Góp ý Dự thảo Luật Phòng thủ dân sự
Sáng 17/10, chuẩn bị cho kỳ họp thư 4, Quốc hội khóa XV, Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức hội thảo góp ý Dự thảo Luật Phòng thủ dân sự.
Ông Nguyễn Tạo - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì hội thảo góp ý Dự thảo Luật Phòng thủ dân sự |
Hội thảo dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Tạo - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH, tham dự có ĐBQH K’ Nhiễu - Ủy viên Hội Đồng Dân tộc của Quốc hội, Phó Chánh văn phòng Sở Khoa học và Công nghệ; đại diện Ủy ban MTTQ tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, thành viên Tổ Tư vấn chính sách pháp luật của Đoàn ĐBQH; lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan.
Dự thảo Luật Phòng thủ dân sự gồm 7 chương, 71 điều. Luật này quy định nguyên tắc, chính sách, hoạt động về phòng thủ dân sự; quyền và nghĩa vụ của công dân; chế độ, chính sách và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng thủ dân sự.
Đại biểu đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật Phòng thủ dân sự |
Dự thảo Luật được sửa đổi, bổ sung nhằm bảo đảm thể chế hóa đầy đủ nội dung Nghị quyết số 22-NQ/TW, thể hiện rõ trong các chương, điều, khoản của Dự thảo Luật; trong đó, Dự thảo Luật quy định nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự thống nhất quản lý của Nhà nước về phòng thủ dân sự.
Phòng thủ dân sự là bộ phận của phòng thủ đất nước bao gồm các biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh; phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ Nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân. Phòng thủ dân sự phải chủ động, chuẩn bị từ sớm, từ xa, từ trước khi xảy ra chiến tranh, thảm họa, sự cố.
Các đại biểu tham dự hội thảo đã tập trung nghiên cứu, đóng góp ý kiến về thực hiện quỹ phòng thủ dân sự được sử dụng để hỗ trợ hoạt động phòng thủ dân sự và ưu tiên hỗ trợ cho các hoạt động sau đây: Cứu trợ khẩn cấp về lương thực, nước uống, thuốc chữa bệnh và các nhu cầu cấp thiết khác cho đối tượng bị thiệt hại do thảm họa, sự cố; hỗ trợ tu sửa nhà ở, làm nhà ở, cơ sở y tế, trường học.
Góp ý liên quan đến chế độ, chính sách đối với người tham gia hoạt động phòng thủ dân sự; chế độ, chính sách đối với lực lượng phòng thủ dân sự; chế độ, chính sách đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia, phối hợp, cộng tác, hỗ trợ lực lượng phòng thủ dân sự; bảo hiểm rủi ro do thảm họa, sự cố…
Ngoài ra, còn có các ý kiến góp ý về từ ngữ, bố cục; về đánh giá mức độ thảm họa sự cố; về khoa học công nghệ trong phòng thủ dân sự; về công tác dự báo về phòng thủ dân sự; về các biện pháp khác mà pháp luật không cấm…
Các ý kiến đóng góp của các đại biểu sẽ được Đoàn ĐBQH tiếp thu, ghi nhận, tổng hợp, báo cáo đóng góp ý kiến tại kỳ họp Quốc hội sắp tới.