A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy - "Nóng" cả đường biển, đường hàng không, bưu điện

Thời gian gần đây, cùng với việc đầu tư mở rộng cảng hàng không, cảng biển ở Việt Nam và thực hiện đơn giản hóa các thủ tục trong hoạt động xuất, nhập khẩu, thông thoáng trong chính sách hải quan thì tình hình buôn bán, vận chuyển trái phép ma túy qua đường biển, đường hàng không, bưu điện có xu hướng gia tăng. Thủ đoạn của đối tượng phạm tội ngày càng tinh vi, xảo quyệt, manh động, có sự câu kết chặt chẽ giữa các băng nhóm tội phạm quốc tế, trong nước để vận chuyển ma túy từ các trung tâm sản xuất ma túy vào Việt Nam và chuyển đi nước thứ ba tiêu thụ.

Giấu ma túy tinh vi để vận chuyển qua đường hàng không   

 Đặc điểm của tội phạm ma túy vận chuyển qua đường hàng không là các đối tượng hoạt động chuyên nghiệp, móc nối, hình thành các đường dây có tổ chức chặt chẽ giữa đối tượng trong nước và nước ngoài. Chúng thường xuyên thay đổi quy luật hoạt động, cầm đầu thường là các đối tượng người nước ngoài, câu kết với những đối tượng ở các trung tâm ma túy (như khu vực Tam giác vàng, Lưỡi liềm vàng, Nam Mỹ) hình thành đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy về Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Các đối tượng chủ mưu không trực tiếp vận chuyển mà điều hành, chia nhỏ công đoạn vận chuyển ma túy, lợi dụng những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, thậm chí là phụ nữ mang thai để tránh sự truy xét của cơ quan chức năng.

Ma túy từ các nước được đối tượng đóng vào kiện hàng hoặc gửi người mang hành lý xách tay tuồn vào Việt Nam. Thậm chí đã có trường hợp gửi cả tiếp viên hàng không mang về nước. Người vận chuyển có khi không biết rõ hàng chứa ma túy vì các đối tượng ngụy trang tinh vi...

Đoàn Đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma túy số 1 (Bộ tư lệnh Cảnh sát biển) bắt giữ đối tượng Lê Thành Văn vận chuyển ma túy trên phà biển mang số hiệu HP-2733. 

Ngày 10-5 vừa qua, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) phối hợp với Cục Hải quan TP Hà Nội kiểm tra, phát hiện lô hàng xuất khẩu đi Nhật Bản chứa hơn 1,37kg ketamin được cất giấu dưới đáy các hộp kem dưỡng da. Tiếp đó, ngày 11-5, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài soi chiếu lô hàng từ Séc về Việt Nam phát hiện nhiều dấu hiệu nghi vấn. Tiến hành kiểm tra thực tế, lô hàng vô chủ gồm 3 kiện, tổng trọng lượng 10kg, lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ hơn 8kg ma túy tổng hợp được cất giấu trong các hộp sốt mayonnaise và trộn lẫn với những loại hàng hóa khác.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) nhận định: “Đối tượng điều hành các đường dây ma túy thường không ra mặt. Chúng sử dụng hệ thống mạng xã hội máy chủ đặt ở nước ngoài, có tính bảo mật cao như Facebook, Viber, Telegram... và sử dụng sim điện thoại của nước ngoài để kết nối toàn cầu. Toàn bộ giao dịch đều được bảo mật, ngôn ngữ là ký hiệu, ám hiệu, tên giao dịch ảo, hầu như không để lại dấu tích phạm tội trên điện thoại thông minh. Lực lượng chức năng rất khó áp dụng biện pháp nghiệp vụ và truy vết các đường dây này”.

Nguy cơ cao với đường biển, bưu điện

 Ngoài đường hàng không, đường biển cũng đang “nóng” về hoạt động của tội phạm ma túy. Lợi dụng chính sách quản lý rủi ro của thủ tục hải quan (làn xanh, làn đỏ, làn vàng), các đối tượng ở nước ngoài thuê những công ty logistics làm thủ tục hải quan điện tử và cất giấu ma túy vào các kiện hàng hóa để chuyển qua đường biển. Ngoài ra, do trên biển có những đặc thù, như địa bàn rộng, mực nước sâu, thời tiết khắc nghiệt, hạn chế tầm nhìn... nên các đối tượng có nhiều thời gian, điều kiện tẩu tán tang vật trước khi lực lượng chức năng tiếp cận kiểm tra. Đây là lý do tuyến đường biển tiềm ẩn nguy cơ các đối tượng lợi dụng để mua bán, vận chuyển trái phép ma túy với khối lượng lớn từ nước ngoài về Việt Nam, quá cảnh để đi nước thứ ba.

Thượng tá Phạm Văn Đồng, Đoàn Đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma túy số 1, Bộ tư lệnh Cảnh sát biển, cho biết: “Gần đây, hoạt động buôn bán, vận chuyển ma túy trên biển rất phức tạp. Trong 6 tháng đầu năm, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tiến hành đấu tranh triệt phá 27 chuyên án, vụ án, bắt giữ 37 đối tượng; phối hợp chặt chẽ với Cục Hải quan TP Hải Phòng và Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy trong việc nắm, điều tra đường dây vận chuyển ma túy từ Nam Mỹ qua đường biển về Hải Phòng rồi đưa sang Trung Quốc”...

Theo nhận định của các đơn vị nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy thì nguồn ma túy từ vùng Tam giác vàng được vận chuyển qua đường bộ vào Việt Nam, sau đó được đối tượng tập kết tại các kho hàng thuê sẵn. Tiếp đó, chúng giấu ma túy lẫn vào các loại hàng hóa (hạt nhựa, loa thùng, thiết bị điện tử, đá granit...) rồi đóng vào các container xuất đi nước ngoài bằng đường biển. Nếu việc kiểm soát chỉ dựa vào soi chiếu thì rất khó phát hiện.

Hoạt động vận chuyển ma túy bằng đường bưu điện cũng “nóng” không kém. Các đối tượng không giao dịch bằng những hình thức truyền thống mà chủ yếu mua bán qua mạng, lợi dụng kẽ hở để vận chuyển ma túy xuyên quốc gia thông qua các công ty chuyển phát nhanh, bưu chính quốc tế. Để đối phó với cơ quan chức năng, các đối tượng thường sử dụng tên giả, địa chỉ giả, số điện thoại giả... khi làm thủ tục gửi, nhận hàng hóa. Khi hàng về Việt Nam, đối tượng thường thuê hoặc nhờ người đi nhận hàng; hoặc ủy thác cho công ty chuyển phát nhanh thay mặt làm thủ tục hải quan, sau đó giao hàng về địa chỉ được chỉ định. Đặc biệt, tội phạm còn áp dụng phương thức gửi hàng lòng vòng qua nhiều nước nhằm đánh lạc hướng cơ quan chức năng khi tra soát tuyến đường trọng điểm. Để ngụy trang, các đối tượng thường đóng ma túy dưới dạng thùng thuốc, kem đánh răng, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng... Người vận chuyển và giao hàng đều là nhân viên bưu điện, người nhận hàng nếu bị bắt thường từ chối nhận hàng nên sẽ gây khó khăn trong công tác điều tra, bắt giữ.

Trước tình hình trên, lực lượng Công an tăng cường phối hợp với lực lượng Hải quan, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng trong trao đổi thông tin, nắm tình hình địa bàn. Công an các địa phương có sân bay quốc tế tiến hành rà soát, điều tra cơ bản các doanh nghiệp logistics có chức năng chuyển phát nhanh và đối chiếu Luật Bưu chính để rà soát, bổ sung kịp thời những quy định, khắc phục sơ hở, thiếu sót. Đặc biệt, lực lượng Cảnh sát biển và Bộ đội Biên phòng coi trọng công tác trinh sát, nắm tình hình; phối hợp tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và quản lý, giám sát chặt chẽ phương tiện tàu, thuyền nước ngoài hoạt động trên vùng biển trọng điểm và các tuyến vận tải quốc tế có điều kiện, khả năng liên quan đến tội phạm về ma túy.

Thời gian qua, lực lượng Cảnh sát biển và Bộ đội Biên phòng đã lập các chuyên án chung và hỗ trợ đấu tranh, bắt giữ, xử lý tội phạm về ma túy; ngăn chặn có hiệu quả nguồn ma túy xâm nhập, thẩm lậu vào nội địa. Trong 6 tháng đầu năm 2023, lực lượng chức năng đã bắt giữ 46 vụ với 20 đối tượng buôn bán, vận chuyển ma túy trên tuyến đường hàng không, đường bưu điện; thu giữ 100,224kg cần sa, hơn 100kg ma túy tổng hợp, 5,306kg heroin và nhiều loại ma túy khác... 

Tags: ma túy
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết