Bán lẻ hiện đại mở rộng, đòn bẩy cho tiêu dùng nội địa
Thị trường bán lẻ Việt Nam đang bước vào giai đoạn tăng trưởng nhanh, với sự tham gia ngày càng sâu rộng của các tập đoàn lớn trong và ngoài nước.
Trung tâm thương mại GO! Hưng Yên chính thức đi vào hoạt động
Sau hơn 1 năm triển khai khởi công, xây dựng, ngày 16/7, Trung tâm thương mại Go! Hưng Yên đã chính thức được khai trương sớm hơn 5 tháng so với tiến độ đăng ký và được chấp thuận.
Trung tâm thương mại GO! tại Hưng Yên chính thức đưa vào vận hành ngày 16/7
Trung tâm thương mại GO! tại Hưng Yên chính thức đưa vào vận hành đã tạo thêm việc làm mới cho 400 lao động, phần lớn là người dân địa phương; đồng thời mở ra cơ hội hợp tác, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.
Đặc biệt, nhằm đồng hành cùng các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên cả nước, tại tầng 2 của Trung tâm thương mại có bố trí một khu vực quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP nổi tiếng đến từ khắp các địa phương trên cả nước; trong đó, có nhiều sản phẩm OCOP nổi tiếng của tỉnh Hưng Yên như: Long nhãn, tương bần, hạt sen sấy giòn, mật ong, bột nghệ, ngô nếp sấy giòn…
Phát biểu tại Lễ khai trương Trung tâm thương mại GO! Hưng Yên diễn ra sáng 16/7, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên cho biết, Trung tâm thương mại Go! Hưng Yên không chỉ là một địa điểm mua sắm, mà còn là nơi cung cấp nhiều mặt hàng, dịch vụ đa dạng, đáp ứng nhu cầu của người dân, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Sự có mặt của Trung tâm thương mại Go! Hưng Yên cũng sẽ tạo thêm nhiều cơ hội việc làm, thúc đẩy sự phát triển của các ngành nghề liên quan và đóng góp vào nguồn thu ngân sách của tỉnh. “Sự kiện này không chỉ mang ý nghĩa về mặt ngoại giao kinh tế, mà còn góp phần vào sự phát triển thương mại dịch vụ, kinh tế - xã hội của tỉnh nhà”, ông Nguyễn Hữu Nghĩa nói.
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên phát biểu tại sự kiện
Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Retail Việt Nam ông Olivier Langlet cho biết, GO! Hưng Yên là minh chứng cho cam kết của chúng tôi trong việc mang đến cho người dân tỉnh Hưng Yên và vùng lân cận trải nghiệm mua sắm với chất lượng cao nhất, thông qua mô hình “Ăn uống, vui chơi, mua sắm, học tập và phát triển bền vững”.
Tại GO! Hưng Yên, chúng tôi mong muốn tạo ra trải nghiệm “một điểm đến” hoàn chỉnh, kết hợp việc cung cấp thực phẩm chất lượng cao với giá cả cạnh tranh, áp dụng chiến lược “luôn rẻ hơn 5% so với giá thấp nhất”. Điều này không chỉ giúp ích cho cộng đồng mà còn thúc đẩy kinh tế phát triển, từng bước hiện đại hóa ngành bán lẻ ở địa phương.
Tăng trưởng đi đôi với phát triển bền vững
Theo báo cáo của Cục Thống kê (Bộ Tài chính), tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 6/2025, ước đạt 570,2 nghìn tỷ đồng, giảm nhẹ 0,2% so với tháng trước và tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung, 6 tháng đầu năm 2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 3.416,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước.
Những con số này không chỉ phản ánh sức mua đang phục hồi tích cực sau đại dịch, mà còn cho thấy thị trường bán lẻ Việt Nam đang bước vào giai đoạn tăng trưởng chất lượng và cạnh tranh đa dạng hơn.
Trung tâm thương mại Go! Hưng Yên thu hút đông đảo người tiêu dùng địa phương đến trải nghiệm, mua sắm ngay ngày đầu khai trương
Nhu cầu mua sắm, du lịch, giải trí tăng cao dịp lễ, hè cùng các chương trình kích cầu nội địa, khuyến mãi và lượng khách quốc tế gia tăng góp phần thúc đẩy doanh thu. Các trung tâm kinh tế lớn như đều ghi nhận mức tăng trưởng ổn định, phản ánh xu hướng tiêu dùng vững chắc của người dân.
Nắm bắt xu thế này, các doanh nghiệp trong và ngoài nước phản ánh thị trường bán lẻ Việt Nam đã tăng tốc mở rộng với đa dạng mô hình từ trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi đến chuỗi nội địa. Ngoài Go! Hưng Yên, dự kiến Central Retail tiếp tục khai trương Trung tâm thương mại Go! Yên Bái trong năm nay. Tương tự, AEON dự kiến khai trương hàng chục điểm bán mới, đa dạng về mô hình, tại các tỉnh thành;….
Trong khi đó, các doanh nghiệp bán lẻ nội địa cũng không đứng ngoài cuộc. Saigon Co.op dự kiến mở hơn 150 điểm bán mới trong năm nay, nâng tổng số lên gần 1.000 điểm trên toàn quốc. Còn Bách Hóa Xanh đã đạt 2.180 cửa hàng cuối tháng 5, mở trung bình 2 - 3 điểm mỗi ngày trong 5 tháng đầu năm. WinCommerce, dự kiến nâng lên hơn 4.500 cửa hàng vào cuối năm, trong đó 70% tại nông thôn.
Một điểm đáng chú ý trong sự phát triển của thị trường bán lẻ hiện nay là yếu tố bền vững. Nhiều doanh nghiệp không chỉ hướng đến lợi nhuận mà còn tích cực tham gia vào các chương trình trách nhiệm xã hội. Tại Lễ khai trương GO! Hưng Yên, Tập đoàn Central Retail công bố tài trợ 2,5 tỷ đồng cho xây dựng Nhà Luyện tập đa năng tại Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Bảo Khê, theo sáng kiến “Mỗi trung tâm thương mại, một trường học”.
Thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường tiềm năng nhất Đông Nam Á, với tầng lớp trung lưu ngày càng tăng và hành vi tiêu dùng chuyển dịch nhanh chóng. Điểm bán kênh bán hàng hiện đại chưa tới 15% thị trường, nhưng doanh thu từ các kênh này lại tăng trưởng nhanh chóng. Theo Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR), năm 2024, kênh bán hàng hiện đại đã vượt qua mốc 1/4 tổng doanh thu bán lẻ cả nước.
Với dự báo thị trường bán lẻ Việt sẽ vượt mốc 200 tỷ USD trong năm nay, các doanh nghiệp ngành hàng bán lẻ trong và ngoài nước đều nhanh chóng đổi mới, đầu tư và thích nghi với xu hướng mới để không bỏ lỡ cơ hội.
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và cạnh tranh toàn cầu, phát triển thị trường bán lẻ không chỉ là “cuộc chơi” của ngành thương mại, mà là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chuyển đổi số và nâng cao đời sống người dân trong tương lai.