A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xây dựng nghị định để trợ lực cho văn chương phát triển

Các cơ quan chức năng đang hoàn thiện để sớm ban hành nghị định về hoạt động văn học. Đây là văn bản pháp lý đầu tiên chỉ riêng về lĩnh vực văn học. Dư luận xã hội trông chờ những quy định pháp luật mới về lĩnh vực văn học sẽ là sự hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động văn học. Từ đó, văn học tiếp tục giữ vị thế trung tâm trong đời sống văn hóa, có nhiều tác phẩm mới, giàu giá trị nội dung và nghệ thuật.

Đáp ứng mong mỏi của nhiều người 

Lâu nay, liên quan đến lĩnh vực văn học, đặt trong khối các ngành văn học-nghệ thuật của đất nước, đã có những văn bản pháp luật liên quan nhằm quản lý, điều chỉnh, như Luật Xuất bản, Luật Sở hữu trí tuệ, Nghị định về nhuận bút, về một số giải thưởng, danh hiệu dành cho đối tượng tác giả... Một số lĩnh vực nghệ thuật đã có như Luật Điện ảnh, Luật Kiến trúc, Nghị định về nghệ thuật biểu diễn, Nghị định về hoạt động mỹ thuật, Nghị định về hoạt động nhiếp ảnh... Đây là những văn bản góp phần củng cố cơ sở pháp lý cho công tác quản lý, tổ chức hoạt động, hỗ trợ của cơ quan chức năng nhà nước, hội nghề nghiệp đối với hoạt động của các ngành nghệ thuật này. Tuy nhiên, văn bản tập trung cụ thể vào lĩnh vực văn học thì chưa có. Điều này đồng nghĩa việc thống nhất quản lý lĩnh vực văn học lâu nay chưa rõ trách nhiệm thuộc cơ quan chức năng nào?

Văn học là lĩnh vực có tác động, ảnh hưởng sâu rộng đến thẩm mỹ, tình cảm của đông đảo công chúng, góp phần sáng tạo và phát triển ngôn ngữ, xây dựng đời sống văn hóa, bồi dưỡng tâm hồn, nhân cách con người... thì vẫn có những mong đợi về việc có thêm cơ sở pháp lý cần thiết vì mục tiêu chắp cánh, nâng đỡ, đồng hành tốt hơn với người viết, nghề viết, tác phẩm.   

 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vinh danh một số tác phẩm văn học tiêu biểu năm 2023. Ảnh: TUẤN LINH

Các nội dung liên quan, trong đó có dự thảo nghị định đã được gửi đến nhiều bộ, ngành, đoàn thể để lấy ý kiến. Đây là công việc cần thiết cho sự phát triển chính sách, cơ chế quản lý, hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động sáng tác, nghiên cứu, phê bình, dịch thuật văn học một cách cụ thể, thiết thực hơn. Qua đó, thêm chỗ dựa pháp lý, gợi mở thêm nhiều hình thức hỗ trợ, động viên người cầm bút sáng tạo; nâng cao chất lượng tác phẩm văn học; tôn vinh một nghề nghiệp giàu ý nghĩa tinh thần và giá trị văn hóa; đưa văn chương tiếp cận sâu rộng hơn đến xã hội.

Trong quá trình soạn thảo nghị định, với sự tham gia đóng góp của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, các nhà văn, nhà nghiên cứu, dịch giả...;  chắc chắn các nhà soạn thảo sẽ nhận được những góp ý sâu sắc, gắn liền với thực tế hoạt động văn học của nhiều tổ chức, đơn vị, cá nhân hiện nay cùng với những đề xuất tháo gỡ khó khăn, bất cập để có thể mở hướng giải quyết trong các điều khoản của nghị định. 

Nên chú trọng hoạt động hội nghề nghiệp

Theo dự thảo, nghị định sẽ quy định về hoạt động văn học, bao gồm: Sáng tác văn học, đặt hàng sáng tác văn học, lý luận, phê bình văn học, trại sáng tác văn học, tổ chức cuộc thi, giải thưởng, giới thiệu, quảng bá văn học, dịch văn học đến công chúng, phát huy giá trị văn học Việt Nam.

Có thể thấy nội dung này bao quát các hoạt động cơ bản của văn học, có liên quan trực tiếp đến quá trình sáng tạo, thẩm bình, công bố tác phẩm, đến những người cầm bút. Nhưng nên bổ sung thêm một nội dung đã hoạt động thường xuyên, phổ biến hiện nay; đó là hoạt động hội nghề nghiệp, hay hoạt động nghiệp đoàn về văn học, hoặc hoạt động có tính chất tổ chức về văn học. Nhiều năm qua, Hội Nhà văn Việt Nam, hội nhà văn một số tỉnh, thành phố, các chi hội nhà văn trong Liên hiệp Hội văn học nghệ thuật các địa phương đều là những đầu mối triển khai các hoạt động đoàn thể, tổ chức. Cùng với đó, các hội nghề nghiệp, các nhà xuất bản chính là những địa chỉ tổ chức nhiều hoạt động văn học mà dự thảo nghị định quy định ở trên.

Đáng chú ý, trong một số nội dung khác của dự thảo cũng nhắc đến các tổ chức, hội nghề như những bộ phận gắn kết với cơ quan nhà nước trong việc triển khai chính sách. Chẳng hạn Điều 4 “Chính sách của Nhà nước về phát triển văn học” có nội dung: "Đa dạng hóa nguồn lực hỗ trợ sáng tác, trong đó chú trọng xây dựng quỹ đầu tư sáng tác do các hội chuyên ngành văn học-nghệ thuật quản lý để hỗ trợ tác giả, đặc biệt là đối với khu vực vùng sâu, vùng xa và biên giới, hải đảo, dân tộc thiểu số". Đây là một nội dung tích cực, gợi mở, cụ thể hóa hơn nữa chủ trương của Đảng, Nhà nước về thúc đẩy xã hội hóa, khai thác các nguồn lực ngoài ngân sách để hỗ trợ cho văn học-nghệ thuật. 

Chính vì một số thực tế trên mà trở lại các hoạt động được nghị định quy định, rất cần đưa hoạt động tổ chức, hội nghề về văn học vào. Nhìn rộng và xa thêm, từ trước đến nay, hoạt động tổ chức sáng tác, phát triển phong trào sáng tác cũng như đầu mối tiếp nhận hỗ trợ từ Nhà nước để chia sẻ đến nhiều thế hệ tác giả là các hội viên thường tập trung vào đầu mối tổ chức hội. Công việc này có thể nói, từ phía ngành văn hóa vẫn còn hạn chế. Hiện tại và thời gian tới, khi ngành tăng cường quản lý nhà nước đối với lĩnh vực văn học, thì cần có sự phối hợp, tranh thủ kinh nghiệm, tư vấn của tổ chức hội để việc định hướng, hỗ trợ nghề văn và người viết văn được hiệu quả hơn. Do đó, hoạt động của hội nghề nghiệp nên được hiện diện đầy đủ hơn trong nghị định. Cũng chính vì những lý do trên mà ở Điều 9 về “Sáng tác tác phẩm văn học theo đặt hàng, tài trợ”, ngoài các đầu mối triển khai việc tài trợ sáng tác là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cùng với UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì nên có thêm Hội Nhà văn Việt Nam.

Giải thưởng quốc gia trên nền tảng đã có     

Dự thảo nghị định có một nội dung rất đáng quan tâm là Điều 23: “Giải thưởng văn học”. Theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng Giải thưởng văn học quốc gia.

Như tinh thần tên gọi thì đây sẽ là giải thưởng có ý nghĩa lớn, mang tính đại diện cao, đòi hỏi rất cao về chất lượng sáng tác và công tác tổ chức giải, xét chọn tác phẩm. Nhiều năm qua, về giải thưởng văn học ở quy mô toàn quốc với ý nghĩa mang tính Trung ương, Nhà nước, thì công chúng, giới nghề vẫn biết đến giải thưởng hằng năm của Hội Nhà văn Việt Nam, một giải thưởng đã có bề dày và vinh danh được nhiều tác phẩm xuất sắc. Một giải khác, ở tầm vóc lẽ ra phải cao hơn nhưng thực tế uy tín lại khó so sánh được là giải thưởng văn học nằm trong hệ thống giải hằng năm của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Ngoài hai giải thưởng toàn quốc đó, với mục tiêu có thêm giải thưởng quốc gia thời gian tới, thì cũng đáng cân nhắc về tính cần thiết, tính hợp lý, ý nghĩa đại diện...

Theo ý kiến người viết bài này, nên nghiên cứu nâng cấp, nâng tầm tên gọi của giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, lấy đó làm giải thưởng quốc gia hằng năm. Giải thưởng này có vai trò thẩm định chuyên môn của Hội và vai trò phối hợp tổ chức, tổ chức trao giải, khen thưởng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Tất nhiên, theo đó, với ý nghĩa, tầm vóc, quy mô của giải thưởng, thì hoạt động chuyên môn càng phải đề cao và có thể mời thêm những đơn vị thẩm định độc lập, phản biện đối với việc xét chọn. Ví như một số viện nghiên cứu, khoa giảng dạy về văn học, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương... Đồng thời, với tinh thần tôn vinh tác phẩm xuất sắc, tiêu biểu, đại diện, thì căn cứ vào chất lượng chứ không nhất thiết mỗi năm đều phải có hay có đủ tác phẩm cho các thể loại.

Đặc biệt, với ý nghĩa quốc gia của giải thưởng, thì vai trò của ngành văn hóa cũng như tổ chức hội không chỉ dừng lại ở việc xét và trao thưởng. Cần có trách nhiệm đi xa hơn cùng giải thưởng với việc quảng bá, lan tỏa các tác phẩm được giải vào đời sống, đến với công chúng rộng rãi và có chiến lược dịch thuật, quảng bá ra nước ngoài, không quên có những hỗ trợ xứng đáng, thỏa đáng đối với các tác giả.   

Khuyến khích sáng tạo tác phẩm văn học, phát triển lý luận, phê bình văn học; phát triển nền văn học Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần ngày càng cao của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, mở rộng giao lưu văn hóa với các nước trên thế giới... Đó là chính sách của Nhà nước về phát triển văn học mà dự thảo nghị quyết nhắc đến. Mong rằng dự thảo nghị quyết sẽ tiếp tục được hoàn chỉnh trên tinh thần khai thác, quy tụ, khơi dậy tiềm lực chung của các cơ quan chức năng ngành văn hóa, chính quyền các địa phương, tổ chức hội nghề nghiệp và các tổ chức, đơn vị... trong xã hội nhằm thêm trợ lực cho người viết văn và hành trình sáng tạo của họ.


Tags: văn học
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết