A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chung tay thúc đẩy các nỗ lực hỗ trợ nạn nhân bom mìn và người khuyết tật

Sáng 4-4, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo tham vấn quốc gia “Nhu cầu hỗ trợ phục hồi chức năng thể chất và sức khỏe tâm thần của nạn nhân bom mìn và người khuyết tật”.

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “Chương trình tăng cường hỗ trợ nạn nhân bom mìn tại các quốc gia thành viên ASEAN”. Hội thảo do Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam (VNASMA), Trung tâm Hành động bom mìn khu vực ASEAN (ARMAC) và Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC) phối hợp tổ chức.

Trung tướng Phạm Ngọc Khóa, Phó chủ tịch Thường trực Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam phát biểu khai mạc. 

Phát biểu khai mạc hội thảo, Trung tướng Phạm Ngọc Khóa, Phó chủ tịch Thường trực VNASMA nhấn mạnh, thời gian qua, VNASMA đã nhận được sự đồng hành của nhiều cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức quốc tế, tổ chức tôn giáo, các nhóm thiện nguyện và quần chúng nhân dân để xây dựng nguồn lực hỗ trợ nạn nhân bom mìn. Từ nguồn lực đó, hội đã tổ chức nhiều đợt hỗ trợ sinh kế, kết hợp tuyên truyền phòng tránh tai nạn bom mìn ở các tỉnh, thành phố, với tổng số người được hỗ trợ sinh kế là 6.000 nạn nhân và gia đình.

Bà Rothna Buth, Giám đốc điều hành Trung tâm Hành động bom mìn khu vực ASEAN phát biểu tại hội thảo. 

Những kết quả hợp tác đầu tiên giữa VNASMA với ARMAC trong các hoạt động khảo sát thực tế tại Huế và Quảng Bình vừa qua, cùng với kết quả thảo luận tại hội thảo lần này sẽ là tiền đề để VNASMA và ARMAC thúc đẩy hơn nữa các hoạt động hợp tác song phương, đồng thời mở ra những cơ hội hợp tác mới với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), các tổ chức nhân đạo của Hàn Quốc, Singapore, Mỹ, Nhật Bản… Tất cả nằm trong nỗ lực nhằm làm giảm bớt những hậu quả do bom mìn thời chiến tranh để lại trên đất nước Việt Nam.

Quang cảnh hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, Giám đốc điều hành ARMAC Rothna Buth chia sẻ, mỗi một sinh mạng mất đi do bom mìn đều để lại nỗi đau cho những người ở lại, cho gia đình, cộng đồng và đất nước của họ. Nằm trong khuôn khổ dự án “Chương trình tăng cường hỗ trợ nạn nhân bom mìn tại các quốc gia thành viên ASEAN”, những ý kiến, đề xuất tại hội thảo lần này góp phần định hướng những nỗ lực trong nước và quốc tế trong việc hỗ trợ các nạn nhân bom mìn và người khuyết tật, giúp họ tái hòa nhập cộng đồng và tiếp tục có nhiều đóng góp giá trị cho đất nước, cho xã hội.

Theo kết quả khảo sát của VNMAC, từ năm 1975 đến nay, bom mìn còn sót lại sau chiến tranh đã khiến 42.000 người thiệt mạng, 62.000 người bị thương, trong đó phần lớn nạn nhân là lao động chính trong gia đình, đồng bào dân tộc thiểu số và trẻ em.

 
 
Các đại biểu dự hội thảo. 

Những hậu quả do bom mìn gây ra đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của nhiều người dân. Cùng với đó, người khuyết tật tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ phục hồi chức năng toàn diện cả về thể chất và sức khỏe tinh thần. Những thách thức này đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan Chính phủ, tổ chức xã hội, chuyên gia y tế, cũng như sự chung tay của cộng đồng quốc tế.

Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng thảo luận, đánh giá và đề xuất các giải pháp nhằm cải thiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ nạn nhân bom mìn và người khuyết tật; đồng thời chia sẻ kinh nghiệm, kết quả nghiên cứu và kiến nghị các chính sách nhằm xây dựng một hệ thống hỗ trợ nạn nhân bom mìn và người khuyết tật một cách toàn diện, bền vững hơn.

Tin, ảnh: HIỀN MINH


Tags: bom mìn
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật