Tiêu điểm
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tập trung nguồn lực bảo đảm tiến độ dự án vành đai 3 TP Hồ Chí Minh

Vành đai 3 là dự án được đánh giá mang lại động lực phát triển cho cả vùng Đông Nam Bộ.

Thủ tướng Chính phủ giao TP Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan tập trung huy động nguồn lực, tháo gỡ khó khăn để bảo đảm tiến độ. 

Dự án trọng tâm liên kết vùng

Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh (gọi tắt là dự án vành đai 3) là một trong những dự án trọng điểm quốc gia, được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư tại Nghị quyết 57. Dự án đi qua địa bàn TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An... chiều dài hơn 76km, tổng mức đầu tư 75.300 tỷ đồng. Đoạn tuyến thuộc địa phận TP Hồ Chí Minh dài hơn 47km, yêu cầu diện tích mặt bằng khoảng 397ha trên các địa bàn TP Thủ Đức, huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh... TP Hồ Chí Minh được Chính phủ giao chủ trì phối hợp với các địa phương triển khai dự án, quyết tâm đến năm 2025 dự án cơ bản hoàn thành và đưa vào khai thác toàn bộ vào năm 2026.

Với tầm quan trọng đặc biệt trong việc kết nối hạ tầng giao thông, thúc đẩy liên kết vùng, tạo không gian và động lực phát triển kinh tế-xã hội TP Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, dự án có nhiều thách thức về giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, tái định cư; thủ tục, khối lượng điều chỉnh quy hoạch lớn, các đơn vị thi công, bố trí nguồn vốn, thời gian triển khai dự án theo yêu cầu ngắn, lấy ý kiến nhiều bộ, ngành Trung ương... Đặc biệt, địa bàn TP Hồ Chí Minh có chiều dài chiếm phần lớn của dự án có nhiều thách thức nhất vì mật độ đô thị đông, diện tích ảnh hưởng của dự án lớn.

Hạ tầng giao thông kết nối với dự án vành đai 3 (địa bàn TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) được hoàn thiện, sẵn sàng đấu nối. Ảnh: Thanh Toàn 

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, TP Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều giải pháp như: Thành lập các ban chỉ đạo, ban chỉ huy cấp thành phố, tổ chức hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia, phát huy sự năng động sáng tạo, sáng kiến của chuyên gia, cán bộ, công chức; yêu cầu các đơn vị, địa phương bám sát từng phần việc để tập trung giải quyết; công tác truyền thông cho dự án, vận động người dân đồng tình, ủng hộ, các đơn vị ký kết giao ước thi đua...

Huy động tối đa nguồn lực

Để triển khai dự án bảo đảm đúng tiến độ, Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã ban hành Chỉ thị số 18-CT/TU về lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện dự án vành đai 3, yêu cầu sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở. Các cấp ủy, tổ chức Đảng và chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị-xã hội, cơ quan, đơn vị trên địa bàn TP Hồ Chí Minh phải nhận thức sâu sắc ý nghĩa và tính cấp bách của dự án, nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, ưu tiên bố trí nguồn lực nhằm bảo đảm tiến độ, chất lượng dự án với quyết tâm chính trị cao nhất. Cùng với đó là coi trọng sự đồng thuận xã hội và lợi ích của người dân trong thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự án; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất, liên thông trong việc xây dựng kế hoạch tổng thể triển khai thực hiện dự án và kế hoạch chi tiết triển khai các dự án thành phần trên địa bàn TP Hồ Chí Minh; thực hiện nghiêm quy chế phối hợp với các địa phương có tuyến đường đi qua.

Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh yêu cầu có cơ chế khuyến khích cán bộ, người đứng đầu các sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư năng động, sáng tạo trong việc giải quyết nhanh hồ sơ, thủ tục hành chính liên quan đến dự án; cũng như có sự chủ động tìm tòi, áp dụng những sáng kiến, giải pháp mang lại hiệu quả cho dự án vành đai 3.

Đồng chí Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh cho biết: Thời gian qua, chủ đầu tư các dự án thành phần, các cơ quan chuyên môn đã tập trung, nỗ lực, cơ bản hoàn thành phê duyệt hồ sơ cắm cọc ranh giải phóng mặt bằng và tổ chức bàn giao cho các địa phương thực hiện những công việc tiếp theo. Hai dự án thành phần 1 và 2 đoạn qua TP Hồ Chí Minh đã hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi và đã được UBND TP Hồ Chí Minh phê duyệt. Trong tháng 12-2022, UBND thành phố cũng phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, thực hiện các bước thu hồi, giải phóng mặt bằng... để chuẩn bị khởi công dự án vào tháng 6-2023 theo đúng tiến độ. Thành phố cũng đã phối hợp với các đơn vị liên quan khởi công dự án thành phần 1A, đoạn Tân Vạn-Nhơn Trạch (giai đoạn 1) thuộc vành đai 3, có chiều dài 8,22km, gồm 6,3km qua địa bàn Đồng Nai và 1,92km đi qua địa bàn TP Hồ Chí Minh. Điểm đầu của dự án giao với tỉnh lộ 25B thuộc địa phận huyện Nhơn Trạch tỉnh Đồng Nai; điểm cuối giao với đường cao tốc TP Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây thuộc TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh. Nhiều đoạn tuyến giao thông kết nối với vành đai 3 đã và đang được triển khai xây dựng, sẵn sàng đấu nối.

Đồng chí Võ Trung Trực, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh cho biết thêm: Đến nay, các huyện: Bình Chánh, Hóc Môn và Củ Chi đều rà soát hồ sơ pháp lý, đo đạc đạt 100% khối lượng. Tại TP Thủ Đức, dù hồ sơ lớn nhưng cũng đã đạt gần 90%. Công tác đền bù cho các hộ dân đang được gấp rút triển khai trong tháng 1 và tháng 2-2023. 

Đồng chí Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho rằng, dự án vành đai 3 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, lớn nhất từ nay đến hết nhiệm kỳ, nhiều thách thức lớn... Vừa qua, UBND thành phố đã biểu dương, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích trong triển khai dự án, nhắc nhở những đơn vị còn hạn chế. Tiến độ thi công dự án cần đi liền với tiến độ giải quyết các vấn đề bồi thường, tái định cư, áp dụng các chính sách hỗ trợ phù hợp để cuộc sống của người dân sau khi di dời phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Cả hệ thống chính trị nhất định phải triển khai dự án vành đai 3 đạt tiến độ, trở thành dự án kiểu mẫu về bồi thường, hỗ trợ tái định cư, tạo động lực phát triển cho cả vùng Đông Nam Bộ, là công trình đặc biệt, mang tính biểu tượng hướng đến chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 / 30-4-2025).


Tags: vành đai 3
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật