A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sử dụng tần số vô tuyến điện phân bổ riêng phục vụ quốc phòng, an ninh: Có nên quy định trong luật?

Sáng 18-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục họp chuyên đề pháp luật tháng 8-2022, cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.

Về sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng phục vụ quốc phòng, an ninh để kết hợp phát triển kinh tế là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm.

  Quang cảnh phiên họp. Ảnh: VPQH

Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết: Vấn đề này hiện có một số ý kiến tán thành sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng phục vụ quốc phòng, an ninh để kết hợp phát triển kinh tế trên cơ sở đánh giá từ thực tiễn cần bảo đảm an ninh, quốc phòng. Các ý kiến cho rằng nếu sử dụng các mạng kinh tế-xã hội hiện có thì không đáp ứng được các yêu cầu về thiết bị, bảo mật và triển khai nhiệm vụ.

Nhiều ý kiến khác thì lại đề nghị chưa quy định việc sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng phục vụ quốc phòng, an ninh để kết hợp phát triển kinh tế.

Một số ý kiến khác thì đề nghị nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng thêm về chính sách này vì đây là nội dung lớn của dự án luật và bởi một số lý do ảnh hưởng đến bảo mật, cạnh tranh, bình đẳng, quản lý giám sát của các cơ quan nhà nước, bảo đảm tính khả thi của luật trong thực tiễn.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, qua khảo sát, hội thảo, tọa đàm cho thấy nội dung này còn có nhiều ý kiến khác nhau. Do đó, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề xuất 2 phương án để Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận và cho ý kiến.

Phương án 1: Không quy định nội dung này trong dự thảo luật. Phương án này có ưu điểm là bảo đảm việc phân bổ tần số vô tuyến điện được xác định và sử dụng đúng mục đích, mục tiêu ngay từ quy hoạch ban đầu; bảo đảm sự minh bạch, công bằng trong việc phân bổ, sử dụng tài nguyên tần số vô tuyến điện theo đúng mục đích sử dụng. Điều này cũng phù hợp với nguyên tắc ưu tiên sử dụng tần số vô tuyến điện cho quốc phòng, an ninh và quy định về những hành vi bị cấm theo luật hiện hành; phù hợp với xu thế chung của nhiều nước trên thế giới hiện nay.

Tuy vậy, phương án này cũng có nhược điểm là, khi có phương án cần sử dụng tần số vô tuyến điện được phân bổ riêng để phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh kết hợp với phát triển kinh tế cụ thể, rõ ràng và khả thi thì Chính phủ phải báo cáo Quốc hội ban hành Nghị quyết để áp dụng và như vậy quy trình thực hiện sẽ kéo dài, phức tạp.

  Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VPQH

Phương án 2 được đưa ra là quy định nội dung này trong dự thảo luật như phương án Chính phủ trình.

Theo Chủ nhiệm Lê Quang Huy, các ý kiến tán thành phương án này cho rằng, Chính phủ đã sửa đổi, bổ sung quy định trong dự thảo luật theo hướng làm rõ thẩm quyền, bảo đảm thực hiện nghĩa vụ tài chính như phí, lệ phí, tiền cấp quyền sử dụng, phương án sử dụng kết hợp không làm ảnh hưởng đến việc bảo đảm quốc phòng, an ninh và sự cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động viễn thông khi sử dụng tần số vô tuyến điện trong băng tần phân bổ cho mục đích quốc phòng, an ninh để phát triển kinh tế.

Phương án này có ưu điểm là thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về kết hợp chặt chẽ bảo đảm quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nền công nghiệp quốc phòng, an ninh hiện đại, lưỡng dụng, vừa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, vừa góp phần quan trọng phát triển kinh tế-xã hội. Đồng thời, có thể tận dụng nguồn tài nguyên tần số phục vụ quốc phòng, an ninh còn dôi dư cho mục đích kinh tế kết hợp với một số hoạt động nghiệp vụ bảo đảm an ninh, trật tự xã hội.

Tuy vậy, phương án này không bảo đảm việc phân bổ tần số vô tuyến điện được xác định và sử dụng đúng mục đích, mục tiêu ngay từ quy hoạch ban đầu; có thể ảnh hưởng đến nhiệm vụ chính trị được giao, tiềm ẩn nguy cơ làm lộ, lọt bí mật. Cùng với đó, quy định “trường hợp đặc biệt” sử dụng tần số vô tuyến điện phục vụ quốc phòng, an ninh để kết hợp phát triển kinh tế chưa thực sự rõ ràng.

Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường lựa chọn phương án 1 (tức là, không quy định nội dung này trong dự thảo Luật).

Phát biểu kết luận, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tiếp thu ý kiến, hoàn thiện dự thảo luật, xin ý kiến hội nghị đại biểu chuyên trách cũng như ý kiến của các đoàn đại biểu Quốc hội... để hoàn chỉnh dự thảo luật.

Riêng về việc sử dụng tần số vô tuyến điện phân bổ riêng phục vụ quốc phòng, an ninh để kết hợp phát triển kinh tế, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị tiếp tục làm rõ nội hàm, cơ sở pháp lý, thực tiễn, đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện tác động về mặt quy hoạch, kỹ thuật, trường hợp đặc biệt, yêu cầu bảo mật và kinh nghiệm quốc tế, bảo đảm tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia; lựa chọn phương án tối ưu trình Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ tư (tháng 10-2022). 

THẢO PHƯƠNG


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết