A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thủ tướng Đức tới Ấn Độ thúc đẩy quan hệ song phương

Thủ tướng Đức Olaf Scholz đang có chuyến thăm cấp nhà nước tới Ấn Độ từ ngày 25 đến 26-2. Chuyến thăm được kỳ vọng sẽ tạo động lực mới, góp phần tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác song phương trong một số lĩnh vực quan trọng như công nghệ, năng lượng sạch, thương mại và đầu tư.

Theo hãng tin PTI, ngày 25-2, sau lễ đón tại New Delhi, Thủ tướng Olaf Scholz có cuộc hội đàm với người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi về các biện pháp thúc đẩy quan hệ song phương và một số vấn đề hai bên cùng quan tâm như xung đột ở Ukraine, tình hình ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương... Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo cũng có cuộc thảo luận với đại diện doanh nghiệp hai nước. Theo lịch trình, ông Scholz cũng sẽ đến thăm thành phố Bengaluru-“thung lũng Silicon” của Ấn Độ.

Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Scholz tới quốc gia Nam Á sau khi trở thành Thủ tướng Đức. Sự kiện này cũng đánh dấu chuyến thăm đầu tiên của một Thủ tướng Đức tới Ấn Độ kể từ khi cơ chế tham vấn liên chính phủ (IGC) giữa hai nước diễn ra hai năm một lần bắt đầu từ năm 2011.

Trước cuộc gặp với người đồng cấp Modi ở New Delhi, Thủ tướng Scholz cho biết ông muốn làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đức-Ấn Độ. Trên Twitter, ông Scholz nhấn mạnh: “Ấn Độ và Đức có mối quan hệ rất tốt đẹp và tôi muốn làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ này. Đó sẽ là chủ đề của các cuộc đàm phán của chúng tôi và quan trọng là hòa bình trên thế giới”. Ngoài ra, trong một cuộc phỏng vấn với The Times of India, ông Scholz lưu ý, Đức muốn tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác với Ấn Độ trong các vấn đề toàn cầu như chống biến đổi khí hậu và chuyển đổi nền kinh tế theo hướng công bằng, xanh và bền vững. Ông Scholz nhận định, hai bên có tiềm năng rất lớn để tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, hydro, di động, dược phẩm, nền kinh tế kỹ thuật số...

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (bên phải) và người đồng cấp Đức Olaf Scholz tại lễ đón ở New Delhi ngày 25-2. Ảnh: Reuters 

Trong khi đó, theo Bộ Ngoại giao Ấn Độ, chuyến thăm của Thủ tướng Scholz là cơ hội để hai bên đánh giá các kết quả chính của IGC lần thứ 6 hồi tháng 5-2022, tăng cường hợp tác an ninh và quốc phòng, hướng tới các mối quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn, thúc đẩy hợp tác về lao động và đưa ra hướng dẫn chiến lược cho quan hệ hợp tác trong lĩnh vực khoa học-công nghệ.

Trong năm 2022, hai nhà lãnh đạo Đức và Ấn Độ đã gặp nhau 3 lần. Đó là các cuộc gặp tại IGC lần thứ 6 hồi tháng 5 khi Thủ tướng Modi đến thăm Berlin, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tại bang Bayern (Đức) hồi tháng 6 và bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Bali (Indonesia) vào tháng 11. Đáng chú ý, trong chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ tới Berlin hồi tháng 5, Thủ tướng Đức đã tuyên bố sẽ cung cấp 10 tỷ euro để thúc đẩy hợp tác chặt chẽ hơn nữa với Ấn Độ trong những năm tới.

Ấn Độ và Đức thiết lập quan hệ đối tác chiến lược vào tháng 5-2000. Mối quan hệ này đã được tăng cường hơn nữa với việc khởi động IGC vào năm 2011. Hai bên cũng có quan hệ hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương, trong đó có Nhóm G4 (Ấn Độ, Đức, Nhật Bản và Brazil). Riêng về lĩnh vực kinh tế, đối với Ấn Độ, Đức là đối tác thương mại lớn nhất trong Liên minh châu Âu (EU) và luôn nằm trong số 10 đối tác thương mại toàn cầu hàng đầu của nước này. Đức cũng là một trong những nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất ở Ấn Độ. Hiện nay, có khoảng 1.800 công ty Đức đang làm ăn ở Ấn Độ. Trong khi đó, Ấn Độ-nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới là đối tác hết sức quan trọng của Đức tại châu Á. Mặc dù vậy, trong danh sách các đối tác thương mại lớn nhất của Đức năm 2022, Ấn Độ chỉ xếp thứ 22 về xuất khẩu và thứ 24 về nhập khẩu. Kim ngạch thương mại song phương Đức-Ấn Độ đạt khoảng 30 tỷ euro. Con số này chưa tương xứng với tiềm năng và mong muốn hợp tác của cả hai bên.

Theo Reuters, trong chuyến thăm lần này, ông Scholz cũng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ thỏa thuận bán cho Ấn Độ 6 tàu ngầm thông thường trị giá 5,2 tỷ USD. Tuy nhiên, nỗ lực của một cường quốc sản xuất vũ khí phương Tây nhằm giảm sự phụ thuộc của New Delhi vào vũ khí Nga có thể sẽ không có kết quả ngay lập tức. Ngoài ra, ông Scholz còn có nhiệm vụ thúc đẩy tiến trình nhằm đạt được Hiệp định thương mại tự do giữa EU và Ấn Độ.

Chuyến thăm của Thủ tướng Scholz cho thấy tầm quan trọng của New Delhi đối với các nước châu Âu nói chung và Đức nói riêng. Bên cạnh việc nỗ lực thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương, ông Scholz còn muốn gắn kết Ấn Độ chặt chẽ hơn với phương Tây trong bối cảnh vị thế của quốc gia Nam Á ngày càng tăng trên trường quốc tế.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết