Tiêu điểm
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bảo đảm cung ứng thuốc hiếm điều trị bệnh nhân

Sự cố người dân ở Quảng Nam ngộ độc botulinum đã được các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) đưa thuốc giải botulism antitoxin heptavalent (BAT) đến điều trị kịp thời. Đến nay, tình trạng của 3 bệnh nhân đã được cải thiện.

Thuốc botulism antitoxin heptavalent là loại thuốc quý hiếm không chỉ ở Việt Nam mà cả trên toàn cầu, có giá hơn 8.000USD/lọ (khoảng 190 triệu đồng). Không những đắt đỏ mà thuốc còn rất hiếm, hiện trên thế giới chỉ có một công ty tại Canada sản xuất.

Trước đó, năm 2020, để kịp thời hỗ trợ Việt Nam trong việc điều trị cho các bệnh nhân nhiễm độc botulinum do ngộ độc pa tê Minh Chay, Tổ chức Y tế thế giới đã tài trợ Việt Nam 12 lọ thuốc BAT dùng giải độc tố clostridium botulinum. Tuy nhiên, hiện cả nước chỉ còn 2 lọ BAT là những liều giải độc botulinum cuối cùng. Các chuyên gia lo ngại sẽ rất khó khăn nếu tiếp tục xuất hiện các ca ngộ độc botulinum trong cộng đồng.

Bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) đang thăm khám cho bệnh nhân bị ngộ độc Botulinum tại Quảng Nam. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.

Hiện, nhiều loại thuốc hiếm ngày càng trở nên cần thiết trong việc cứu chữa người bệnh trong tình trạng nguy cấp, nhiều người dân lo ngại trước thực tế thiếu thuốc hiếm trong công tác điều trị bệnh nhân. Về vấn đề này, ông Lê Việt Dũng, Phó cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) chia sẻ: “Để giúp các cơ sở khám, chữa bệnh có biện pháp chủ động trong việc bảo đảm đủ thuốc hiếm đáp ứng nhu cầu điều trị của cơ sở, trong nhiều năm qua, Bộ Y tế đã xây dựng và ban hành Danh mục thuốc hiếm, thuốc không sẵn có. Danh mục các thuốc này thường xuyên được điều chỉnh, hiện tại gồm 214 thuốc để phòng, chẩn đoán, điều trị bệnh hiếm gặp và 229 thuốc không sẵn có”.

Ông Lê Việt Dũng cho biết thêm, Bộ Y tế đã trình Chính phủ/ban hành theo thẩm quyền một số cơ chế để bảo đảm nguồn cung đối với thuốc hiếm như ưu tiên thẩm định theo quy trình thẩm định nhanh; xem xét, chấp nhận hồ sơ dữ liệu trong trường hợp dữ liệu chưa đáp ứng đủ thời gian theo quy định.

Cho phép cấp phép nhập khẩu thuốc chưa có giấy đăng ký lưu hành đối với các thuốc thuộc danh mục thuốc hiếm nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu điều trị của cơ sở khám, chữa bệnh; đồng thời cho phép chuyển nhượng các thuốc này giữa các cơ sở khám, chữa bệnh...

Tuy nhiên, theo Phó cục trưởng Cục Quản lý Dược, thực tế việc bảo đảm cung ứng một số thuốc hiếm còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó có nguyên nhân việc mua sắm thuốc thuộc danh mục thuốc hiếm vẫn được thực hiện bởi các cơ sở khám, chữa bệnh theo quy định về mua sắm, đấu thầu thuốc. Về cơ bản, nguồn cung tổng thể với các thuốc hiếm là không thiếu, chỉ thiếu ở một số cơ sở y tế do còn tồn tại các khó khăn trong công tác dự trù, xác định nhu cầu do phụ thuộc vào tình hình bệnh tật phát sinh của từng năm và trong công tác thực hiện mua sắm (thời gian thực hiện mua sắm kéo dài dẫn đến thiếu tính kịp thời)...

Hiện Bộ Y tế đang triển khai xây dựng danh mục thuốc hiếm thiếu, có nguy cơ thiếu hằng năm để có kế hoạch chủ động bảo đảm nguồn cung với các thuốc này. Đồng thời, có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp dược trong nước triển khai sản xuất mặt hàng thuốc hiếm để chủ động nguồn cung trong nước.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật