A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đảng bộ Bộ Công Thương tiếp tục lãnh đạo sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn

Tham luận tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ Bộ Công Thương của Chi bộ Vụ Tổ chức cán bộ nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của Đảng bộ trong kiện toàn tổ chức.

Sáng ngày 16/7, Phiên chính thức của Đại hội đã diễn ra với sự tham dự và chỉ đạo của Ủy viên Trung ương Đảng, Uỷ viên Ban Thường vụ Đảng uỷ Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn. Cùng dự Đại hội có đại diện Lãnh đạo Đảng ủy Chính phủ; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương. 

Về phía Đảng bộ Bộ Công Thương có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và các ủy viên Ban Thường vụ, ủy viên Ban Chấp hành… cùng 250 đại biểu ưu tú, đại diện cho 2.671 đảng viên của 38 tổ chức đảng trực thuộc Đảng bộ Bộ Công Thương.

Tái cơ cấu tổ chức theo Nghị quyết 18/NQ-TW

Tại đại hội, Bí thư Chi bộ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Công Thương Trần Quang Huy trình bày tham luận “Một số kết quả trong công tác sắp xếp tổ chức bộ máy của Bộ Công Thương theo tinh thần Nghị quyết số 18/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới”.

Bí thư Chi bộ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Công Thương Trần Quang Huy

Bí thư Chi bộ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Công Thương Trần Quang Huy

Cụ thể, Bộ Công Thương được thành lập theo Nghị quyết số 01 năm 2007 của Quốc hội trên cơ sở hợp nhất hai bộ: Công nghiệp và Thương mại. Là bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại.

Khi mới thành lập lại, theo quy định của Chính phủ, tổ chức của Bộ có 37 đầu mối, gồm 31 tổ chức giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước và 6 đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện chức năng phục vụ quản lý nhà nước thuộc cơ cấu tổ chức của Bộ.

Trước yêu cầu và đòi hỏi ngày càng cao của xã hội cũng như đáp ứng được yêu cầu tổ chức quản lý trong tình hình mới, đòi hỏi tổ chức bộ máy của Bộ Công Thương cần phải có những bước đột phá, trong đó tập trung vào mục tiêu kiện toàn tổ chức bộ máy cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao theo hướng tinh gọn, tránh sự cồng kềnh, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ.

Thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Đảng và Nhà nước, đặc biệt sau khi có Nghị quyết số 18 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Chi bộ Vụ Tổ chức cán bộ đã lãnh đạo các đảng viên, công chức của Vụ tích cực nghiên cứu, quán triệt các chủ trương của cấp trên để tham mưu cho Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy Bộ và lãnh đạo Bộ Công Thương trong việc lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, lãnh đạo các đơn vị triển khai thực hiện.

Đồng thời, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực, là một trong những bộ đi đầu trong việc tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, điều hành.

Bộ máy bên trong của các đơn vị thuộc Bộ cũng đã từng bước kiện toàn theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đạt một số kết quả cụ thể Bộ Công Thương đã triển khai trong thời gian qua

Thứ nhất, đã kết thúc hoạt động của Ban Cán sự Đảng, lập Đảng bộ Bộ Công Thương trực thuộc Đảng bộ Chính phủ theo yêu cầu và kế hoạch của Bộ Chính trị. Cùng với đó, đã kết thúc hoạt động của Văn phòng Ban Cán sự Đảng, chuyển chức năng, nhiệm vụ về Đảng bộ Bộ Công Thương, sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức của các bộ phận thuộc Đảng bộ Bộ Công Thương theo hướng dẫn của cấp có thẩm quyền.

Thứ hai, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 40 ngày 26/2/2025, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương. Theo đó, cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương còn 22 đơn vị, giảm 6 đầu mối, tương ứng với giảm 21,4% so với nhiệm kỳ trước. Nếu so sánh với cơ cấu tổ chức năm 2007 khi mới tái thành lập, số lượng đầu mối trực thuộc đã giảm 15 đơn vị, tức là giảm trên 40%. 

Đối với các đơn vị cấp phòng của các đơn vị trong Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Bộ, Bộ Công Thương đã sắp xếp giảm 227 đầu mối, tương ứng giảm 64,8%. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ, Bộ Công Thương đã triển khai sắp xếp giảm 4 đơn vị và đang triển khai kế hoạch sắp xếp để giảm thêm 5 đơn vị trong năm 2025.

Thứ ba, Bộ Công Thương đã triển khai việc kết thúc hoạt động của Tổng cục Quản lý thị trường, chuyển giao nguyên trạng 63 Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh trực thuộc Tổng cục Quản lý thị trường trước đây về Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để thành lập Chi cục Quản lý thị trường thuộc Sở Công Thương. Đồng thời, Bộ cũng hoàn thành việc bàn giao nhiệm vụ thanh tra sang Thanh tra Chính phủ và kết thúc hoạt động của Thanh tra Bộ Công Thương.

Thứ tư, cùng với việc sắp xếp tổ chức bộ máy, Bộ Công Thương đã rà soát, ban hành mới các quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị trong Bộ, đảm bảo thực hiện đúng nguyên tắc một đơn vị thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao một đơn vị chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính.

Thứ năm, trong quá trình thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, Đảng ủy Bộ Công Thương và các cấp ủy đảng, lãnh đạo các đơn vị đã chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, tư tưởng và công tác chính sách cán bộ theo đúng định hướng, cơ chế của Đảng, Nhà nước, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong quá trình thực hiện phương án kiện toàn tổ chức bộ máy, không để phát sinh tư tưởng, không ảnh hưởng tới tiến độ, chất lượng công tác.

Đẩy mạnh cải cách tổ chức, bảo đảm không chồng chéo, không bỏ sót nhiệm vụ

Trong thời gian tới, tiếp tục quán triệt và nghiêm túc triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Chi bộ Vụ Tổ chức cán bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo để tham mưu cho Đảng ủy Bộ Công Thương lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm về công tác sắp xếp tổ chức bộ máy như sau.

Trước hết, tiếp tục rà soát, điều chỉnh các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bên trong của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, phù hợp với quy định mới trong thời gian tới, gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Rà soát, xác định chính xác các văn bản quy phạm pháp luật chịu sự tác động của việc sắp xếp tổ chức bộ máy, xây dựng phương án, lộ trình xử lý các văn bản quy phạm pháp luật, báo cáo, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới chịu sự tác động do sắp xếp tổ chức bộ máy.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đẩy mạnh thực hiện phân cấp, phân quyền công tác quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực, phù hợp với mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp.

Chỉ đạo các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ tập trung thực hiện sắp xếp lại tổ chức bộ máy khối các đơn vị sự nghiệp công lập theo kế hoạch của Bộ.

Tiếp tục rà soát, giải quyết chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức dôi dư, kiến nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện sắp xếp lại tổ chức bộ máy.

Việc tiếp tục sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước của Bộ Công Thương theo tinh thần Nghị quyết 18 là yêu cầu bắt buộc, phải được thực hiện một cách khoa học, bài bản và hợp lý, bảo đảm không bỏ sót nhiệm vụ quan trọng, đồng thời kiên quyết chấm dứt tình trạng chồng chéo hoặc bỏ sót nhiệm vụ.

Đây là vấn đề nhạy cảm, ảnh hưởng trực tiếp, tác động đến công việc, tâm lý và quyền lợi của cán bộ, đảng viên, công chức, người lao động trong Bộ. Do đó, cần sự quyết tâm chính trị cao của các cấp ủy và tập thể lãnh đạo của Bộ Công Thương và các đơn vị. Việc xây dựng kế hoạch cần thực hiện chi tiết, cụ thể, khoa học trên cơ sở phân tích kỹ lưỡng thực trạng, nhận diện khó khăn, thách thức và đề ra các giải pháp phù hợp”, đồng chí Trần Quang Huy cho biết. 

Từ thực tiễn của việc triển khai sắp xếp tinh gọn bộ máy của Bộ Công Thương trong thời gian qua, với tinh thần trách nhiệm cao, năng động, sáng tạo, trí tuệ và kinh nghiệm sẵn có của tập thể Đảng ủy, lãnh đạo Bộ và các cấp ủy, lãnh đạo các đơn vị trong Bộ, Bộ Công Thương chắc chắn sẽ có thêm nhiều kết quả tích cực hơn nữa trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, góp phần xây dựng ngành Công Thương và đất nước phát triển nhanh, mạnh mẽ và bền vững.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật