Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em
Ngày 18-5, Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) phối hợp với Tổ chức ChildFund Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn Tháng hành động vì trẻ em năm 2023 với chủ đề “Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em”.
Phát biểu tại hội nghị, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết: Theo thống kê, tình trạng bạo lực đối với trẻ em năm 2022 gia tăng so với năm 2021, đặc biệt là bạo lực trong trường học và trong gia đình.
Trong 4 tháng đầu năm 2023, chỉ tính riêng các cuộc gọi đến Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 liên quan đến bạo lực học đường đã tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Thống kê thông qua các vụ việc cơ quan công an thụ lý, xác minh và giải quyết cũng cho thấy, xu hướng xâm hại trẻ em năm 2023 gia tăng so với năm 2022. Cùng với đó là tình trạng trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng vẫn diễn biến phức tạp. Các hành vi, hậu quả của vi phạm quyền trẻ em nói chung, xâm hại trẻ em nói riêng trên môi trường mạng đã và đang tác động đến trẻ em trước mắt và lâu dài, đặc biệt là liên quan đến vấn đề tâm lý, tình cảm, đạo đức và sức khỏe tâm thần của trẻ.
Trước thực trạng này, để bảo vệ trẻ em, theo ông Đặng Hoa Nam: Chúng ta thấy rằng trách nhiệm của gia đình, cha mẹ đối với việc phòng ngừa tổn hại cho trẻ, trong đó có phòng ngừa xâm hại, tai nạn thương tích, đuối nước... Nhà nước có chính sách, truyền thông giáo dục, hỗ trợ gia đình nhưng nếu cha mẹ không quan tâm thì trẻ em không được bảo vệ, không được sống an toàn.
Quang cảnh hội nghị tập huấn. |
Tháng hành động vì trẻ em năm nay có chủ đề “Chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em” với các hoạt động, chương trình hành động cụ thể của các cấp, các ngành, địa phương và toàn xã hội nhằm tiếp tục xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh để thực hiện đầy đủ các quyền trẻ em và bảo đảm trẻ em được phát triển toàn diện. Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, đặc biệt là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong việc giải quyết các vấn đề trẻ em một cách quyết liệt, có các biện pháp can thiệp trước mắt và lâu dài. Cùng với đó là việc thực hiện có hiệu quả chính sách pháp luật về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, nhất là việc bảo vệ trẻ em khỏi bị xâm hại và phòng trách tai nạn thương tích ở trẻ.
Cũng tại hội nghị, các đại diện đến từ Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổ chức ChildFund Việt Nam, Công ty Cổ phần an ninh mạng SCS… đã chia sẻ và bàn các giải pháp để chung tay giảm thiểu tổn hại trẻ em.