EU chia rẽ vì vấn đề ngũ cốc của Ukraine
Việc chính phủ một số nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) ban hành lệnh cấm ngũ cốc từ Ukraine đang trở thành đề tài nóng, gây căng thẳng trong nội bộ khối này.
AP đưa tin, ngày 17-4, Slovakia đã thông qua lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc và các nông sản khác của Ukraine. Mặc dù không nêu các loại ngũ cốc cụ thể trong danh sách cấm nhập khẩu nhưng một đề xuất được đưa ra tại cuộc họp trước đó ở Bratislava đã liệt kê lúa mì, lúa mạch đen, đại mạch, yến mạch, ngô, củ cải đường, đường, rượu, hoa quả và rau củ, hạt hướng dương, hạt cải dầu, mật ong...
“Quyết định có hiệu lực từ ngày 19-4”, AP dẫn lời Bộ trưởng Nông nghiệp Slovakia Samuel Vlcan nêu rõ.
Như vậy, Slovakia trở thành quốc gia thành viên EU thứ ba cấm nhập khẩu nông sản từ Ukraine, theo sau các động thái tương tự của Ba Lan và Hungary, qua đó làm trầm trọng thêm thách thức đối với EU trong việc hỗ trợ Kiev vận chuyển ngũ cốc ra thị trường thế giới. Các nước giải thích rằng việc tạm ngưng nhập khẩu là để bảo vệ ngành nông nghiệp trong nước khi nguồn cung dư thừa khiến giá thành nông sản giảm mạnh. Thậm chí, ngày 17-4, Bulgaria cũng cho biết đang xem xét lệnh cấm.
Theo Reuters, từ khi Ba Lan và Hungary áp đặt lệnh cấm vào ngày 15-4, nhiều xe tải chở lương thực từ Ukraine bị kẹt ở biên giới, gây tình trạng tắc đường kéo dài.
Nông dân Romania lái máy kéo xuống đường biểu tình vào ngày 7-4 nhằm phản đối tình trạng ngũ cốc Ukraine gây ảnh hưởng tới thị trường nội địa. Ảnh: Reuters |
Cũng theo AP, Ủy ban châu Âu (EC) đã bày tỏ quan điểm không tán thành các quyết định trên, gọi việc cấm nhập khẩu ngũ cốc Ukraine là “đơn phương” và “không thể chấp nhận được”, đồng thời kêu gọi phối hợp để giải quyết vấn đề. “Việc cần làm không phải là ngưng nhập khẩu mà là tìm kiếm các giải pháp dựa trên luật pháp EU, vì lợi ích của cả Ukraine và EU”, AP dẫn tuyên bố của người phát ngôn EC Eric Mamer nhấn mạnh.
Thời gian gần đây, AP cho hay nhiều hộ gia đình làm nông nghiệp tại Ba Lan, Bulgaria và Romania đã xuống đường phản đối tình trạng nông sản giá rẻ của Ukraine tràn ngập thị trường. Họ dùng máy kéo chặn đường giao thông, chặn các cửa khẩu biên giới, giương cao những biểu ngữ có nội dung như “Chúng tôi cũng là nông dân châu Âu” hay “Chúng tôi đang đơn độc”. Các cuộc biểu tình nói trên gây áp lực ngày càng tăng cho lãnh đạo các nước và cả giới chức EU. Bộ trưởng Nông nghiệp Ba Lan Henryk Kowalczyk đã từ chức vì bế tắc trong giải quyết vấn đề này.
Sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, ngũ cốc xuất khẩu của Kiev qua Biển Đen bị gián đoạn. Nhằm tạo điều kiện, EU đã loại bỏ tất cả thuế và hạn ngạch với ngũ cốc Ukraine xuất khẩu sang 27 quốc gia thành viên. Từ đó, ngũ cốc của Ukraine được vận chuyển bằng đường bộ qua Ba Lan cũng như các quốc gia láng giềng khác. Tuy nhiên, một lượng lớn ngũ cốc Ukraine, vốn rẻ hơn ngũ cốc được sản xuất tại EU, kẹt lại ở các quốc gia trung chuyển và gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới giá cả và doanh số bán hàng của nông dân địa phương.
Reuters dẫn thống kê sơ bộ của EC ước tính nông dân Ba Lan, Romania, Hungary, Bulgaria và Slovakia gánh chịu tổn thất khoảng 417 triệu euro vì ngũ cốc Ukraine rẻ hơn đang xuất hiện ồ ạt trên thị trường của họ. Tháng trước, EC đề xuất một quỹ hỗ trợ khẩn cấp, ban đầu là hơn 56 triệu euro và sẽ tăng lên, cho nông dân các quốc gia thành viên để bù đắp thiệt hại. Dẫu vậy, một số cho rằng như thế là chưa đủ để giải quyết triệt để tình trạng hiện nay.
Ngoài ra, nhờ vai trò trung gian của Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc, Nga và Ukraine đã đạt được thỏa thuận mang tên Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen vào năm ngoái để giúp Kiev xuất khẩu hàng hóa nông nghiệp, đặc biệt là ngũ cốc, qua các cảng ở Biển Đen. Sau nhiều lần gia hạn, thỏa thuận này sẽ hết hiệu lực sau ngày 18-5 tới đây. Tuy nhiên, Reuters đưa tin, mới đây Nga tuyên bố sẽ không thảo luận về việc gia hạn thỏa thuận này nữa, trừ khi phương Tây dỡ bỏ những biện pháp hạn chế đối với việc xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Moscow.