Tiêu điểm
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hạnh phúc ở thôn Hạnh Phúc

Sau thời gian xây dựng mô hình điểm “Thôn hạnh phúc” ở thôn Hạnh Phúc (Tân Hợp, Văn Yên, Yên Bái), từ vùng quê chồng chất khó khăn trở thành miền đất đáng sống với quang cảnh xanh-sạch-đẹp-bình yên, 216/328 hộ có mức sống khá và giàu, tỷ lệ gia đình đánh giá là hạnh phúc đạt 80%.

Một trong những kinh nghiệm quan trọng được đúc rút là sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị; nhất là việc cán bộ mạnh dạn tìm hướng đi cho những việc làm mới, khó và biết trọng dân, gần dân, hiểu dân, có trách nhiệm với dân. 

Không chỉ ở Hạnh Phúc mà tại nhiều nơi xây dựng mô hình “Thôn hạnh phúc”, “Bản hạnh phúc” trên địa bàn tỉnh Yên Bái, người dân dễ dàng bắt gặp hình ảnh cán bộ các cấp từ tỉnh, huyện đến thôn, bản về với dân vào mỗi cuối tuần, cùng nhân dân giải quyết khó khăn, vướng mắc ngay tại cơ sở, giúp bà con nâng cao nhận thức và thay đổi cuộc sống. Những thôn, bản hạnh phúc được hình thành, xây dựng thành công từ những việc làm như thế.

Hội thi “Bữa cơm gia đình” giới thiệu nhiều nét văn hóa ẩm thực của địa phương. Ảnh: Báo Yên Bái 

Hạnh phúc của nhân dân là mục tiêu phấn đấu của Đảng ta ngay từ khi thành lập. Để những quyết sách đúng đắn nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng cuộc sống hạnh phúc của nhân dân, có vai trò quan trọng từ những “cánh tay nối dài” của Đảng-đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là ở cơ sở, biết lắng nghe, đề cao vai trò làm chủ của người dân, thực hiện tốt phương châm: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng. Hạnh phúc ở đây không phải là khái niệm trừu tượng mà phải được lượng hóa bằng việc giải quyết những vấn đề thực tiễn, được hiện thực bằng sản phẩm cụ thể thông qua việc xác định mục tiêu của cấp ủy, chính quyền nhằm mang đến cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân.

Thôn Hạnh Phúc tổ chức tổng kết mô hình điểm cuối tháng 6 vừa qua với sự hài lòng của đông đảo người dân về chỉ số hạnh phúc, được ví như một luồng gió mát lành thổi vào thực trạng u ám ở những nơi vẫn còn một bộ phận cán bộ xa rời quần chúng, quan liêu, hách dịch, cửa quyền, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, không giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong đời sống người dân. Rõ ràng, hạnh phúc không thể gõ cửa những thôn xóm, bản làng, tổ dân phố... nơi mà có đội ngũ cán bộ "góp phần" tạo ra sự trì trệ, tê liệt bộ máy hành chính công, cản trở các hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, kìm hãm sự phát triển của cộng đồng.

Ngay từ những ngày đầu sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chính phủ ta đã hứa với dân sẽ gắng sức làm cho ai nấy đều có phần hạnh phúc”. Quan điểm, tư tưởng của Người được Đảng, Nhà nước ta vận dụng, phát huy trong mọi thời kỳ lịch sử, nhất là bối cảnh mới hiện nay. Đại hội XIII của Đảng khẳng định, mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền lợi và lợi ích chính đáng của nhân dân; lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Lời hứa của Đảng, của Chính phủ với dân cũng chính là lời hứa của mọi cán bộ, đảng viên trước nhân dân. Bởi vậy, mỗi cán bộ, đảng viên phải có bổn phận thực hiện lời hứa đó!

Chúng ta không thể đạt mục tiêu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc nếu đâu đó vẫn còn những bản làng, thôn xóm nghèo khó, người dân sống cảnh khốn cùng. Mục tiêu ấy được hiện thực bởi từng cá nhân biết chắt chiu, vun đắp cuộc sống hạnh phúc mỗi ngày và không thể thiếu đi bàn tay kiến tạo của những công bộc hết lòng vì dân.


Tags: hạnh phúc
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật