Thanh Hóa: Bí thư xã, phường mới phải có cao cấp lý luận chính trị
Theo quy định mới nhất của Tỉnh ủy Thanh Hóa về bố trí nhân sự cấp ủy ở xã, phường mới, bí thư cấp ủy phải có trình độ cao cấp lý luận chính trị.
Luân chuyển linh hoạt giữa các địa phương
Theo quy định về bố trí nhân sự cấp ủy ở các xã, phường thành lập mới khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, không tổ chức cấp huyện mà Tỉnh ủy Thanh Hóa vừa ban hành; phương án bố trí nhân sự ở cấp ủy cấp xã mới thành lập được bao gồm cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh được điều động, luân chuyển về xã.
Cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ, ủy viên ủy ban kiểm tra cấp ủy; trưởng phó, phòng và tương đương cấp huyện sau khi kết thúc hoạt động được điều động, luân chuyển về xã; cấp ủy viên của cấp xã đương nhiệm, cơ bản đáp ứng tiêu chuyển, điều kiện theo quy định.
![]() |
Tỉnh ủy Thanh Hóa đưa ra các yêu cầu, điều kiện, tiêu chuẩn đối với từng chức danh lãnh đạo cấp xã mới thành lập. Ảnh: Internet |
Không xem xét, phân công bố trí, giới thiệu giữ chức vụ cao hơn, có vị trí quan trọng hơn đối với cán bộ đã bị thi hành kỷ luật trong nhiệm kỳ 2020-2025 hoặc có vi phạm, khuyết điểm theo kết luận của cấp có thẩm quyền. Hoặc có thông tin về trách nhiệm cá nhân trong các vụ án, vụ việc, kết luận mà các cơ quan chức năng đang, sẽ điều tra, thanh tra, kiểm tra.
Việc bố trí nhân sự tại đảng bộ xã, phường mới có thể xem xét, bố trí nhân sự là tỉnh ủy viên làm bí thư đảng ủy cấp xã; trường hợp đặc biệt, nếu đảng bộ có vị trí quan trọng, quy mô kinh tế, hạ tầng giao thông đô thị phát triển, khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp và địa bàn khó khăn thì có thể xem xét, bố trí nhân sự là ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy làm bí thư đảng ủy cấp xã.
Tỉnh ủy Thanh Hóa cũng quy định, có thể xem xét, bố trí bí thư huyện, thị, thành ủy và Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố giữ chức vụ chủ chốt ở các xã, phường mới không thuộc các huyện, thị xã thành phố đang công tác.
Trong quá trình sắp xếp, bố trí cán bộ có thể xem xét điều động cán bộ giữa xã, phường khác trong huyện, thị, thành phố và điều động cán bộ giữa các huyện, thị, thành phố với nhau để bảo đảm tính liên thông, đồng bộ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt và lâu dài.
Có thể điều động, biệt phái cán bộ khu vực miền xuôi lên công tác ở khu vực miền núi, nhất là cán bộ có trình độ về khoa học kỹ thuật để có thể hỗ trợ người dân phát triển kinh tế; các xã miền núi cao, xã biên giới nghiên cứu tăng cường cán bộ quân đội làm bí thư, phó bí thư, ủy viên ban thường vụ cấp ủy.
Tỉnh ủy Thanh Hóa cũng lưu ý, cần vận động những người không đủ tuổi tái cử hoặc thời gian công tác còn từ 5 năm trở xuống, người có trình độ chuyên môn, năng lực hạn chế thì nghỉ công tác theo chế độ chung.
Bí thư xã, phường mới phải có cao cấp lý luận chính trị, có thể là tỉnh ủy viên
Trong việc định hướng lựa chọn, bố trí cán bộ chủ chốt ở xã, phường mới, Tỉnh ủy Thanh Hóa định hướng bí thư cấp ủy cấp xã là tỉnh ủy viên trở lên, các đồng chí hiện là bí thư cấp ủy cấp huyện; là phó bí thư cấp ủy cấp huyện.
Các đồng chí thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý của các ban, sở, ngành, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ), đoàn thể cấp tỉnh điều động, luân chuyển về xã, phường. Các đồng chí hiện là ủy viên ủy ban thường vụ cấp ủy cấp huyện, ưu tiên lựa chọn các đồng chí có trong quy hoạch chức danh bí thư, phó bí thư cấp ủy, các đồng chí đã kinh qua vị trí công tác cán bộ chủ chốt ở cơ sở,…
Các đồng chí huyện ủy viên hiện là phó chủ tịch HĐND trở lên, phó chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố (có quy hoạch chức danh cao hơn, có năng lực nổi trội).
![]() |
Một góc TP. Thanh Hóa. Ảnh: Internet |
Đối với chức danh phó bí thư cấp ủy (phó bí thư thường trực, phó bí thư – chủ tịch UBND), lựa chọn theo hướng nhân sự hiện là phó bí thư cấp ủy cấp huyện; người thuộc diện ban thường vụ tỉnh ủy quản lý; ủy viên ban thường vụ cấp ủy cấp huyện; huyện ủy viên là phó chủ tịch HĐND và UBND; trưởng phòng, ban của sở, ban ngành cấp tỉnh (địa bàn khó khăn có thể bố trí phó trưởng phòng ban ngành cấp tỉnh); trưởng phòng và tương đương, hoặc phó các ban đảng cấp huyện (trường hợp vẫn thiếu cán bộ thì bố trí cán bộ cấp xã giữ chức danh phó bí thư cấp ủy cấp xã).
Về tiêu chuẩn nhân sự cấp ủy cấp xã thuộc diện ban thường vụ tỉnh ủy quản lý, Tỉnh ủy Thanh Hóa yêu cầu tốt nghiệp đại học trở lên, trình độ lý luận chính trị trung cấp trở lên. Riêng bí thư cấp ủy cấp xã phải tốt nghiệp cao cấp lý luận chính trị (đối với cơ cấu cấp ủy thuộc thôn, bản, tổ dân phố thì không bắt buộc tiêu chuẩn này).
Tỉnh ủy Thanh Hóa lưu ý, trước khi kết thúc hoạt động đơn vị hành chính cấp huyện và thành lập mới đơn vị hành chính cấp xã thì ban thường vụ cấp huyện cần chủ động tổng rà soát nguồn cán bộ cấp huyện, cấp xã để có phương án bố trí cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ cấp ủy, bí thư, phó bí thư, cán bộ lãnh đạo các phòng, ban tương đương ở cấp huyện, lãnh đạo cấp xã. Đồng thời, khi các xã, phường mới thành lập thì phân công, bố trí nhân sự giữ chức vụ lãnh đạo ở cấp xã mới ngay, bảo đảm kịp thời, không gián đoạn, nâng cao hiệu quả của hệ thóng chính trị ở cấp xã, phục vụ tốt nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. |