Khám phá hầm trú ẩn hơn 130 năm ở khu hồ Hoàn Kiếm
Nằm lặng lẽ bên trong tòa nhà của Tổng công ty Điện lực miền Bắc, số 20 Trần Nguyên Hãn, cạnh hồ Hoàn Kiếm, ít ai biết nơi đó có một căn hầm trú ẩn được xây dựng cách đây hơn 130 năm.
Căn hầm này được phát hiện khi Tổng công ty Điện lực miền Bắc tiến hành tu sửa trụ sở vào năm 2019. Trước đó, toàn bộ căn hầm nằm sâu dưới đất, lại thuộc khu vực bịt kín lối ra vào, nên không ai biết. Kể từ đó, căn hầm được Tổng công ty Điện lực miền Bắc vệ sinh sạch sẽ, giữ nguyên trạng.
![]() |
Khoảng sân trước lối vào hầm trú ẩn ở số 20 Trần Nguyên Hãn (Hà Nội). |
![]() |
Cửa xuống hầm nhỏ, chỉ vừa một người bò qua. |
Trên tấm bảng năm 2019 đề trước cửa hầm ghi rõ những dấu mốc quan trọng và ý nghĩa lịch sử của căn hầm:
“Hầm trú ẩn được xây dựng cùng thời gian với tòa nhà biệt thự của Pháp (khoảng hơn 125 năm) trong khuôn viên của Nhà máy đèn Bờ Hồ.
Chắc không ai trong chúng ta có thể quên được cuộc chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ trên miền Bắc, khi những công trình điện là một trong những trọng điểm thường xuyên bị địch đánh phá, ở đâu có ánh sáng điện đều trở thành mục tiêu của kẻ thù.
Hà Nội trở thành điểm nóng trong những trận oanh tạc của máy bay Mỹ. “Tất cả đều cần có điện, Tổ quốc cần điện như cơ thể cần máu”, “Trái tim người thợ điện còn đập thì dòng điện không bao giờ tắt”. Những lời kêu gọi hào hùng đó đã giúp cho các chiến sĩ - công nhân Nhà máy đèn Bờ Hồ không quản khó khăn, nguy hiểm, dũng cảm hy sinh, vượt qua bom rơi, đạn nổ để bảo vệ công trình điện, khắc phục nhanh hậu quả sau mỗi đợt địch đánh phá, để giữ cho dòng điện tiếp tục tỏa sáng, phục vụ yêu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân Thủ đô.
Trong chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, đặc biệt là những trận ném bom rải thảm hủy diệt B-52 của Mỹ từ năm 1968 đến năm 1972, căn hầm này đã trở thành nơi trú ẩn của những thợ điện Bờ Hồ và là nơi chỉ đạo điều hành hệ thống điện Hà Nội.
Cũng chính căn hầm này là nơi chỉ huy những chiến sĩ công nhân ngành điện chiến đấu bảo vệ nhà máy trong những trận bom của kẻ thù”.
Phóng viên Báo Quân đội nhân dân trực tiếp khám phá căn hầm trú ẩn ở số 20 Trần Nguyên Hãn.
![]() |
Hầm được khóa lại bằng một cửa sắt đã hoen gỉ theo thời gian. |
Hiện tại, hầm trú ẩn được Tổng công ty Điện lực miền Bắc quy hoạch thành một khu riêng biệt. Ngay lối vào cửa hầm được lát đá mảnh, trồng hoa. Lối vào cửa hầm khá nhỏ, chỉ vừa một người quay mặt lại trườn xuống. Ngay khi xuống đến hầm có cửa sắt khóa lại.
Bên trong hầm trú ẩn được ngăn thành 4 phần với 2 ngăn nhỏ và 2 phòng lớn hơn có diện tích khoảng 6-7m2. Các phòng ngăn cách nhau bởi bức tường dày, kiên cố. Trong đó, 2 phòng giữa có chiều ngang hơn 2m, chiều dọc gần 3m.
![]() |
Trong hầm được chia thành nhiều phòng nhỏ. |
![]() |
Trong hầm treo một số ảnh lịch sử về ngành điện nhưng đã nhuốm màu thời gian. |
Ở trong hầm được Tổng công ty Điện lực miền Bắc lắp đặt thêm hệ thống điện và bóng đèn chiếu sáng. Trên tường hầm có treo một số bức ảnh về lịch sử ngành điện. Lối cửa ra lên mặt đất có 5 bậc thang với bề ngang khoảng 70cm.
Vừa qua, Hà Nội đã quyết định di dời 12 trụ sở cơ quan, tổ chức và 35 hộ dân trước ngày 2-9 để thực hiện việc xây dựng công viên ở khu vực phía Đông hồ Hoàn Kiếm, trong đó có trụ sở Tổng công ty Điện lực miền Bắc.
![]() |
Các lối đi trong hầm được vệ sinh sạch sẽ. |
![]() |
Lối ra và vòm căn hầm được sửa chữa lại kiên cố, vững chắc. |
Theo một số nhà nghiên cứu văn hóa thì việc di dời các trụ sở khi quy hoạch lại không gian phía Đông hồ Hoàn Kiếm là điều tất yếu, phù hợp với tiến trình phát triển đô thị. Tuy nhiên, với căn hầm trú ẩn có dấu tích lịch sử, ghi lại những năm tháng không thể quên ở Hà Nội thời chống Mỹ nên được các cơ quan chức năng và TP Hà Nội xem xét bảo tồn và đưa vào khai thác du lịch ở Thủ đô. Để hầm trú ẩn trở thành một điểm tham quan du lịch của du khách trong và ngoài nước mỗi khi có dịp đến Hà Nội.
Bài và ảnh: DUY THÀNH