A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sứ mệnh cao cả của âm nhạc dân tộc Việt Nam

Việt Nam có một nền âm nhạc dân tộc vô cùng phong phú và rực rỡ. Không chỉ có giá trị nghệ thuật, âm nhạc dân tộc có sứ mệnh lớn lao khi phản ánh tâm tư, tư duy, tâm hồn người Việt Nam và đồng hành với đất nước trong những cuộc trường chinh lịch sử và sự nghiệp phát triển, hội nhập quốc tế.

Với bất cứ nền âm nhạc nào trên thế giới, Việt Nam cũng vậy, đều có tính kế thừa từ truyền thống. Xung quanh chúng ta có nhiều nền văn hóa, nền âm nhạc lớn, nhưng phải khẳng định Việt Nam có ngôn ngữ âm nhạc riêng, có nhạc cụ riêng, đặc biệt là các cây đàn cổ. Những cây đàn bầu, t’rưng, đàn tính là của Việt Nam; bên cạnh đó là các cây đàn tam thập lục, đàn nguyệt, tỳ bà... là những nhạc cụ phản ánh dòng chảy văn hóa, du nhập, nhưng khi vào đến Việt Nam, chơi nhạc của Việt Nam thì sự tiếp biến thể hiện rõ ở cách chọn lọc, kế thừa và trở thành âm nhạc của dân tộc Việt Nam.

    Dàn nhạc Dân tộc Việt Nam (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) biểu diễn Chương trình hòa nhạc "Rạng đông" (tháng 5-2022). Ảnh: ĐỨC ANH.

Trong sự phát triển của đất nước, lịch sử âm nhạc để lại thì Đồng bằng Bắc Bộ, khu vực miền núi phía Bắc có hát ru, dân ca; giai đoạn triều Nguyễn có nhã nhạc-quan nhạc, đến giai đoạn 1945-1954, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, chúng ta có âm nhạc kháng chiến và trong nhiều tác phẩm đã thể hiện sự kế thừa như: “Hành quân xa”, “Giải phóng Điện Biên”... mang âm hưởng dân gian từ nhạc cổ. Hầu hết ca khúc thời kỳ ấy lấy chất liệu âm nhạc từ chèo của Đồng bằng Bắc Bộ, dân ca của các dân tộc miền núi như Thái, Tày, Mông...

Qua đó, phản ánh lực lượng văn nghệ sĩ sáng tác cho kháng chiến đã bám rất sát với thực tế của đất nước, cuộc kháng chiến và sống với nhân dân. Các nghệ sĩ-chiến sĩ hồi đó “3 cùng” với nhân dân để có sự hội nhập về nếp sống và đặc biệt là âm nhạc; nghệ sĩ có thể không biết tiếng Tày, Nùng nhưng tập hát những bài dân ca để tạo sự gần gũi giữa quân và dân, cán bộ và nhân dân, người Kinh với người dân tộc... Âm nhạc trở thành cầu nối, nó không bị lệ thuộc vào không gian và thời gian mà trở thành những tác phẩm đậm tính thẩm mỹ, như: “Mưa xuân cho cây tốt tươi/ Búp chen lá trên cành/ Rừng đẹp trăm hoa rung rinh theo gió/ Bướm tung cánh bay vờn...” (tác phẩm “Mưa rơi”); hay “Inh lả ơi/ Sao noọng ời/ Khắp núi rừng Tây Bắc sáng ngời...” (tác phẩm “Inh lả ơi”). Tất cả cho chúng ta thấy những bài dân ca đó đã được các nhạc sĩ Việt Nam tiếp cận và lấy chất liệu của con người, văn hóa, thiên nhiên nơi mình sống và chiến đấu làm nguồn cảm hứng, nơi nhân dân nuôi mình thì mình gần lại nhân dân, lấy cái dân gian để được mục tiêu lớn hơn là xây dựng tác phẩm, phục vụ đất nước, phục vụ lịch sử Việt Nam, phục vụ các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc.

Chính từ nhu cầu cuộc sống, từ năm 1945, nước nhà độc lập, Đảng, Nhà nước và Bác Hồ những năm sau đó đã xây dựng, thành lập các đơn vị nghệ thuật: Tổng đội Văn công (nay là Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội), Đoàn Văn công nhân dân Trung ương (nay là Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam), rồi Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam... Khi có đơn vị nghệ thuật, chúng ta phải có tác phẩm nghệ thuật. Từ đó có một đội ngũ nhạc sĩ sáng tác hùng hậu, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát-người đảm đương vị trí đầu tiên: Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam và được coi là “người anh cả” dẫn dắt, kết nối các tài năng sáng tác kiên trì bảo vệ và phát huy tính dân tộc trong âm nhạc. Bởi vậy, tất cả tài năng sáng tác thời kỳ đó đều có mục tiêu lấy âm nhạc truyền thống làm nền tảng, làm gốc để chúng ta xây dựng nghệ thuật, chương trình nghệ thuật.

Các nhạc sĩ như: Đỗ Nhuận với những khúc biến tấu trên chủ đề dân ca cho flute và piano “Mùa xuân trên rừng”, tứ tấu đàn dây “Tây Nguyên”, tổ khúc giao hưởng “Điện Biên”; Nguyễn Xuân Khoát có thanh xướng kịch “Vượt sông cái”, “Trống Tràng Thành”, hòa tấu “Ông Gióng”, “Sơn Tinh, Thủy Tinh”, bộ gõ dân tộc “Tiếng pháo Giao thừa”, “Cúc Trúc Tùng Mai”; Nguyễn Văn Thương với “Tây Nguyên vui chiến thắng”, “Đồng Khởi”; Trần Quý có “Ngọn đèn của biển”, “Biển quê hương” (concertino cho đàn bầu và dàn nhạc)... Sự tiếp nối là tên tuổi của nhiều nhạc sĩ viết tác phẩm khí nhạc cho dàn nhạc dân tộc, âm nhạc dân tộc trong dàn nhạc cổ điển phương Tây sau quá trình du học ở các quốc gia nổi tiếng của âm nhạc cổ điển như Nga, Pháp... Các nhạc sĩ không chỉ giỏi về sáng tác mà còn giỏi cả chỉ huy dàn nhạc. Trở về quê hương, nhiều người trong số họ dành toàn bộ thời gian, sự sáng tạo của mình để sáng tác ra những tác phẩm rất lớn cho dàn nhạc dân tộc Việt Nam.

2. Vị thế của dàn nhạc dân tộc Việt Nam không chỉ trong nước mà đã được chứng minh qua hàng chục năm qua, đi qua suốt kháng chiến chống Mỹ, thời kỳ đổi mới và ngày nay hội nhập quốc tế. Trong mọi hoàn cảnh, Đảng và Nhà nước luôn đầu tư, chăm lo cho nghệ sĩ, cho tác phẩm. Âm nhạc dân tộc có những nghệ sĩ nổi tiếng như NSND Đinh Thìn (thổi sáo), NSƯT Đức Nhuận (đàn bầu)... là những nghệ sĩ đã mang theo âm hưởng dân gian đi khắp các mặt trận, chiến khu, Trường Sơn... để biểu diễn phục vụ bộ đội và nhân dân. Các nghệ sĩ âm nhạc truyền thống thật tài tình và tuyệt vời, nhiều người trong số họ học nhạc cụ cổ điển phương Tây như nghệ sĩ violon Trần Mùi, piano Kim Quang... khi vào chiến trường biểu diễn lại có thể kéo cả đàn nhị, chơi tam thập lục, đàn bầu, đàn đá, t’rưng... Chính những điều đó mà các nghệ sĩ đã đi vào lịch sử nghệ thuật, lịch sử sáng tạo của chúng ta. Nền tảng âm nhạc dân tộc khẳng định, trong tất cả địa bàn, địa hình vào bối cảnh lịch sử đó, chiến trường đó, không gian đó, người nghệ sĩ tài năng sẽ đáp ứng nhu cầu của khán giả là người lính và nhân dân, mang lại những cảm xúc, giá trị thẩm mỹ trường tồn với lịch sử dân tộc.

3. Âm nhạc dân tộc như một thứ vũ khí sắc bén trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Giá trị âm nhạc truyền thống dân tộc của Việt Nam đi vào đời sống và tạo nên dòng chảy xuyên suốt từ Bắc vào Nam. Từ hát ru, dân ca, quan họ, hát văn, ca trù, chèo, tuồng đến hò Huế, nhã nhạc, đờn ca tài tử, cải lương... Bức tranh âm nhạc đó ta nhìn thấy có miền núi, miền biển, trung du, đồng bằng...; có âm nhạc chính thống từ triều đình-nhạc lễ cho đến âm nhạc cách mạng thời đại Hồ Chí Minh. Đảng và Nhà nước đã quan tâm đến nền âm nhạc dân tộc Việt Nam, có những chính sách đầu tư lớn để xây dựng nền âm nhạc truyền thống thông qua việc truyền dạy và đào tạo.

Hiện nay, Việt Nam có hệ thống văn bản và đang được số hóa để gìn giữ và phát triển từ những bản cổ nhạc đến các sáng tác tác phẩm mới bên cạnh hệ thống đào tạo bài bản, chuyên nghiệp nguồn nhân lực trong sự hội nhập phương Tây. Điều đó khẳng định con đường của chúng ta đi là đúng. Khi những tác phẩm âm nhạc dân tộc Việt Nam vang lên ở các sân khấu thế giới, bạn bè quốc tế trầm trồ, ngưỡng mộ khi nghe dòng âm nhạc có bản sắc riêng không lẫn với bất cứ quốc gia nào.

Những tác phẩm hôm nay chúng ta có như độc tấu sáo trúc “Cùng hành quân đi giữa mùa xuân” (nhạc sĩ Cẩm La), trong cả cuộc kháng chiến cho đến hôm nay vẫn nguyên giá trị nghệ thuật; đàn nhị “Kể chuyện ngày mùa” (nhạc sĩ Thao Giang); đàn bầu “Cung đàn đất nước” (nhạc sĩ Xuân Khải); đàn tranh “Tình quân dân” (nhạc sĩ Xuân Ba)... hay những bài hát “Xa khơi” của Nguyễn Tài Tuệ; “Trông cây lại nhớ đến Người”, bài hát do Nguyễn Trung Phong sáng tác dựa theo dân ca Nghệ Tĩnh được nhạc sĩ Đỗ Nhuận cải biên; “Mẹ yêu con” của Nguyễn Văn Tý... đi vào kinh điển của nền âm nhạc dân tộc Việt Nam. Gần đây, nhạc sĩ Trần Quý có tổ khúc “Tây Nguyên” viết cho dàn nhạc lớn (đang đề nghị Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh); Nhạc sĩ, NSND Phạm Ngọc Khôi có tác phẩm “Đất nước thái hòa” biểu diễn trong Festival Huế tháng 6-2022 vừa qua... khẳng định giá trị của âm nhạc dân tộc luôn có sự tiếp nối chặng đường của những người sáng tác.

Âm nhạc dân tộc Việt Nam đã và đang có sự đồng bộ, chuyên nghiệp bởi chúng ta có người sáng tác, người nghệ sĩ biểu diễn và luôn có đông đảo người thưởng thức. Việt Nam xây dựng được nền tảng, thành tựu về nghệ thuật âm nhạc dân tộc, hơn nữa, trong giai đoạn trên đường hội nhập, chúng ta bảo tồn được nền âm nhạc dân tộc và phát huy rất thành công.

Trong đời sống đương đại hôm nay, bên cạnh sự quan tâm từ các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, điều cần thêm nữa là sự quan tâm từ phía các doanh nghiệp, tổ chức tư nhân. Bài học lịch sử của nhiều nền âm nhạc lớn trên thế giới-là những tác phẩm kinh điển, mẫu mực của những nhà soạn nhạc, tác gia nổi tiếng chính là sự đầu tư từ phía tư nhân. Đầu tư, chăm lo cho âm nhạc dân tộc không thể cào bằng với các loại hình khác như pop, rock... mà phải có trọng điểm để luôn có những sáng tác mang tính kế thừa.

Nhạc sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân PHẠM NGỌC KHÔI

 


Tags: Âm nhạc
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật