Tiêu điểm
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thi đua, khen thưởng tạo động lực phát triển mạnh mẽ

Đổi mới công tác thi đua, khen thưởng (TĐKT) với nhiều biện pháp, cách làm sáng tạo, hiệu quả đã góp phần thúc đẩy tinh thần sáng tạo, khơi dậy động lực mạnh mẽ để Thủ đô Hà Nội đột phá trên nhiều lĩnh vực.

Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 7-4-2014 về “Tiếp tục đổi mới công tác TĐKT” (Chỉ thị 34), TP Hà Nội kịp thời ban hành kế hoạch, chương trình hành động để lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện, tập trung vào việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị; phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên; đổi mới công tác TĐKT; tăng cường kiểm tra, giám sát, làm cho thi đua trở thành phong trào hành động cách mạng sâu rộng trong toàn thành phố.

Với sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của cấp ủy, chính quyền, các phong trào thi đua của thành phố tiếp tục được đổi mới cả về nội dung, hình thức và phương pháp tổ chức, ngày càng thiết thực, hiệu quả.

Đại hội Thi đua Quyết thắng Lực lượng vũ trang Thủ đô, giai đoạn 2019-2024 (ngày 20-8-2024). 

Theo đồng chí Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố, Chủ tịch Hội đồng TĐKT TP Hà Nội, sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 34, phong trào thi đua và công tác khen thưởng của thành phố có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp được quan tâm hơn. Nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác TĐKT có sự chuyển biến rõ nét và thực chất hơn.

Việc xây dựng thể chế, hoàn thiện quy định pháp luật về công tác TĐKT tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện và ban hành kịp thời. thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai hiệu quả các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ và Hội đồng TĐKT Trung ương phát động, đặc biệt là các phong trào thi đua gắn với những chủ đề thiết thực, như: “Đẩy mạnh cải cách hành chính”; “Trật tự văn minh đô thị”; “Vệ sinh, an toàn thực phẩm”; “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô”; “Người tốt, việc tốt”...

Với việc quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị 34, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cùng với sự đồng hành, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân Thủ đô tạo nên sức mạnh tổng hợp, là nguồn động lực quan trọng để thành phố đạt nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

Nổi bật là, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 6,73%, cao hơn 1,16 lần mức tăng bình quân chung cả nước. Cơ cấu ngành kinh tế chuyển dịch tích cực, tỷ trọng các ngành dịch vụ tăng dần, hiện chiếm hơn 64% trong cơ cấu tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP). Vốn đầu tư xã hội giai đoạn 2016-2020 tăng gấp 1,65 lần giai đoạn 2011-2015. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng trưởng mạnh, giai đoạn 2016-2020 thu hút 25 tỷ USD (gấp 3,9 lần giai đoạn 2011-2015). Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn liên tục tăng và vượt dự toán; lũy kế giai đoạn 2016-2020 tăng 11,1%/năm; giai đoạn 2021-2023, thu ngân sách đạt gần 1,1 triệu tỷ đồng...

Điểm sáng kinh tế Thủ đô còn thể hiện rõ nét trong lĩnh vực quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị. Hệ thống hạ tầng, nhất là giao thông được đầu tư đồng bộ, nhiều công trình quan trọng hoàn thành, đưa vào khai thác hoặc khởi công đã tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững cho Thủ đô trong thời gian tới.

Lĩnh vực văn hóa-xã hội tiếp tục phát triển toàn diện; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân Thủ đô không ngừng được cải thiện. Đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo còn 0,03%; có 18/30 quận, huyện không còn hộ nghèo.  

Công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh, đồng bộ giữa cải cách thủ tục và cải cách bộ máy, thể chế. Đẩy mạnh việc xây dựng hạ tầng số, phát triển kinh tế số, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên không ngừng được nâng lên; Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, phát huy vai trò là cầu nối vững chắc giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước.

Công tác quốc phòng được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; bảo vệ an toàn tuyệt đối các sự kiện của Trung ương, thành phố, các hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và hoạt động đối ngoại diễn ra trên địa bàn Thủ đô, qua đó tạo không khí phấn khởi, tin tưởng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, đồng thời khẳng định vai trò, vị thế của Hà Nội-Việt Nam trên trường quốc tế.

Sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 34, Hà Nội đã khuyến khích tính sáng tạo của các cấp, ngành, tổ chức, địa phương, đơn vị, từ đó xuất hiện nhiều phong trào, mô hình thiết thực, phát huy hiệu quả, nêu cao ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm đối với xã hội của cán bộ, đảng viên, hội viên và nhân dân như phong trào “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô”; “Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”; “Xây dựng Thủ đô sáng-xanh-sạch-đẹp”. Bên cạnh đó, thi đua thực hiện hiệu quả chủ đề công tác của từng năm: “Năm trật tự, văn minh đô thị”; “Năm kỷ cương hành chính”; “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”...

Qua từng năm, Hà Nội tiếp tục đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành, bảo đảm triển khai thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua; bám sát mục tiêu “Xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố xanh-văn hiến-văn minh-hiện đại” và thi đua xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện.

Song song với các phong trào thi đua, TP Hà Nội đặc biệt chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết, nhân rộng điển hình tiên tiến (ĐHTT). Xác định việc phát hiện, khen thưởng gương ĐHTT, người tốt, việc tốt là khâu đầu tiên có tính quyết định, thành phố có nhiều giải pháp, cách làm sáng tạo, hiệu quả, trong đó chỉ đạo các cấp, ngành bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, chọn nhiệm vụ trọng tâm, khâu yếu, việc khó để phát động các phong trào, đợt thi đua chuyên đề theo ngành, lĩnh vực. Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị 34, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết, tuyên truyền nhân rộng ĐHTT đã trở thành nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của thành phố.

Trong 10 năm qua, Hà Nội có hơn 3.700 tập thể, cá nhân được khen thưởng cấp Nhà nước; hơn 100.000 tập thể, cá nhân được khen thưởng cấp thành phố. Thành phố có sáng kiến mang đến hiệu quả thiết thực, đó là tổ chức cuộc thi phát hiện, viết về gương ĐHTT, “người tốt, việc tốt”, thu hút sự tham gia của đông đảo đối tượng dự thi, với hơn 15.600 bài viết và hơn 3.000 tác phẩm báo chí, góp phần khích lệ phong trào, lan tỏa gương ĐHTT trong cộng đồng.

Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị 34, phong trào thi đua và công tác khen thưởng của TP Hà Nội góp phần khích lệ, động viên Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thủ đô phát huy truyền thống lịch sử ngàn năm văn hiến và anh hùng, nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị; vai trò, vị thế, uy tín của Thủ đô ngày càng được nâng cao ở trong nước và quốc tế.


Tags: Hà Nội
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật