Dạy bơi cho trẻ em để phòng ngừa đuối nước
Chỉ trong mấy ngày qua, cả nước ghi nhận nhiều vụ trẻ em bị đuối nước, đau xót nhất là trường hợp hai anh em sinh đôi ở Vĩnh Long và 3 chị em ruột tại Đồng Tháp thiệt mạng vì tắm sông. Hè đến, tai nạn đuối nước trở thành nỗi ám ảnh của không ít gia đình.
Nhân lên những mô hình hiệu quả
Ngày cuối tháng 5, trời mưa dông, chúng tôi đến Trường THPT Trần Phú (TP Đà Lạt)-một trong những đơn vị tiêu biểu của tỉnh Lâm Đồng trong nhiệm vụ phổ cập bơi cho học sinh. Trò chuyện với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, cô Vũ Thị Quế, Hiệu trưởng nhà trường khẳng định: “Hơn 90% học sinh của nhà trường đã biết bơi”.
Vì sao một ngôi trường chưa có bể bơi nhưng số học sinh biết bơi lại chiếm tỷ lệ cao đến thế? Lý giải về điều này, cô Vũ Thị Quế cho biết: “Đó là sự chung sức đồng lòng của nhà trường và gia đình học sinh. Cách đây 4 năm, chúng tôi bắt đầu triển khai kế hoạch phổ cập bơi, áp dụng từ học sinh lớp 10. Nhà trường phối hợp với ban quản lý một hồ bơi trên địa bàn nhằm giảm chi phí học bơi cho học sinh; giáo viên thể dục của trường đóng vai trò là những huấn luyện viên bơi miễn phí. Mỗi học sinh cần đóng cho ban quản lý hồ bơi 1,3 triệu đồng/khóa. Ban đầu, nhiều phụ huynh chưa nhận rõ tầm quan trọng của việc phổ cập bơi, phòng, chống đuối nước. Nhờ các thầy giáo, cô giáo trong nhà trường vận động, cộng với sự hỗ trợ về chính sách của các cấp quản lý, từ đó rất nhiều phụ huynh và học sinh hưởng ứng. Mới đây, chúng tôi tổ chức thành công giải bơi cấp trường, thu hút hơn 150 học sinh đua tài”.
Nằm trên địa bàn thường xuyên xảy ra mưa lũ, những năm qua, Ban giám hiệu Trường THCS An Ninh (xã An Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) luôn quan tâm đến công tác phổ cập bơi cho trẻ em. Theo đó, nhà trường phối hợp với một số đơn vị sở hữu bể bơi trên địa bàn hỗ trợ dạy bơi cho học sinh, mỗi em tham gia cần đóng 360.000 đồng/khóa. Bên cạnh nhiều phụ huynh hiểu và ủng hộ kế hoạch cũng có không ít gia đình chưa quan tâm tới vấn đề này. Thầy Từ Công Khánh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Tỷ lệ học sinh biết bơi tại trường đạt gần 60%. Đây là con số chúng tôi cần nỗ lực cải thiện, trong đó cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của phụ huynh và học sinh”.
Suốt 15 năm qua, Tổ chức Swim Vietnam đã dạy kỹ năng bơi sinh tồn miễn phí cho hơn 30.000 học sinh và kiến thức an toàn dưới nước cho gần 120.000 học sinh chưa có điều kiện đi học bơi, cùng gần 4.500 giáo viên dạy bơi an toàn dưới nước trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Gần đây, Tổ chức Swim Việt Nam ủng hộ kinh phí, hỗ trợ chuyên môn xây dựng 11 bể bơi lắp ghép tại Quảng Nam; mở rộng hỗ trợ phòng, chống đuối nước cho trẻ em tại hai tỉnh Kon Tum, Quảng Trị. Ông Đoàn Minh Trung, Giám đốc Tổ chức Swim Vietnam cho biết: “Việc cho con đi học bơi không khó ở thành phố, nhưng ở nông thôn thì đây là một vấn đề vì điều kiện khó khăn. Swim Vietnam mong muốn có thể dạy bơi được cho nhiều trẻ em trên cả nước. Để làm được điều đó, chúng tôi rất cần được các địa phương tạo điều kiện”.
Giáo viên thuộc Tổ chức Swim Vietnam dạy bơi cho trẻ em tại bể bơi Trường Tiểu học Lương Thế Vinh, phường Tân An (Hội An, Quảng Nam). Ảnh: NHƯ CẨM |
Xóa rào cản cơ chế, huy động các nguồn lực xã hội
Muốn an toàn trong môi trường nước, trước hết trẻ em cần biết bơi, đồng thời được trang bị những kiến thức trong xử lý tình huống. Vấn đề là nhiều trẻ em ở nông thôn hiện nay chưa có điều kiện học bơi vì hoàn cảnh gia đình và nhiều địa phương gặp khó về cơ sở vật chất. Có một nghịch lý, nhiều địa phương dù sở hữu bể bơi nhưng chưa thể hoạt động do thiết kế không phù hợp, thiếu kinh phí vận hành.
Ông Đoàn Minh Trung nhìn nhận: “Công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em ở Việt Nam đã được quan tâm nhưng mới dừng ở mức đầu tư cơ sở vật chất mà thiếu kế hoạch trong vận hành. Một bể bơi chìm bằng bê tông chiều dài 25m cần chi phí vận hành mỗi năm từ 200 triệu đến 250 triệu đồng; nếu là bể bơi lắp ghép cần chi phí vận hành khoảng 80 triệu đồng/năm. Nhiều đơn vị, trường học dù được đầu tư bể bơi nhưng không thể vận hành bởi thiếu kinh phí, thiếu đội ngũ chuyên môn và không được thu phí trong trường học. Bởi vậy mới có chuyện nhiều trường học không dám nhận dù được nhà tài trợ đề nghị xây tặng bể bơi”.
Là người gắn bó với nhiều hoạt động phòng, chống đuối nước trên cả nước, ông Lê Chí Hùng, Phó trưởng bộ môn Thể thao dưới nước, Khoa Giáo dục thể chất, Trường Đại học Thể dục thể thao (TDTT) Đà Nẵng bày tỏ: “Bơi là môn thể thao đặc thù nên việc xây dựng hồ bơi tại nhiều địa phương hiện nay gặp rào cản về quỹ đất, thủ tục. Ngoài ra, hạn chế lớn nhất của việc dạy bơi cho trẻ là các giáo viên thể dục có chuyên môn về bơi lội trong trường học hiện nay yếu và thiếu”.
Bà Nguyễn Thị Chiên, Phó vụ trưởng Vụ TDTT quần chúng, Tổng cục TDTT cho biết: "Các cấp, ngành, đơn vị liên quan đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân để nâng cao nhận thức, đồng thời đề xuất các giải pháp gỡ khó về cơ chế. Thực tế, không ít đơn vị xã hội sẵn sàng hỗ trợ "xóa mù" bơi trong trường học nhưng cũng nhiều đơn vị lo ngại vì quá nhiều thủ tục rườm rà”.
Tại Lễ phát động toàn dân tập luyện môn bơi phòng, chống đuối nước năm 2023 mới đây, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chung tay đóng góp nhân lực, vật lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ thể thao và bể bơi để toàn dân nói chung, trẻ em nói riêng có điều kiện tập luyện nâng cao sức khỏe, phòng, chống bệnh tật, giảm tai nạn đuối nước. “Chúng tôi mong rằng mỗi người dân không chỉ tích cực tập luyện môn bơi mà còn là tuyên truyền viên tích cực vận động gia đình, người thân, bạn bè trang bị kiến thức, kỹ năng bơi nhằm phòng, chống đuối nước”, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương bày tỏ.
“Tỷ lệ trẻ em tử vong do đuối nước có xu hướng giảm, từ 3.300 trẻ năm 2010 xuống khoảng 1.990 trẻ năm 2022. Trung bình giảm 3-5%/năm, tương đương khoảng 100 trẻ/năm. Các vụ đuối nước trẻ em xảy ra tập trung vào những tháng hè, hay gặp đầu mùa hè khi các em kết thúc năm học”, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết. |