A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tuần hàng OCOP Đống Đa 2025: Kết nối tiêu thụ, lan tỏa giá trị sản phẩm vùng miền

Tuần hàng OCOP Đống Đa 2025 quy tụ hơn 500 sản phẩm đặc sản vùng miền là dịp để người tiêu dùng Thủ đô tiếp cận với sản phẩm chất lượng cao, rõ nguồn gốc.

Đưa sản phẩm OCOP vùng miền đến người Thủ đô

Những năm gần đây, Quảng Phú Cầu được biết đến với vai trò là làng hương cổ truyền có tuổi đời hơn 100 năm tại vùng đất ngoại thành Hà Nội – huyện Ứng Hoà. Ở đây, tất cả các công đoạn làm hương đều được lựa chọn cẩn thận bởi nghề này vốn mang nhiều yếu tố tâm linh, thế nên người dân chẳng dám làm qua loa, sơ sài. Những bó tăm hương đủ màu sắc tạo nên background nổi bật giống những đoá hoa nở rộ. Vậy nên không cần diện trang phục quá cầu kỳ, du khách đến với Quảng Phú Cầu chỉ việc lựa chọn một bộ quần áo đơn giản với tông màu tương phản là sẽ có được những bức ảnh đẹp lung linh.

Để đưa sản phẩm hương Quảng Phú Cầu đến với người tiêu dùng Thủ đô, Công ty TNHH Tinh hoa làng Hương Việt đã chọn tham gia Tuần hàng OCOP Đống Đa 2025 với các sản phẩm đặc trưng như nhang trầm, quế, thảo mộc, hương Tết xưa, lư xông nụ đồng, vòng trầm, các sản phầm về trầm hương... - những sản phẩm đã được vinh dự đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, bà Phạm Thị Đông - Giám đốc Công ty TNHH Tinh hoa làng Hương Việt bày tỏ kỳ vọng sự kiện xúc tiến thương mại quan trọng này sẽ giúp đưa các sản phẩm của Hương Việt đến với người tiêu dùng Thủ đô. Để người tiêu dùng không chỉ biết đến Quảng Phú Cầu với những tấm hình “sống ảo” đẹp lung linh mà còn biết đến nơi đây là một trong những địa chỉ sản xuất hương trầm nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội.

Tuần hàng OCOP Đống Đa 2025: Kết nối tiêu thụ, lan tỏa giá trị sản phẩm vùng miền
Sản phẩm nước mắm Ba Làng được quảng bá tại Tuần hàng (Ảnh: Tuấn Anh)

Cùng với trầm hương, Nước mắm Ba Làng là một trong những sản phẩm mang đậm bản sắc văn hóa của làng nghề truyền thống Ba Làng (Thanh Hoá). Với chứng nhận OCOP 4 sao - đánh giá cao về chất lượng, sản phẩm này không chỉ là nguồn cung ổn định cho thực phẩm Việt mà còn là đại diện cho sự đổi mới và phát triển trong ngành nông nghiệp, nông thôn.

Với truyền thống lâu đời, nước mắm Ba Làng nổi tiếng bởi hương vị đậm đà, lên men tự nhiên từ cá cơm và muối sạch trong thời gian dài, không sử dụng phụ gia hay chất bảo quản. Để giữ vững thương hiệu truyền thống trong thời đại công nghệ số, cơ sở đã chủ động áp dụng tem điện tử QR code trên từng sản phẩm, giúp người tiêu dùng dễ dàng kiểm tra thông tin về nguồn gốc, ngày sản xuất, hạn sử dụng và quy trình chế biến.

Tại Tuần hàng, gian hàng nước mắm Thành Hiệp thu hút đông đảo người tiêu dùng Thủ đô. Các sản phẩm như nước mắm cốt, nước mắm nhĩ, mắm cá mực... đều được đóng chai theo quy chuẩn, có dán tem truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Đại diện cơ sở sản xuất nước mắm Thành Hiệp cho biết, tuần hàng là cơ hội để quảng bá sản phẩm OCOP Thanh Hoá đến người tiêu dùng thủ đô, mở rộng cơ hội tiêu thụ sản phẩm, mang lại thu nhập tốt hơn cho cơ sở sản xuất.

Đây là hai trong số 50 gian hàng OCOP tham dự Tuần hàng OCOP Đống Đa 2025 - sự kiện đang diễn ra từ nay đến 25/5, tại Công viên Văn hóa quận Đống Đa. Tuần hàng do Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội phối hợp với UBND quận Đống Đa tổ chức. Tuần hàng tư vấn, giới thiệu và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP, làng nghề, nông sản thực phẩm an toàn năm 2025. Sự kiện với quy mô 50 gian hàng và hơn 500 sản phẩm OCOP là đặc sản vùng miền của thành phố Hà Nội và 20 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Các sản phẩm trưng bày tại sự kiện đều được tuyển chọn kỹ lưỡng, đảm bảo chất lượng và nguồn gốc rõ ràng. Người tiêu dùng Thủ đô có thể tìm thấy tại đây các đặc sản nổi tiếng như lụa Vạn Phúc, gốm sứ Bát Tràng, mây tre đan Phúc Quang, hương làng nghề, cùng nhiều sản phẩm nông sản an toàn khác .

Riêng thành phố Hà Nội có 20 gian hàng với hơn 100 sản phẩm OCOP tham gia. Đây là cơ hội để các chủ thể OCOP quảng bá sản phẩm, kết nối giao thương và mở rộng thị trường tiêu thụ. Đồng thời, người tiêu dùng có thể tiếp cận trực tiếp với những sản phẩm đặc sản vùng miền có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng cao.

Nâng cao giá trị sản phẩm OCOP và làng nghề

Tại sự kiện, ông Ngọ Văn Ngôn, Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, nhấn mạnh: "Tuần hàng lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng, là cơ hội giúp các chủ thể OCOP của Hà Nội và các tỉnh, thành phố trên cả nước giao lưu, kết nối giao thương, quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại".

Hà Nội hiện có hơn 1.350 làng nghề, chiếm 40% làng nghề cả nước. Đặc biệt, trong năm 2025, Hà Nội vinh dự được Hội đồng Thủ công thế giới công nhận 2 làng nghề: Dệt Lụa Vạn Phúc (Hà Đông) và Gốm sứ Bát Tràng là thành viên chính thức thành phố sáng tạo thủ công thế giới . Đây là minh chứng cho sự phát triển và gìn giữ giá trị truyền thống của các làng nghề Thủ đô.

Tuần hàng không chỉ là nơi giới thiệu sản phẩm mà còn là cầu nối giữa các chủ thể OCOP với người tiêu dùng và các đối tác kinh doanh. Thông qua các hoạt động tư vấn, giới thiệu sản phẩm, các chủ thể có cơ hội tiếp cận thị trường, mở rộng kênh phân phối và nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh.

Người tiêu dùng Thủ đô cũng đánh giá cao sự kiện này. Bà Nguyễn Thị Ngân Hà (quận Đống Đa) một khách hàng tham quan, chia sẻ, những tuần hàng, hội chợ như thế này giúp chúng tôi được tiếp cận với những sản phẩm chất lượng tốt, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, do đó chúng tôi rất yên tâm mua sắm.

Tuần hàng OCOP Đống Đa 2025 là một trong những hoạt động thiết thực nhằm thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và phát triển làng nghề, nông sản thực phẩm an toàn. Sự kiện góp phần nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về sản phẩm OCOP, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, đồng thời khẳng định vị thế của Hà Nội trong việc phát triển kinh tế nông thôn và bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật