Lời kêu gọi đoàn kết từ thông điệp liên bang của Tổng thống Mỹ
Tối 7-2 giờ New York, tức sáng 8-2 theo giờ Hà Nội, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đọc Thông điệp liên bang năm 2023, trong đó nhấn mạnh những thành tựu của lưỡng đảng cùng lời kêu gọi đoàn kết, trong bối cảnh Quốc hội Mỹ bị chia rẽ khi quyền lãnh đạo tại Hạ viện rơi vào tay Đảng Cộng hòa.
Dù không phải là chương trình hấp dẫn nhất trên truyền hình hay một sự kiện thể thao lớn, nhưng sự kiện Tổng thống Mỹ đọc thông điệp liên bang vẫn thu hút hàng triệu người xem mỗi năm, khiến nó trở thành một nền tảng quan trọng để các tổng thống Mỹ kết nối với cử tri. CNN cho hay, năm 2022 đã có tới 38 triệu người theo dõi buổi truyền hình trực tiếp bài phát biểu của ông Joe Biden trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống.
Còn theo nhận định của CBS News, Thông điệp liên bang năm 2023 là bài phát biểu được mong đợi bởi lẽ nó được coi là “bước chạy đà” trước khi ông Joe Biden tuyên bố chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2024, đồng thời là cơ hội hiếm có để ông Joe Biden trình bày trước hàng triệu cử tri trên khắp nước Mỹ về những thành công và mục tiêu của chính phủ do ông cầm quyền, cũng như đưa ra đánh giá về tình trạng nước Mỹ và con đường phía trước, đồng thời là cơ hội để ông thuyết phục các nghị sĩ phe đối lập cũng như các cử tri còn do dự ủng hộ những quyết sách của Đảng Dân chủ cầm quyền trong nửa nhiệm kỳ còn lại.
Với một động thái thể hiện tinh thần đoàn kết lưỡng đảng, Tổng thống Joe Biden đã mở đầu bài phát biểu bằng cách chúc mừng Chủ tịch Hạ viện mới đắc cử Kevin McCarthy của phe Cộng hòa. Ông Joe Biden cũng gửi lời chào tới lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện Hakeem Jeffries-lãnh đạo đảng người da màu đầu tiên trong Quốc hội Mỹ.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đọc thông điệp liên bang , ngày 7-2. Ảnh: CNN |
Thông điệp nổi bật trong bài phát biểu năm nay của Tổng thống Mỹ, theo nhận định của giới phân tích chính trị, là lời kêu gọi đoàn kết mà ông Joe Biden muốn gửi tới các thành viên lưỡng viện: “Chúng ta cần phải coi nhau là những người đồng hương Mỹ, chứ không phải coi nhau như đối thủ... Chúng ta là những người tốt và Mỹ là quốc gia được xây dựng dựa trên một ý tưởng thống nhất".
Trong suốt 45 phút đầu của bài phát biểu dài hơn một tiếng đồng hồ, Tổng thống Joe Biden dường như đã thành công trong việc tạo ra sự đồng thuận của các nghị sĩ lưỡng đảng khi đề cập tới tăng trưởng việc làm ở Mỹ, chiến sự ở Ukraine, thành công trong khống chế đại dịch Covid-19, đề xuất đánh thuế các tỷ phú, sự gia tăng sản xuất trong nước, cũng như sự phụ thuộc vào dầu mỏ và cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc. Ông Joe Biden nhấn mạnh, từ thực tế là sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ sau đại dịch, có thể khẳng định, Quốc hội Mỹ dù bị chia rẽ sâu sắc vẫn có thể vượt qua sự khác biệt. Tổng thống kêu gọi các thành viên của Đảng Cộng hòa hợp tác để cùng ông hoàn thành nỗ lực tái thiết nền kinh tế và đoàn kết quốc gia: “Người ta thường cho rằng Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa không thể làm việc cùng nhau. Nhưng trong hai năm qua, chúng tôi đã chứng minh rằng những người hoài nghi và phản đối đã sai”, Tổng thống Mỹ tuyên bố, không quên viện dẫn 300 đạo luật quan trọng đã được lưỡng đảng ủng hộ và thông qua trong nhiệm kỳ, bao gồm những đạo luật liên quan đến các vấn đề như cải thiện kết cấu hạ tầng, thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn trong nước và cải thiện lợi ích cho giới cựu chiến binh...
Liên quan đến lĩnh vực kinh tế, Tổng thống Joe Biden khẳng định, nền kinh tế số một thế giới đang ở vị thế tốt hơn để tăng trưởng so với bất cứ nền kinh tế nào, bất chấp tác động của đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột tại Ukraine. Trong hai năm qua, kinh tế Mỹ đang trên đà phục hồi với 12 triệu việc làm mới được tạo ra, nhiều hơn so với con số trong nhiệm kỳ 4 năm của bất kỳ tổng thống Mỹ nào. Báo cáo việc làm mới nhất cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 50 năm qua. Chính quyền của ông Joe Biden cũng ghi điểm nhờ những thành tựu trong đối phó với lạm phát và cải thiện kết cấu hạ tầng quốc gia. Nhân dịp này, Tổng thống Joe Biden cam kết nỗ lực xây dựng một nền kinh tế mà ở đó không còn ai bị bỏ lại phía sau.
Về chính sách đối ngoại, đề cập tới một trong những mối quan hệ thu hút đông đảo sự chú ý của công chúng Mỹ, Tổng thống Joe Biden tái khẳng định lập trường của Mỹ là "tìm kiếm cạnh tranh, không phải xung đột" trong quan hệ với Trung Quốc. Ông nhấn mạnh "cam kết hợp tác với Trung Quốc để thúc đẩy các lợi ích của Mỹ và mang lại lợi ích cho thế giới".
Sẽ không có gì đáng nói nếu như ở phần sau của bài phát biểu thông điệp liên bang, ông Joe Biden không vấp phải một số phản ứng, thậm chí là sự la ó từ một số nghị sĩ quá khích của phe Cộng hòa, khi ông chỉ trích một số nghị sĩ đảng này muốn cắt giảm an sinh xã hội và chương trình chăm sóc y tế (Medicare) để đổi lấy việc chấp thuận tăng trần nợ công cho Chính phủ Mỹ. Tuy nhiên, như CNN nhận định, đương kim Tổng thống đã có cách ứng xử phù hợp và thể hiện khả năng làm chủ tình huống khi có vấn đề nảy sinh để không làm đổ bể buổi lễ. Dĩ nhiên, sự kiện thành công cũng không thể không kể đến thái độ hợp tác và sự điềm tĩnh của tân Chủ tịch Hạ viện McCarthy, lãnh đạo phe Cộng hòa đối lập, người đã chứng tỏ vai trò cầm cân nảy mực khi kiềm chế thành công những phản ứng không mấy dễ chịu từ phía các nghị sĩ Cộng hòa.
Dẫu vậy, thành công của buổi lễ phát biểu thông điệp liên bang của Tổng thống Joe Biden cũng không làm lu mờ một thực tế không mấy tích cực, là mức độ tín nhiệm của công chúng Mỹ đối với đương kim tổng thống chỉ đạt 41%, theo kết quả cuộc thăm dò dư luận của Reuters công bố hôm 5-2. Cuộc thăm dò cũng cho thấy, có tới 65% người Mỹ cho rằng nước Mỹ đang đi chệch hướng, tăng đáng kể so với con số 58% của một năm trước đó.