2 chợ đầu mối và 5 chợ đang hoạt động có tính chất đầu mối. Tháng 1/2025 Sở Công Thương Hà Nội đã trình UBND Thành phố phê duyệt phân hạng cho 2 chợ xây mới: chợ Bích Hòa Dịch vụ Thương mại và chợ dân sinh xã Minh Châu.

Chợ Nghĩa Tân, TP. Hà Nội. Ảnh: Minh họa

Chợ Nghĩa Tân, TP. Hà Nội. Ảnh: Minh họa

Đến nay, trên toàn địa bàn Thành phố đã thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ được 176/457 chợ (đạt 38,5%); các chợ còn lại do Ban quản lý chợ quản lý hoặc do Tổ quản lý chợ quản lý hoặc xã, phường, thị trấn trực tiếp quản lý. Đồng thời, đã phê duyệt giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng được 383 chợ trong tổng số 426 chợ đã được UBND Thành phố phân hạng (đạt 90%).

Sở Công Thương cũng đã phối hợp với các đơn vị vận động, khuyến khích các hộ kinh doanh tại chợ trên địa bàn tiếp cận và sử dụng các hình thức bán hàng trực tuyến, tham gia bán hàng qua các sàn thương mại điện tử lớn tham gia thanh toán không dùng tiền mặt nhằm giúp tiểu thương kết nối với bạn hàng, duy trì, mở rộng kinh doanh hiệu quả. Đến nay, 96-100% các hộ kinh doanh trong chợ, tuyến phố thương mại sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Đầu tư cải tạo hệ thống chợ chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra

Nhằm cải tạo xây mới hệ thống chợ truyền thống, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 228/KH-UBND ngày 12/10/2021 về kế hoạch phát triển và quản lý chợ trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021 - 2025. Kế hoạch đưa ra mục tiêu đầu tư xây dựng mới, xây dựng lại 141 chợ, trong đó có 6 chợ đầu mối; dự kiến nâng cấp, cải tạo, sửa chữa 169 chợ.

Theo Sở Công Thương Hà Nội, đến nay có 9 chợ đã hoàn thành công tác đầu tư xây dựng đã được phân hạng và đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị phân hạng; 9 chợ đang hoàn thiện nốt hạng mục công trình dự kiến hoàn thành trong năm 2025; 15 chợ đã hoàn thành thủ tục đầu tư, dự kiến Khởi công trong năm 2025, hoàn thành năm 2026. Các dự án chợ còn lại đang trong giai đoạn báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư; báo cáo thông qua HĐND; nghiên cứu xây dựng phương án đầu tư, cân đối ngân sách…

Về cải tạo, nâng cấp chợ , 41 chợ đã hoàn thành cải tạo, nâng cấp; 20 chợ đang trong giai đoạn thi công dự kiến hoàn thành trong năm 2025; 2 chợ chờ quy hoạch lại khu tập thể.

Nhìn chung, công tác đầu tư xây dựng, cải tạo chợ trên địa bàn chưa được quan tâm một cách đầy đủ nên việc đầu tư, cải tạo, sửa chữa theo kế hoạch Thành phố ban hành giai đoạn 2021-2025 và hàng năm chưa đảm bảo đúng tiến độ đề ra.

Việc rà soát đảm bảo tính khả thi cũng như việc hoàn thiện hồ sơ về đất đai, tài sản công đối với các chợ đã đưa vào Kế hoạch chuyển đổi mô hình quản lý của các địa phương theo chỉ đạo của UBND Thành phố chưa được quan tâm triển khai, do đó Công tác chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh khai thác chợ giai đoạn 2022 2025 trên địa bàn còn chậm. Đến nay, chưa có chợ nào được phê duyệt Phương án chuyển đổi.

Ông Phùng Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND phường Đại Mỗ cho biết, mặc dù Nhà nước đã đồng ý sử dụng một phần vốn ngân sách đầu tư xây dựng chợ, nhưng trong quá trình triển khai gặp rất nhiều khó khăn như về giá đất, tiền thuê đất. Việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ cũng không dễ dàng do gặp nhiều vướng mắc liên quan đến đầu tư xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền thuê đất…

Đề nghị các Sở, ngành vào cuộc gỡ khó trong cải tạo, phát triển chợ

Nhằm gỡ khó cho hoạt động cải tạo, xây mới hệ thống chợ, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp kiến nghị Bộ Tài chính tham mưu cơ chế hỗ trợ (về miễn, giảm tiền thuê đất, về ưu đãi lãi suất cho vay đối với đầu tư xây dựng chợ) đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia đầu tư xây dựng, quản lý, kinh doanh, khai thác chợ đảm bảo giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, hợp tác xã; tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện thu giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ tương đương với mức thu áp dụng khi chợ đang do nhà nước quản lý đảm bảo an sinh, ổn định xã hội.

Đồng thời, đề nghị HĐND, UBND Thành phố quan tâm xem xét bố trí kinh phí đầu tư công trong lĩnh vực chợ để đảm bảo nguồn kinh phí đầu tư, cải tạo chợ theo danh mục và tiêu chí tại các Chương trình của Thành ủy đã đề ra.

Bên cạnh đó, đề nghị Sở Tài chính hướng dẫn, xử lý các khó khăn vướng mắc của các đơn vị hành chính cơ sở liên quan đến công tác đầu tư xây mới chợ trên địa bàn; tham mưu UBND Thành phố phương án giải quyết đối với các dự án chợ đang đầu tư xây dựng bằng nguồn ngân sách có vướng mắc về cơ chế, chính sách.

Sở Tài chính, Chi cục Thuế khu vực I, Sở Nông nghiệp và Môi trường đề xuất báo cáo UBND Thành phố hoặc cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ, giải quyết các khó khăn vướng mắc cho các chợ về tiền thuê đất theo quy định tại Luật đất đai; hướng dẫn các đơn vị hành chính cơ sở xác định giá trị tài sản trên đất, xử lý thanh toán tài sản có nguồn gốc từ vốn ngân sách trong quá trình chuyển đổi mô hình quản lý chợ; hoàn thành hồ sơ pháp lý về đất đai.

Tại buổi làm việc với Sở Công Thương về tình hình triển khai các nhiệm vụ công tác chuyên môn 6 tháng đầu năm và tháo gỡ các khó khăn vướng mắc liên quan diễn ra chiều 10/7, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu các quận huyện phối hợp với Sở Công Thương Hà Nội đẩy mạnh hoạt động nâng cấp cải tạo chợ theo hướng trở thành chợ đầu mối phân phối hàng hóa.

Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động xây dựng hệ thống chợ hiện đại theo chương trình 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021-2025.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật