Đồng bào M’nông bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch
Bon Pi Nao, xã Nhân Đạo, huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông) có hơn 95% dân số là đồng bào dân tộc M’nông. Hiện nay, bon không chỉ duy trì các đội cồng chiêng, nghề dệt thổ cẩm, ủ rượu cần... mà còn khôi phục được những bài chiêng cổ bị thất truyền. Bản sắc văn hóa được bảo tồn, phát huy đã thúc đẩy hoạt động du lịch cộng đồng của bon Pi Nao, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống và tạo động lực để bà con tiếp tục giữ gìn truyền thống cha ông.
Nơi hội tụ tinh hoa văn hóa M’nông
Bon Pi Nao hiện có 118 hộ dân với 500 nhân khẩu, chủ yếu là dân tộc M’nông. Bên cạnh việc chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, người dân nơi đây còn tập trung bảo tồn văn hóa truyền thống với những cách làm sáng tạo, phù hợp. Nghệ nhân Y Lanh, Đội trưởng Đội chiêng bon Pi Nao, người hiện lưu giữ được những bộ chiêng quý, chóe cổ và nhiều vật dụng truyền thống của người M’nông, chia sẻ: “Những năm qua, đồng bào M’nông ở bon Pi Nao luôn xem việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống là việc làm trọng tâm và quan trọng nhất. Bên cạnh việc bảo tồn, người M’nông còn tích cực truyền dạy các bài hát, điệu cồng chiêng cổ cho thế hệ mai sau với mong muốn các giá trị văn hóa truyền thống sẽ không bị mai một theo thời gian”.
Không chỉ nổi tiếng về cồng chiêng, lưu giữ những bài chiêng cổ, bon Pi Nao còn là nơi phát huy tốt nghề dệt thổ cẩm của người M’nông. Giờ đây, về bon Pi Nao, thường thấy hình ảnh các bà, các mẹ và chị em ngồi bên khung cửi dệt thổ cẩm. Bà H’Tếch, Tổ trưởng Tổ hợp tác Dệt thổ cẩm bon Pi Nao cho biết: “Trước đây, phụ nữ trong buôn khi dệt nên những mảnh thổ cẩm chủ yếu chỉ để phục vụ nhu cầu của gia đình. Tuy nhiên, do màu sắc và hoa văn độc đáo, được nhiều người ưa chuộng nên dần dần, thổ cẩm đã được bán đến nhiều địa phương, các tỉnh trong khu vực, qua đó giúp phụ nữ trong bon có thêm việc làm, thêm thu nhập. Giờ đây, cứ đến thứ 7, chủ nhật hằng tuần, chị em trong Tổ hợp tác lại tập trung để dệt vải. Ngoài những hoa văn truyền thống, mọi người còn nghiên cứu, cải tiến thêm một số hoa văn mang đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên để sản phẩm được đa dạng, phong phú”.
![]() |
Nghệ nhân Y Lanh (bên trái) hiện lưu giữ được nhiều chiêng cổ của người M’nông. |
Với cách làm phù hợp, thực tế, đến nay, bon Pi Nao có 1 câu lạc bộ văn nghệ truyền thống, 1 câu lạc bộ văn nghệ trẻ, 1 đội cồng chiêng, 1 tổ hợp tác dệt thổ cẩm, 1 tổ hợp tác sản xuất rượu cần. Đặc biệt, đội văn nghệ cồng chiêng thường xuyên được các ban, ngành, đoàn thể mời đi biểu diễn, giao lưu tại một số tỉnh, thành phố trong nước và nước ngoài, điều đó đã thể hiện được nét đẹp văn hóa riêng của người M’nông tại bon Pi Nao. Bên cạnh đó, bon Pi Nao còn có 2 nghệ nhân được Nhà nước công nhận, phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú”, nhiều nghệ nhân am hiểu về thổ cẩm và chế tác nhạc cụ, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Khai thác tài nguyên văn hóa, phát triển du lịch cộng đồng
Không chỉ có lợi thế là lưu giữ được những giá trị văn hóa truyền thống như kiến trúc nhà ở, trang phục, phong tục tập quán, di sản văn hóa, văn hóa dân gian... của người M’nông, bon Pi Nao còn được thiên nhiên ưu đãi khí hậu trong lành, ôn hòa, cảnh quan thiên nhiên đẹp, rừng phòng hộ với giá trị đa dạng sinh học cao, cảnh quan sinh thái nông nghiệp đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên... Phát huy những tiềm năng, thế mạnh đó, Ban tự quản bon Pi Nao cùng người dân đồng thuận phát triển du lịch. Đến nay, trong buôn có 5 hộ dân tham gia dịch vụ lưu trú homestay, 20 người tham gia diễn văn nghệ truyền thống kết hợp với hướng dẫn tham quan, dã ngoại, 1 hộ dân đăng ký bán đồ lưu niệm, sản phẩm thủ công truyền thống tại chỗ...
Đồng chí Nguyễn Ngọc Tùng, Phó chủ tịch UBND xã Nhân Đạo cho biết: “Toàn xã Nhân Đạo hiện có 6 thôn, 1 bon, với 1.259 hộ, 4.692 khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 10,7%. Bon Pi Nao được đưa vào danh mục các mô hình thí điểm thuộc Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 (đợt 1) theo Quyết định số 1386/QĐ-BNN-VPĐP ngày 6-4-2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Mô hình nhằm mục tiêu phát huy, khơi dậy những tiềm năng, giá trị văn hóa truyền thống, bản địa và bảo tồn, phát triển nghề truyền thống; bảo vệ và phát huy được giá trị môi trường sinh thái đặc trưng vùng miền và cảnh quan truyền thống của nông thôn”.
Bên cạnh việc quan tâm đầu tư hạ tầng, tu sửa đường giao thông, chính quyền địa phương cũng đã tổ chức các lớp tập huấn, trang bị cho đồng bào M’nông ở bon Pi Nao các kiến thức, kỹ năng phát triển du lịch cộng đồng bền vững, từ đó góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nơi đây.
Bài và ảnh: HOÀNG LÊ