A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xã luận: Thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống Việt Nam - Cộng hòa Séc

Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala có chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 20 đến 22-4. Đây là chuyến công du châu Á đầu tiên của Thủ tướng Petr Fiala kể từ khi nhậm chức cuối năm 2021 và là chuyến thăm đầu tiên của người đứng đầu Chính phủ Séc đến Việt Nam trong 15 năm qua.

Việt Nam và Séc mặc dù ở cách xa nhau về mặt địa lý nhưng lại có mối quan hệ hết sức gần gũi. Séc là một trong những quốc gia thiết lập quan hệ ngoại giao sớm nhất với Việt Nam (ngày 2-2-1950). Trong nhiều thập kỷ qua, mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước luôn được giữ gìn và phát triển. Nhân dân Việt Nam luôn nhớ đến sự ủng hộ và giúp đỡ hết sức quý báu cả về vật chất và tinh thần của nhân dân Séc trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc trước đây và công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước sau này. Hàng nghìn cán bộ, kỹ sư, người lao động Việt Nam đã được Séc giúp đỡ sang học tập và lao động. Séc cũng là nước Trung Đông Âu đầu tiên cấp vốn ODA cho Việt Nam. Đây là tiền đề hết sức thuận lợi để thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Nam-Séc. Hiện nay, hai nước duy trì tiếp xúc thường xuyên ở các cấp, phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương trong khu vực và trên thế giới. Séc ủng hộ Việt Nam ứng cử vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021; đồng thời là một trong những quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đầu tiên phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA).

Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala. Ảnh: AFP/TTXVN.

Hiện nay, nền kinh tế của Việt Nam và Séc đang phát triển với nhịp độ cao, cùng hội nhập sâu vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Đó là cơ hội thuận lợi cho hợp tác song phương về kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2022 đạt 848 triệu USD, tăng 15% so với năm 2021. Việt Nam xuất khẩu sang Séc các mặt hàng như: Cà phê, hạt tiêu, hoa quả tươi-khô, lạc, chè, gạo, cao su, hải sản, giày dép, hàng dệt may, hàng thủ công mỹ nghệ... và nhập khẩu các mặt hàng điện tử, máy móc, hóa chất, hàng may mặc, sợi dệt vải, hàng da, máy móc thiết bị... từ Séc. Séc hiện có 41 dự án FDI tại Việt Nam với tổng số vốn 92 triệu USD, tập trung chủ yếu trong các ngành chế biến, chế tạo, khai khoáng...

Về hợp tác quốc phòng, hai bên đã ký Bản ghi nhớ quốc phòng từ năm 2012. Việc Séc mở Phòng Tùy viên Quốc phòng thường trú tại Việt Nam tháng 8-2020 là một dấu mốc quan trọng trong quan hệ hợp tác quốc phòng giữa hai nước, góp phần tăng cường sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy hợp tác giữa Bộ Quốc phòng hai nước trong các lĩnh vực: Hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, phòng không-không quân, công nghiệp quốc phòng...

Một điểm sáng của quan hệ giữa hai nước là hợp tác trong lĩnh vực lao động. Trong bối cảnh thiếu hụt nguồn lao động, Séc có nhu cầu tiếp nhận lao động Việt Nam được đào tạo về chuyên môn và tiếng Séc, nhất là trong lĩnh vực y tế. Séc đã thành lập một số cơ sở đào tạo nghề, hỗ trợ nâng cao tay nghề cho lao động Việt Nam về các lĩnh vực như cơ khí, công nghiệp ô tô để bổ sung một lực lượng lao động lành nghề cung cấp cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tại Séc. Bên cạnh đó, hai nước cũng thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực nông nghiệp, khoa học-công nghệ, môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, năng lượng, giáo dục-đào tạo, văn hóa, du lịch, tư pháp và pháp luật...

Cộng đồng người Việt Nam tại Séc có gần 100.000 người, là cộng đồng người Việt đầu tiên tại nước ngoài được công nhận là dân tộc thiểu số năm 2013. Cộng đồng người Việt Nam tại Séc có nhiều đóng góp tích cực cho phát triển quan hệ hai nước, được Chính phủ Séc đánh giá cao và tạo điều kiện thuận lợi cho họ làm ăn, sinh sống, hội nhập ở nước sở tại.

Với mối quan hệ hợp tác có bề dày truyền thống, sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực, chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala thể hiện sự coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ song phương của lãnh đạo hai nước. Chúng ta tin tưởng rằng, chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Petr Fiala sẽ thành công tốt đẹp, góp phần thúc đẩy hợp tác song phương trên các lĩnh vực, đặc biệt là về kinh tế, thương mại, đầu tư, hợp tác quốc phòng, an ninh, giáo dục-đào tạo cũng như trao đổi về các vấn đề khu vực, quốc tế mà hai bên cùng quan tâm.


Tags: Việt Nam
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết