Phòng chống kháng thuốc là vấn đề chung của đa ngành
Trong 2 ngày 14 và 15-1 tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Y tế tổ chức Hội nghị về phối hợp đa ngành phòng chống kháng thuốc với chủ đề "Chia sẻ dữ liệu - Dẫn lối tương lai".
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, vấn đề phòng chống kháng kháng sinh (kháng thuốc) là vấn đề chung của toàn cầu phải đối phó và giải quyết hiện nay. Trong nhiều năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN-PTNT… luôn quan tâm đến công tác phòng chống kháng kháng sinh (phòng chống kháng thuốc). Đến nay, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ký Quyết định số 1121/QĐ-TTg ngày 25-9-2023 phê duyệt Chiến lược quốc gia về Phòng, chống kháng thuốc tại Việt Nam giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trước đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt Đề án phòng chống kháng thuốc giai đoạn 2021-2025.
Quang cảnh hội nghị |
Trong năm 2025, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phải xây dựng đề án Nâng cao nhận thức về chống kháng kháng sinh trong sản xuất của ngành nông nghiệp, đặc biệt là nông dân, người chăn nuôi, các doanh nghiệp. Bởi vì vấn đề nhận thức của cộng đồng trong phòng chống kháng thuốc hiện vẫn còn là một trở ngại, khó khăn trong đó các lãnh đạo các bộ, ban, ngành và chính quyền các địa phương. Cùng với đó, là việc xây dựng cơ chế, kế hoạch triển khai thực hiện việc phối hợp liên ngành, đa ngành, chính quyền từ trung ương đến địa phương, nông dân, doanh nghiệp trong việc triển khai thực hiện chống kháng thuốc. Ngành Thú y Việt Nam đã, đang, sẽ tiếp tục thực hiện cam kết chia sẻ thông tin công khai, minh bạch về tình hình dịch bệnh ở đàn vật nuôi, gia súc, gia cầm nhằm góp phần phòng chống hiệu quả và ngăn chặn tình trạng kháng thuốc.
Ông Nguyễn Văn Long nhấn mạnh: "Nếu hôm nay chúng ta không quyết liệt, quyết tâm thực hiện phòng chống kháng thuốc, chúng ta sẽ có lỗi với các thế hệ mai sau. Vì thế, việc ngăn chặn, phòng chống kháng thuốc, bảo vệ sức khỏe của giống nòi, người dân, của nhân loại ngày hôm nay và thế các thế hệ mai sau là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, trong đó có sự tham gia tích cực, chủ động của Việt Nam".
Các đại biểu tham dự hội nghị chụp ảnh lưu niệm |
Thạc sĩ Trương Lê Vân Ngọc, Trưởng phòng Nghiệp vụ-Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, Kế hoạch phòng chống kháng thuốc trong y tế năm 2024 và 2025 với mục tiêu chính: Làm chậm sự tiến triển kháng thuốc; Ngăn chặn, kiểm soát sự lây lan của các vi sinh vật, bệnh truyền nhiễm; đảm bảo sự sẵn có, liên tục các thuốc kháng vi sinh vật. Sử dụng thuốc kháng vi sinh vật hợp lý để điều trị hiệu quả các bệnh truyền nhiễm ở người và động vật, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe con người và động vật, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Mục tiêu cụ thể và chỉ tiêu đến 2025 là nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền địa phương và hiểu biết của nhân viên y tế, nhân viên thú y và người dân về phòng chống kháng thuốc. Theo đó, 50% số bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và tại mỗi tỉnh, thành phố tham gia; nâng cao năng lực cho 3 phòng xét nghiệm tham chiếu quốc gia về kháng thuốc và triển khai giám sát kháng thuốc của các vi sinh vật trong cộng đồng vào năm 2025: Ít nhất 90% cán bộ tham gia trong hệ thống giám sát quốc gia về kháng thuốc được tập huấn chuyên môn về kỹ thuật nuôi cấy, định danh và kháng sinh đồ và sử dụng, quản lý dữ liệu giám sát kháng thuốc.
Củng cố hệ thống giám sát kháng thuốc theo cách tiếp cận "Một sức khỏe" để cảnh báo kịp thời về sự xuất hiện, lan truyền, mức độ và xu hướng kháng thuốc của vi sinh vật; thiết lập hệ thống giám sát quốc gia sử dụng và tiêu thụ kháng sinh ở người...
Tin, ảnh: NGUYỄN KIỂM