Tiêu điểm
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người trẻ gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc Mường

Gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc Mường cho thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số là vấn đề được đại biểu huyện Thạch Thất quan tâm khi tham dự Đại hội Hội LHTN Thủ đô Hà Nội lần thứ VIII.

Sau 16 năm Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, cuộc sống của đồng bào dân tộc Mường trên địa bàn huyện Thạch Thất đã có nhiều thay đổi. Sự đổi thay lớn nhất là đời sống của người dân ngày càng được nâng lên.

Không chỉ quẩn quanh với việc làm nông nghiệp tại địa phương, nhiều thanh niên, phụ nữ đã thoát ra khỏi ruộng đồng để đến với các công ty, doanh nghiệp lớn trên địa bàn. Về Tiến Xuân bây giờ, đâu đâu cũng thấy những nếp nhà mới tinh tươm, sáng bừng như minh chứng cho cuộc sống ngày càng đủ đầy của người dân nơi đây.

Người trẻ gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc Mường
Các bạn nhỏ xã Tiến Xuân tham gia biểu diễn cồng chiêng

Thay đổi cách làm kinh tế, nếp sống, sinh hoạt nhưng cuộc sống tinh thần của đồng bào nơi đây vẫn gắn trọn với bản sắc văn hoá đồng bào dân tộc Mường - cội nguồn gốc rễ của mình. Người Mường chiếm 5,2% dân số huyện Thạch Thất, chủ yếu phân bố tại 3 xã Tiến Xuân, Yên Trung, Yên Bình. Sau 16 năm "về với" Thủ đô, những nét văn hóa dân tộc Mường tại các xã nói trên vẫn được bảo tồn, thậm chí còn phát triển rực rỡ.

Vinh dự được lựa chọn là đại biểu tham dự Đại hội Hội LHTN Thủ đô Hà Nội lần thứ VIII, Đinh Văn Linh - Phó Chủ tịch Hội LHTN xã Tiến Xuân càng tự hào hơn khi văn hoá cồng chiêng của đồng bào dân tộc Mường được lựa chọn để tham gia chương trình diễu hành biểu dương lực lượng chào mừng Đại hội năm nay.

Người trẻ gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc Mường
Đinh Văn Linh chia sẻ về ý nghĩa của việc gìn giữ văn hoá Mường với thanh niên dân tộc thiểu số

Linh chia sẻ: “Mình rất tự hào khi văn hoá cồng chiêng của đồng bào dân tộc Mường ngày càng đón nhận nhiều sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, các ngành, được đông đảo người dân Thủ đô đón nhận, yêu mến. Chính vì thế, việc gìn giữ văn hoá dân tộc Mường với thanh niên vùng dân tộc càng trở nên cần kíp hơn bao giờ hết”.

Để cụ thể hoá việc gìn giữ văn hoá Mường cho người trẻ, theo Linh, Đoàn Thanh niên - Hội LHTN xã Tiến Xuân đã cụ thể bằng nhiều việc làm, hành động thiết thực. Tổ chức Đoàn - Hội mở lớp dạy chiêng Mường cho các em học sinh từ 3 đến 14 tuổi.

“Trong các chương trình, hoạt động của mình, tổ chức Hội thường xuyên phối hợp với các nhà trường lồng ghép hoạt động để các em học sinh có điều kiện, cơ hội biểu diễn cồng chiêng. Các học sinh ban đầu nghe tiếng chiêng chưa tròn, động tác đánh chiêng còn gượng nhưng đều đam mê tìm hiểu nhạc cụ đặc biệt của dân tộc mình. Rồi mai đây, không ai khác, chính các em sẽ biểu diễn những bài chiêng quý, sẽ truyền lại cách đánh chiêng cho các thế hệ sau để ngân lên mãi điệu hồn Mường…”, Linh chia sẻ.

Màn diễu hành ấn tượng của Khối thanh niên dân tộc
Màn diễu hành ấn tượng của Khối thanh niên dân tộc tại Đại hội Hội LHTN Thủ đô Hà Nội lần thứ VIII

Nhờ sự nỗ lực của các cán bộ Hội như Linh mà công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá dân tộc trên địa bàn huyện Thạch Thất được ghi nhận, đánh giá cao. Huyện đã xây dựng kế hoạch về việc triển khai thực hiện đề án Bảo tồn, khôi phục và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mường.

Bên cạnh đó, huyện thường xuyên tổ chức 2 đợt cho cán bộ, lãnh đạo UBND huyện, 3 xã, người có uy tín với 80 lượt người đi tham quan học tập kinh nghiệm công tác bảo tồn văn hóa dân tộc tại tỉnh Hòa Bình, Thái Nguyên, Tuyên Quang.

Linh hi vọng, thời gian tới, các cấp Hội sẽ quan tâm nhiều hơn nữa để có chương trình, hoạt động khơi dậy tình yêu, niềm tự hào với thanh niên với văn hoá truyền thống của dân tộc Mường, từ đó nâng cao ý thức giữ gìn, phát huy, xây dựng cộng đồng dân cư văn minh, nghĩa tình.

Huyện Thạch Thất hiện có 15 câu lạc bộ chiêng, trong đó có 1 câu lạc bộ ở xã Tiến Xuân, 4 câu lạc bộ ở xã Yên Trung và 10 câu lạc bộ ở xã Yên Bình. Nhằm bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc Mường nói chung, văn hóa chiêng Mường nói riêng, huyện Thạch Thất tích cực tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về nghệ thuật đánh chiêng.

Những dịp lễ hội cấp xã, huyện, hay dịp lễ trọng của thôn, bản, các câu lạc bộ đều tổ chức biểu diễn chiêng, múa hát, giúp lan tỏa rộng văn hóa dân tộc Mường tới người dân, du khách.

 

 
Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật