Những biến số trên thị trường gạo quốc tế
Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Nga đều tuyên bố áp đặt lệnh cấm xuất khẩu gạo tạm thời. Những động thái này diễn ra chỉ một tuần sau lệnh cấm tương tự từ Ấn Độ, tạo nên những biến số khó lường trên thị trường gạo quốc tế.
Theo Tân Hoa xã, Bộ Kinh tế UAE ngày 29-7 thông báo quốc gia này đã áp đặt lệnh cấm xuất khẩu và tái xuất khẩu gạo trong 4 tháng. Lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 28-7, bao gồm các khu vực tự do ở UAE và áp dụng cho tất cả các loại gạo, bao gồm gạo lứt, gạo xay xát hoàn toàn hoặc một phần và gạo tấm. Thông báo cho biết, các công ty muốn xuất khẩu hoặc tái xuất khẩu gạo phải xin giấy phép xuất khẩu của Bộ Kinh tế. Lệnh cấm có thể tự động gia hạn, trừ phi có quyết định hủy bỏ việc thực hiện lệnh này.
Nông dân trồng lúa trên cánh đồng ở ngoại ô Amritsar, Ấn Độ. Ảnh: The Guardian |
Cùng ngày, Nga tuyên bố tạm dừng xuất khẩu gạo cho đến cuối năm nay để hỗ trợ thị trường nội địa. “Chính phủ đã tạm thời cấm xuất khẩu gạo thô và gạo đã qua chế biến. Hạn chế sẽ có hiệu lực cho đến ngày 31-12-2023”, trang Telegram của Chính phủ Nga đăng tuyên bố cho biết.
Không khó để nhận thấy những động thái của Nga và UAE đều nhằm bảo đảm duy trì sự ổn định tại thị trường nội địa, sau lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ hôm 20-7. Theo trang Khaleej Times, UAE phải nhập khẩu gần 90% lượng lương thực tiêu thụ trong nước. Lạm phát do giá lương thực tăng cao đã đè nặng lên quốc gia vùng Vịnh này trong phần lớn thời gian của năm 2022. Là nhà thương mại gạo lớn và uy tín ở khu vực Trung Đông, UAE chủ yếu tái xuất khẩu sang các nước Oman, Benin ở Tây Phi, Zimbabwe và Somalia. Nước này không trực tiếp sản xuất, kinh doanh mà hầu hết gạo được nhập từ Ấn Độ, Pakistan, Việt Nam và Thái Lan. Trong khi đó, lượng gạo sản xuất của Nga mỗi năm chưa tới 1 triệu tấn. Việc tạm ngừng xuất khẩu của Nga và UAE có thể sẽ ít ảnh hưởng đến thị trường gạo thế giới nói chung, thế nhưng điều này không có nghĩa thị trường sẽ ổn định trong thời gian tới.
Thị trường lương thực thế giới hiện đang rất căng thẳng do xung đột giữa Nga và Ukraine, cộng thêm tình hình thời tiết không thuận lợi ở nhiều nước sản xuất và xuất khẩu gạo lớn. Do đó, quyết định cấm xuất khẩu của hai quốc gia này gây nên những lo ngại về phản ứng dây chuyền ở nhiều quốc gia xuất khẩu gạo khác trên thế giới, đặc biệt là sau khi lệnh cấm của Ấn Độ đã tác động nhất định đến thị trường lương thực toàn cầu. Giá gạo xuất khẩu của nhiều nước tăng liên tục trong những ngày qua. Hiện giá gạo thế giới đang dao động quanh mức cao nhất trong 11 năm qua. Dự báo giá gạo còn có thể tăng cao hơn nữa.
Ấn Độ hiện chiếm hơn 40% lượng gạo xuất khẩu của thế giới, tương đương 55,4 triệu tấn vào năm 2022. Là quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, New Delhi là nhà cung cấp gạo của hơn 140 quốc gia. Do vậy, lệnh cấm xuất khẩu của nước này gây ra những tác động vô cùng đáng ngại. Eve Barre, chuyên gia kinh tế ASEAN tại Công ty Bảo hiểm Coface cho rằng: “Nguồn cung gạo toàn cầu sẽ bị thắt chặt đáng kể”. Trong khi đó, theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ cùng với việc đình chỉ thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc ở Biển Đen có thể khiến giá ngũ cốc toàn cầu tăng thêm 10-15% trong năm 2023. Kèm theo đó là các biện pháp trả đũa thương mại giữa các quốc gia. Chính vì vậy, các chuyên gia cho rằng nên loại bỏ những hạn chế này vì chúng có thể gây tác động xấu trên toàn cầu.
Gạo là lương thực chính của hơn 3 tỷ người và gần 90% loại cây lương thực này được sản xuất ở châu Á-nơi hiện tượng khí hậu El Nino gây khô hạn có thể hạn chế nguồn cung. Thái Lan và Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai và thứ ba thế giới, cũng đã trải qua đợt tăng giá gạo trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, một số chuyên gia trong lĩnh vực này cảnh báo không nên lạc quan quá mức và cũng không nên coi đây là một cơ hội dài hạn, để từ đó tăng sản xuất, tăng xuất khẩu. Việc Ấn Độ bãi bỏ lệnh cấm rất có thể xảy ra trong vài tháng tới, khi thời tiết trở lại bình thường và lúc đó, thị trường sẽ quay trở lại quỹ đạo vốn có.