A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nga sẽ đặt vũ khí hạt nhân chiến thuật bên ngoài lãnh thổ

Trong một động thái đáng chú ý kể từ khi bùng nổ cuộc chiến ở Ukraine, Nga tuyên bố sẽ đặt vũ khí hạt nhân chiến thuật (TNW) ở nước láng giềng Belarus, đánh dấu lần đầu tiên kể từ những năm 1990 Moscow bố trí các TNW bên ngoài lãnh thổ.

Theo Reuters, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 25-3 cho biết, Nga sẽ đặt vũ khí hạt nhân chiến thuật ở nước láng giềng Belarus, đồng thời khẳng định điều này “không có gì bất thường”. Nhà lãnh đạo Nga nói rằng Mỹ đã làm như vậy trong hàng thập kỷ qua. Từ lâu họ đã triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở lãnh thổ các nước đồng minh.

“Chúng tôi đã nhất trí rằng chúng tôi sẽ làm điều tương tự mà không vi phạm các nghĩa vụ của mình, tôi nhấn mạnh là không vi phạm các nghĩa vụ quốc tế về việc không phổ biến vũ khí hạt nhân”, Tổng thống Nga khẳng định.

Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố sẽ đặt TNW tại Belarus. Ảnh: TASS 

Theo RT, vũ khí hạt nhân của Mỹ hiện được triển khai ở Bỉ, Đức, Italy, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 2021, Nga kêu gọi thu hồi vũ khí như một phần trong các đề xuất an ninh, nhưng Mỹ và NATO từ chối.

Phản ứng trước động thái nói trên của Moscow, Mỹ cho biết sẽ “tiếp tục theo dõi tác động” của kế hoạch triển khai TNW của Nga ở Belarus nhưng sẽ không điều chỉnh chiến lược vũ khí hạt nhân của mình. Theo CNN, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel nói rằng Mỹ không thấy có lý do gì để điều chỉnh trạng thái hạt nhân chiến lược của mình cũng như không thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Nga đang chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân.

Tuyên bố của nhà lãnh đạo Nga về TNW gây nhiều chú ý trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga với phương Tây leo thang vì cuộc xung đột ở Ukraine và một số nhà quan sát Nga đề cập khả năng diễn ra các cuộc tấn công hạt nhân. 

Tuy nhiên, theo AFP, các quan chức Nga nhiều lần khẳng định Moscow sẽ chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân nếu nước này đối mặt “mối đe dọa tồn vong”. Các nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Washington hôm 25-3 cũng nhận định nguy cơ những căng thẳng hiện nay leo thang thành chiến tranh hạt nhân “vẫn ở mức rất thấp”.

Theo RT, Tổng thống Vladimir Putin giải thích rằng, quyết định của Nga được thúc đẩy bởi việc Anh cung cấp cho Ukraine đạn uranium nghèo, khẳng định Nga sẽ đáp trả động thái này lại của Anh. Ông cho biết Nga có hàng trăm nghìn quả đạn như vậy nhưng hiện không sử dụng. 

Một phát ngôn viên khác của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Nga và Belarus đã thảo luận về việc chuyển vũ khí này trong một thời gian và đã đưa ra nhiều tuyên bố trong suốt năm qua. Trong tuyên bố của mình, Tổng thống Vladimir Putin cũng cho biết, Nga triển khai TNW ở Belarus theo yêu cầu của nước này. Tổng thống Alexander Lukashenko từ lâu đã nêu vấn đề triển khai TNW của Nga trên lãnh thổ Belarus. 

Trong tuyên bố của mình, Tổng thống Vladimir Putin cho biết, Nga sẽ hoàn thành việc xây dựng các kho chứa TNW ở Belarus trước ngày 1-7, nhưng không nêu thời điểm cụ thể những vũ khí này sẽ được vận chuyển tới nước này. Ông cũng khẳng định, Nga sẽ không chuyển giao quyền kiểm soát TNW cho Belarus và sẽ duy trì quyền kiểm soát của Moscow.

Nhà lãnh đạo Nga cho biết thêm, Moscow đã trang bị khả năng mang TNW cho 10 máy bay Belarus. Nga sẽ bắt đầu huấn luyện cho lực lượng Belarus về tổ hợp tên lửa Iskander có khả năng mang TNW vào tháng 4. Theo AFP, Nga và đồng minh Belarus có mối quan hệ hợp tác quân sự thân thiết. Belarus có đường biên giới với 3 nước thành viên NATO là Ba Lan, Lithuania và Latvia.

Hiện chưa rõ Nga sẽ triển khai bao nhiêu TNW tới Belarus. Theo Reuters, Nga có ưu thế vượt trội về số lượng TNW so với Mỹ và NATO. Mỹ tin rằng Nga sở hữu khoảng 2.000 đầu đạn chiến thuật đang hoạt động, gấp 10 lần so với Washington. Mỹ được tin là có khoảng 200 TNW và một nửa trong số đó nằm ở các căn cứ ở châu Âu.

TNW là vũ khí hạt nhân được sử dụng cho các lợi ích chiến thuật cụ thể trên chiến trường, thay vì phá hủy trên quy mô lớn. Chúng được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu trong một khu vực cụ thể mà không khiến bụi phóng xạ lan rộng. Những đầu đạn này có thể được phóng qua nhiều loại tên lửa, ngư lôi và bom trọng lực của các lực lượng hải quân, không quân hoặc lục quân. Chúng thậm chí có thể được đưa vào một khu vực và kích nổ.


Tags: Nga
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết