A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Làm rõ 5 thách thức cho mục tiêu tăng trưởng 7% trong năm 2024

Chính phủ đã quyết nghị kịch bản tăng trưởng năm 2024 phấn đấu ở mức cận trên là 6,5-7%, cao hơn nhiều so với dự báo của các tổ chức quốc tế.

Mục tiêu tăng trưởng cao hơn nhiều dự báo

Tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương mới đây, Chính phủ đã quyết nghị kịch bản tăng trưởng năm 2024 phấn đấu ở mức cận trên là 6,5-7%, cao hơn mục tiêu 6-6,5% tại Nghị quyết của Quốc hội.

Mục tiêu này cũng cao hơn nhiều so với dự báo của các tổ chức quốc tế như: Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng Việt Nam năm 2024 là 5,8%, Ngân hàng Thế giới (WB) là 5,5%, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) là 6%...

Làm rõ 5 thách thức cho mục tiêu tăng trưởng 7% trong năm 2024
Chính phủ đã quyết nghị kịch bản tăng trưởng năm 2024 phấn đấu ở mức cận trên là 6,5-7%, cao hơn mục tiêu 6-6,5% tại Nghị quyết của Quốc hội (Ảnh: Hòa Phát)

Phát biểu tại hội nghị sơ kết 6 tháng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư diễn ra mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024 có ý nghĩa vô cùng quan trọng, đây cũng là yêu cầu khi xây dựng kế hoạch năm 2025, đúng theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là: Năm sau phải đạt kết quả tốt hơn, cao hơn năm trước.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5-7% trong năm 2024 là không hề đơn giản, nhất là trong bối cảnh tình hình thời gian tới dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, từ cả bên ngoài và bên trong nền kinh tế.

Trong đó, về thách thức bên ngoài, trên thế giới, các “điểm nóng” về xung đột quân sự, bất ổn chính trị, xu hướng bảo hộ, cạnh tranh chiến lược nước lớn ngày càng phức tạp, khó lường; triển vọng tăng trưởng và ổn định kinh tế toàn cầu còn nhiều nguy cơ, rủi ro, khó khăn, thách thức. Cùng với đó là những tác động nặng nề của thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, các vấn đề an ninh năng lượng, lương thực, phi truyền thống, đói nghèo…

Trong nước, nền kinh tế vẫn đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, trong đó nổi lên 5 vấn đề, bao gồm: Thứ nhất, áp lực tăng trưởng cả năm 2024 và năm 2025 là rất lớn, năm sau phải phấn đấu cao hơn năm trước để đạt cao nhất kết quả Kế hoạch 5 năm 2021-2025.

Thứ hai, công tác chỉ đạo, điều hành tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, nhất là trong kiểm soát lạm phát, tỷ giá, ổn định kinh tế vĩ mô do tác động từ bên ngoài và để đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển của đất nước, kỳ vọng của nhân dân.

Thứ ba, tình hình sản xuất kinh doanh còn khó khăn. Đầu tư tư nhân phục hồi chậm; sức mua trong nước tăng chậm; chi phí sản xuất tăng cao; nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải sang nhượng, trả lại mặt bằng thuê tại các trung tâm thương mại, tuyến phố trung tâm.

Doanh nghiệp còn lúng túng, gặp khó khăn trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn mới, tiêu chuẩn xanh, phát thải các-bon… để duy trì sức cạnh tranh, đơn hàng tại thị trường xuất khẩu. Thị trường bất động sản bước đầu ổn định, nhưng khó khăn, vướng mắc còn chậm được giải quyết.

Thứ tư, các ngành, lĩnh vực mới như kinh tế số, kinh tế xanh, AI, chíp, bán dẫn… chưa có chuyển biến rõ nét, nguy cơ không bắt kịp được với thế giới và khu vực.

Thứ năm, thể chế, chính sách, quy định pháp luật còn nhiều vấn đề cần tháo gỡ. Tổ chức thực thi chính sách, pháp luật vẫn là khâu yếu; phân cấp, phân quyền trong một số lĩnh vực, một số cơ quan, địa phương còn vướng mắc.

“Vẫn còn tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, thờ ơ, vô cảm, nhũng nhiễu, gây phiền hà…” – Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

Làm rõ 5 thách thức cho mục tiêu tăng trưởng 7% trong năm 2024
Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực, ứng dụng công nghệ mới, sử dụng năng lượng sạch, chuyển đổi mô hình sản xuất nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5-7% (Ảnh: Nguyễn Hòa)

Hóa giải thách thức bằng nhiều nhiệm vụ trọng tâm

Để hóa giải những thách thức cho nền kinh tế những tháng cuối năm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nêu một số nhiệm vụ chủ yếu ngành kế hoạch và đầu tư cần thực hiện trong 6 tháng cuối năm.

Trong đó, bên cạnh nêu cao tinh thần quyết tâm cải cách, lấy thể chế làm khâu đột phá, tạo động lực cho phát triển, ngành Kế hoạch và Đầu tư xác định sẽ đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, xác định khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp cũng là khó khăn, vướng mắc của mình để tham mưu, đề xuất xử lý, tháo gỡ.

Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ rà soát, sửa đổi ngay các quy định, thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật… không phù hợp với thực tế, không cần thiết cho quản lý nhà nước, gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp. Đẩy nhanh việc tháo gỡ, giải quyết, xử lý các dự án, đất đai tồn đọng để giải phóng nguồn lực cho phát triển.

Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực, ứng dụng công nghệ mới, sử dụng năng lượng sạch, chuyển đổi mô hình sản xuất… để đáp ứng tiêu chuẩn mới của các thị trường xuất khẩu, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu nước ta.

Tập trung xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp quy mô lớn nhằm phát huy vai trò tiên phong trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng, có lợi thế cạnh tranh và khả năng dẫn dắt quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.

Cùng với đó, tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; tạo điều kiện, môi trường để thu hút đầu tư tư nhân, vốn FDI.

Tiếp tục tập trung tham mưu chỉ đạo, đôn đốc và hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, kiên quyết điều chuyển vốn từ các dự án chậm tiến độ sang các dự án có khả năng thực hiện. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2025, giai đoạn 2026-2030 gắn với các nghị quyết của Bộ Chính trị, quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng và địa phương và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5-7% trong năm 2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng xác định, sẽ nâng cao năng lực phân tích, dự báo và thống kê, đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu về tính kịp thời, chính xác, khách quan, đầy đủ và chất lượng công tác tham mưu, điều hành kinh tế vĩ mô. Mục tiêu nhất quán là ưu tiên, thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng gắn với củng cố, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, thúc đẩy mạnh mẽ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; xây dựng, hoàn thiện hệ thống ngành kinh tế xanh, quy định về chuyển đổi xanh, cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn.

Nghiên cứu các gói chính sách với quy mô đủ lớn, phù hợp, khả thi để hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như chíp, bán dẫn, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Mục tiêu chiến lược là xanh hóa nền kinh tế, “bắt kịp, tiến cùng và vượt lên”, tạo vị thế dẫn đầu cho nước ta trong các xu thế mới về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…, đặc biệt trong bối cảnh nhiều nước đã ban hành các gói chính sách quy mô lớn để thúc đẩy các ngành, lĩnh vực này.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật