A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bán hàng nhập lậu, giả nhãn hiệu Nike, Adidas, Yody... bị phạt hàng trăm triệu

Theo Quản lý thị trường Hà Tĩnh, đơn vị vừa xử lý 11 vụ vi phạm giả mạo nhãn hiệu, xử phạt hành chính hàng trăm triệu đồng chỉ trong vòng 2 tháng qua.

Thông tin từ Cục Quản lý thị trường Hà Tĩnh, cho biết chỉ trong vòng 2 tháng nay đơn vị đã phát hiện, xử lý 11 vụ vi phạm giả mạo nhãn hiệu, thương hiệu gồm 832 chiếc áo phông giả mạo nhãn hiệu Yody, Adidas; 46 đôi giày nhãn hiệu Nike; 53 kính mắt giả nhãn hiệu Gucci, Chanel. Đơn vị đã xử phạt vi phạm hành chính hơn 132 triệu đồng.

Bán hàng nhập lậu, giả nhãn hiệu Nike, Adidas, Yody... bị phạt hàng trăm triệu
Đội Quản lý thị trường số 1 đã tổ chức thực hiện tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính, tang vật buộc tiêu hủy gồm 250 chiếc áo phông giả mạo nhãn hiệu “YODY”.

Trước đó, ngày 14/3/2023, Đội Quản lý thị trường số 3 thuộc Cục Quản lý thị trường Hà Tĩnh kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với cửa hàng giày dép tại thị trấn Hương Khê do bà Cao Thị Hiền làm chủ.

Tại thời điểm kiểm tra, phát hiện tại cửa hàng đang bày bán 46 đôi giày, dép mang nhãn hiệu Nike có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Nike của Công ty TNHH Nike Việt Nam. Đơn vị đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên và phối hợp với Công ty TNHH Nike Việt Nam để xác nhận hàng thật - hàng giả.

Đến ngày 15/3/2023, đội Quản lý thị trường Hà Tĩnh số 3 nhận được văn bản trả lời của Công ty TNHH Nike Việt Nam về việc xác nhận số hàng hóa 46 đôi giày, dép thể thao nói trên là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Nike. Đội đã lập hồ sơ trình Cục Quản lý thị trường ban hành quyết định xử phạt 10 triệu đồng đối với bà Hiền về hành vi vi phạm hành chính buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa có trị giá hơn 9,2 triệu đồng.

Ngày 10/4/2023, Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường Hà Tĩnh tiến hành khám xe ô tô, biển kiểm soát: 38C - 113.25 do ông N.P.T có địa chỉ thường trú tại xã Thạch Thắng, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh), điều khiển phương tiện, là chủ hàng. Quá trình khám phương tiện, phát hiện 250 chiếc áo phông mang nhãn hiệu “YODY”, toàn bộ số hàng hóa này không có hóa đơn chứng từ, có dấu hiệu là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu được bảo hộ tại Việt Nam. Đội Quản lý thị trường số 1 đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hoá trên để xác minh, làm rõ.

Bán hàng nhập lậu, giả nhãn hiệu Nike, Adidas, Yody... bị phạt hàng trăm triệu
Theo QLTT Hà Tĩnh, đơn vị vừa xử lý 11 vụ vi phạm giả mạo nhãn hiệu, xử phạt hành chính hàng trăm triệu đồng chỉ trong vòng 2 tháng qua.

Qua xác minh làm việc với Công ty cổ phần thời trang YODY là chủ thể quyền của nhãn hiệu “YODY” và ông N.P.T đã thừa nhận hành vi, vi phạm hành chính buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu. Đội Quản lý thị trường số 1 đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính với ông N.P.T về hành vi buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu với số tiền 16.000.000 đồng, buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa giả mạo nhãn hiệu.

Mới đây nhất 21/4/2023, Đội Quản lý thị trường số 6 phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an Hà Tĩnh) tiến hành kiểm tra hộ kinh doanh của bà Trần Thị Hồng Nhung, đường Nguyễn Huy Tự (TP. Hà Tĩnh). Qua kiểm tra, phát hiện 240 chiếc áo phông giả mạo nhãn hiệu Yody. Đơn vị đã củng cố hồ sơ, trình Cục Quản lý thị trường ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 27,5 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ tang vật vi phạm.

Theo đại diện Cục Quản lý thị trường Hà Tĩnh, phương thức bán hàng trên nền tảng thương mại điện tử khá phức tạp. Tuy vậy, nhờ tăng cường biện pháp đấu tranh, thời gian qua đơn vị xử lý nhiều vụ vi phạm trên kênh này. Thời gian tới, Cục sẽ có thêm nhiều giải pháp để đẩy mạnh hơn nữa công tác thanh kiểm tra hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, trong đó tập trung vào các mặt hàng thời trang xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Ông Nguyễn Đình Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Tĩnh, cho biết Cục thường xuyên kiểm soát thị trường và xử phạt các trường hợp vi phạm, góp phần vào công tác chống hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại. Tuy nhiên, công tác chống hàng giả mạo nhãn hiệu vẫn gặp nhiều khó khăn. Để kết luận hàng giả mạo nhãn hiệu, vi phạm sở hữu trí tuệ, bắt buộc phải qua quá trình giám định và cần sự phối hợp từ các doanh nghiệp sở hữu nhãn hiệu, trong khi đó, chi phí giám định khá cao.

Bên cạnh công tác kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng, để ngăn chặn hàng hóa giả mạo nhãn hiệu lưu thông trên thị trường, rất cần sự chung tay từ phía người tiêu dùng. Đó là không tiêu thụ, “tiếp tay” cho việc kinh doanh hàng giả nhãn hiệu. Các doanh nghiệp, chủ sở hữu các nhãn hiệu cũng cần chủ động phối hợp với lực lượng chức năng để phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm” - ông Nguyễn Đình Khoa cho biết thêm.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết