A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thành phố Huế: Giải pháp phát triển trong kỷ nguyên vươn mình

Đồng hành cùng cả nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, toàn thể nhân dân thành phố Huế sẽ tiếp tục tập trung một số giải pháp.

Thành phố Huế đạt nhiều chỉ tiêu đề ra

Theo UBND TP. Huế, năm 2024, địa phương đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Cụ thể, có 13/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch; trong đó tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 12.880 tỷ đồng, vượt 9,2% dự toán giao. Chỉ tiêu tăng trưởng Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 8,15%, thấp hơn mục tiêu đề ra (8,5 - 9,5%) nhưng cao hơn mức tăng trưởng bình quân của cả nước (ước đạt 6,8-7%). Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1,2 tỷ USD.

Đặc biệt, ngày 30/11/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 175/2024/QH15 về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Cùng với đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1314/NQ-UBTVQH15 về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025.

Ngày 30/11/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 175/2024/QH15 về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Ảnh: Chinhphu.vn
Ngày 30/11/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 175/2024/QH15 về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Ảnh: Chinhphu.vn

Theo các nghị quyết này, tỉnh Thừa Thiên Huế chính thức trở thành thành phố trực thuộc Trung ương từ ngày 1/1/2025. Đây là một bước ngoặt lịch sử, không chỉ khẳng định vị thế đặc biệt của vùng đất Cố đô trên bản đồ quốc gia mà còn nhấn mạnh vai trò động lực phát triển kinh tế - xã hội, tạo sự kết nối và thúc đẩy sự phát triển bền vững của thành phố Huế trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước.

Triển khai Nghị quyết số 54-NQ/TW và Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị, thời gian qua, địa phương này đã chủ động phối hợp ban, bộ, ngành Trung ương trong việc thể chế hóa các chủ trương của Đảng cho vấn đề phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Việc xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện theo các quan điểm, nguyên tắc bảo tồn, phát huy hiệu quả giá trị di sản Cố đô, bản sắc văn hóa Huế để thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương với đặc trưng: văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan thân thiện môi trường và thông minh.

Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương đã được nghiên cứu, xây dựng trên cơ sở những góp ý quý báu của các chuyên gia, các ban, bộ, ngành Trung ương, đã làm rõ những căn cứ pháp lý, điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định và đề ra mô hình đô thị, phương án cụ thể sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính các cấp; phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính, các định hướng quy hoạch ngành, lĩnh vực có liên quan được cấp thẩm quyền phê duyệt; giúp thành phố Huế trực thuộc Trung ương thiết lập bộ máy quản lý hành chính phù hợp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Hướng đi trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Đồng hành cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, với vai trò là thành phố trực thuộc trung ương, thành phố di sản văn hóa đầu tiên của Việt Nam; trong thời gian tới, UBND thành phố Huế cho biết, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức đoàn thể và toàn thể nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục đoàn kết, thống nhất để tập trung thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu.

Thứ nhất, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 175/2024/QH15, ngày 30/11/2024 của Quốc hội về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương; Nghị quyết 1314/NQ-UBTVQH15, ngày 30/11/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của thành phố Huế giai đoạn 2023 - 2025. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về ý nghĩa đặc biệt quan trọng của thành phố Huế trực thuộc Trung ương.

Đồng thời khơi dậy tinh thần cống hiến, khát vọng đóng góp xây dựng quê hương, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động ở tất cả các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong việc phát huy sức mạnh toàn dân; tạo khí thế, sức bật mới xây dựng thành phố Huế phát triển nhanh, bền vững.

Thứ hai, triển khai thực hiện quyết liệt việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả theo các quy định của Trung ương. Quan tâm giải quyết chế độ, chính sách đối với các trường hợp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư.

Chủ động chuẩn bị các điều kiện về bộ máy, nhân sự để kịp thời phục vụ cho công tác tổ chức Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh để đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của địa phương với vai trò, vị thế mới là thành phố trực thuộc Trung ương.

Thứ ba, triển khai kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh và Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế; tiếp tục hoàn thiện các quy hoạch, đề án quan trọng. Phối hợp với các cơ quan Trung ương tiến hành sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị để báo cáo Bộ Chính trị và kiến nghị, đề xuất những chủ trương, định hướng mới bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Huế trong thời gian tới.

Thứ tư, huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển đô thị, nâng chuẩn các đô thị; ưu tiên mọi nguồn lực đầu tư cho mục tiêu bảo tồn và phát huy có hiệu quả các giá trị di sản cố đô, bản sắc văn hóa Huế - con người Huế một cách bền vững, theo hướng “bảo tồn đi liền với phát triển”.

Thứ năm, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế đô thị theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững, phát triển nhanh kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, các ngành công nghiệp động lực và dịch vụ có sức cạnh tranh, từ đó từng bước nâng cao thu nhập bình quân đầu người và các chỉ tiêu phát triển khác trên địa bàn thành phố Huế.

Thứ sáu, kiên trì mục tiêu phát triển xanh và bền vững, lấy du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, công nghệ thông tin và truyền thông là đột phá, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao là nền tảng. Nâng tầm các hoạt động văn hóa, du lịch.

Thứ bảy, phát triển bền vững kinh tế biển, đầm phá; xây dựng thành phố Huế trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước, là cực tăng trưởng, động lực phát triển của vùng động lực miền Trung và cả nước với hệ thống cảng biển nước sâu Chân Mây đồng bộ, hiện đại gắn với phát triển chuỗi khu kinh tế, khu công nghiệp, đô thị biển - đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đặc sắc của khu vực.

Thứ tám, tiến hành rà soát, đánh giá tổng thể thực trạng về số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hiện có ở địa phương, nhất là tại các đơn vị hành chính liên quan việc sắp xếp cán bộ.

Trong đó quan tâm bố trí sử dụng đối với cán bộ có năng lực nổi trội, có trách nhiệm, tâm huyết với công việc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đặc biệt, chính quyền địa phương sẽ gắn việc bố trí, sắp xếp nhân sự với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh đủ mạnh để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Thứ chín, chủ động nắm chắc tình hình, triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp bảo đảm an ninh, trật tự, không để bị động, bất ngờ, không để hình thành “điểm nóng” trên địa bàn, nhất là tại các khu đô thị; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, lành mạnh phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Việc phát triển Thừa Thiên Huế trực thuộc Trung ương đã được Bộ Chính trị, Trung ương quan tâm rất sớm và thường xuyên; cho đến nay, đã có 4 văn bản của Bộ Chính trị (2 Thông báo kết luận và 2 Nghị quyết của Bộ Chính trị), cụ thể: Kết luận số 48-KL/TW ngày 25/5/2009. Thông báo số 175-TB/TW ngày 1/8/2014 của Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 và Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật