A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bác sĩ bệnh viện về trạm y tế

Bệnh viện tuyến trên quá tải, người dân đi lại xa xôi, vất vả, nhất là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa. Nhu cầu khám, chữa bệnh ở cấp xã, phường rất nhiều, lại đa dạng các bệnh như nội khoa, ngoại khoa, nhi khoa, da liễu... nên chủ trương đưa các bác sĩ của bệnh viện tuyến trên về trạm y tế là rất phù hợp. Tuy nhiên, để bác sĩ làm việc tại các trạm y tế cấp xã, phường một cách hiệu quả còn nhiều điều phải giải quyết.

Ai cũng hiểu có bác sĩ làm việc ở trạm y tế thì người dân rất thuận tiện trong việc khám, chữa bệnh, cấp cứu ban đầu; bệnh nhân không phải mất nhiều thời gian đi lại và chờ đợi; việc phát hiện sớm và quản lý bệnh, nhất là các bệnh mạn tính sẽ giúp công tác điều trị hiệu quả, đỡ tốn kém...

Từ đầu năm 2022 đến nay, có gần 600 bác sĩ trẻ được thực tập và làm việc tại các trạm y tế cấp xã, phường ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu... Hàng trăm lượt bác sĩ tại các bệnh viện cũng có thời gian từ 1 đến 3 năm làm việc tại các trạm y tế. Bác sĩ về các trạm y tế sẽ có cơ hội trải nghiệm, nắm vững và thấu hiểu những thuận lợi, khó khăn trong công tác phòng, chống bệnh tật và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Từ đó, họ sẽ có điều kiện để rèn luyện y đức, tích lũy kinh nghiệm chuyên môn và chia sẻ nhiều hơn với bệnh nhân.  

 Khám bệnh tại Trạm Y tế phường 8, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa: qdnd.vn

Tuy nhiên, những khó khăn và thách thức khi bác sĩ về làm việc tại các trạm y tế cũng không nhỏ. Trước hết là thu nhập của bác sĩ ở cơ sở rất thấp so với làm việc tại các bệnh viện.

Ở trạm y tế, bác sĩ chỉ nhận lương theo ngạch, bậc mà không có bất kỳ khoản đãi ngộ nào khác vì trạm y tế chỉ khám, chữa bệnh, tiêm chủng theo quy định chứ không làm dịch vụ nên không có nguồn thu để hỗ trợ nhân viên y tế. Đời sống của bác sĩ gặp rất nhiều khó khăn, khiến không ít người đã chuyển tới bệnh viện hay phòng khám tư nhân làm việc để có thêm thu nhập. Tiếp đó là cơ sở vật chất ở các trạm y tế thường thiếu thốn, lạc hậu, khó phát huy hết chuyên môn của bác sĩ, dễ gây cảm giác chán nản, thiếu nhiệt huyết. Rồi những khó khăn về nơi ăn, nghỉ, đi lại và các nhu cầu khác của cuộc sống.

Trên thực tế, tăng lương, xây trụ sở, mua máy móc hiện đại... chưa phải là giải pháp căn cơ, lâu dài để bác sĩ các bệnh viện về trạm y tế làm việc hiệu quả. Bởi lẽ lương không thể tăng theo nhu cầu, trạm y tế khang trang mà không có bệnh nhân, máy móc hiện đại mà không biết sử dụng sẽ gây lãng phí lớn. Điều quan trọng là phải biến các trạm y tế thành những phòng khám từ xa của các bệnh viện.

Vấn đề trước mắt là các bệnh viện và chính quyền địa phương phải quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần cho bác sĩ khi đến trạm y tế làm việc. Bản thân các bác sĩ cũng cần xác định tốt tư tưởng, khắc phục khó khăn để xây dựng ý thức trách nhiệm cao vì sức khỏe của người dân và cộng đồng. Như thế sẽ bảo đảm cho chủ trương đưa bác sĩ các bệnh viện về trạm y tế cấp xã, phường đạt hiệu quả cao nhất, góp phần tích cực vào nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân ngay từ tuyến cơ sở.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết